+Aa-
    Zalo

    Hơn 30\% sinh viên sư phạm học lực trung bình yếu là bình thường?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Học lực thực tế của sinh viên cũng như sứ mệnh "trồng người" của các "kỹ sư tâm hồn" sẽ ra sao khi tỉ lệ sinh viên xếp học lực trung bình và yếu tương đối cao như vậy?
    (ĐSPL) - Giáo dục là lĩnh vực luôn có sức nóng nhất định, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Mới đây, trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 (ĐHSP HN 2) công bố kết quả học tập học kì 1 năm học 2013 - 2014 của sinh viên trên website nhà trường, khiến dư luận có nhiều quan ngại. Học lực thực tế của sinh viên cũng như sứ mệnh "trồng người" của các "kỹ sư tâm hồn" sẽ ra sao khi tỉ lệ sinh viên xếp học lực trung bình và yếu tương đối cao như vậy?
    "Những năm trước còn cao hơn"
    Theo tìm hiểu của PV thì, kết quả học tập hàng năm của sinh viên ĐHSP HN 2 đều được chuyển tới từng phòng, ban, các khoa và sinh viên để mỗi cá nhân nhìn nhận, đánh giá và có sự điều chỉnh phù hợp.
    Tuy nhiên, để nâng cao tính minh bạch, công khai, rõ ràng trong từng hoạt động, đây là năm đầu tiên trường ĐHSP HN 2 đưa tất cả những con số thực lên trang web của nhà trường.
    Trong 7.994 sinh viên, tính cả số lượng sinh viên liên thông hệ chính quy của bốn khóa học thì có 22 sinh viên không được xét kết quả học tập do bảo lưu, nghỉ học quá nhiều hoặc nộp học phí chậm (chiếm 0,3\%), 46 sinh viên bị cảnh cáo vì kết quả học tập quá kém (chiếm 0,6\%), 325 sinh viên có học lực xuất sắc (chiếm 4,1\%), 1.115 học lực giỏi (chiếm 13,9\%), 3.804 học lực khá (chiếm 47,6\%), 1.712 học lực trung bình (chiếm 21,4\%) và 970 học lực yếu (chiếm 12,1\%).
    Nhìn nhận trên mặt bằng các khoa, khoa Sư phạm Ngữ văn có số lượng sinh viên xuất sắc, giỏi và khá tương đối cao. Tổng số sinh viên khoa này là 1.232, trong đó, sinh viên xuất sắc 73; giỏi 226; khá 563; sinh viên học lực trung bình 220; yếu là 71.
    Khoa Sư phạm Công nghệ thông tin và Sư phạm Toán có số lượng sinh viên học lực trung bình và yếu nằm top cao của trường với tỉ lệ lần lượt là 43,9\% và 43,5\%. Tỉ lệ sinh viên trung bình và yếu của khoa Sư phạm Giáo dục thể chất chiếm 62,2\%, cao nhất trường.
    Từ số liệu trên, chắc hẳn, nhiều người không khỏi nghi ngại, kết quả học tập kém sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như kết quả tốt nghiệp kém, chất lượng giáo viên không cao, nguy hại đến tương lai sau này.
    Tiến sỹ Nguyễn Văn Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường đã có sự phản hồi với báo giới về kết quả bị cho là "có vấn đề" này. ông cho rằng, con số hơn 30\% sinh viên có học lực trung bình và yếu như vậy vẫn là thấp. Nhiều năm trước đây, sinh viên học lực trung bình, yếu có thể chiếm tới hơn 50\%, nhiều khóa học không có sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
    Hơn 30\% sinh viên sư phạm có học lực trung bìnhvàyếulàbình thường
    Sẽ ra sao khi học lực của các thầy cô giáo tương lai quá yếu?
    "Câu chuyện hết sức bình thường"?
    Trên thực tế, một số trường đại học đã tự tăng điểm cho sinh viên trong quá trình học tập. Lý do, sinh viên có kết quả học tập cao, sau này ra trường dễ xin việc nhờ hồ sơ đẹp. Thậm chí, nhiều trường tuyển dụng theo kiểu "vơ bèo nhặt tép", chất lượng đầu vào cực thấp nhưng tới khi ra trường, phần đông sinh viên đạt học lực khá, giỏi, xuất sắc.
    Cũng không nhiều trường áp dụng phương pháp công bố điểm học phần của sinh viên lên các website. Một số dư luận hiện nay vẫn cho rằng, sinh viên tốt nghiệp bằng khá của ĐHSP HN 1 có thể bằng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc của nhiều trường khác.
    PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với  PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Đào tạo, ĐHSP HN 2: "Trước đây, tôi từng là sinh viên khoa Toán của trường, cũng từng là giảng viên của khoa. Khóa học của tôi là K17, không có sinh viên nào ra trường bằng loại giỏi. Thế nhưng, chúng tôi vẫn không ngừng học tập, nghiên cứu và sáng tạo. Chúng tôi vẫn có được những thành công mà nhiều sinh viên bây giờ phải mơ ước. Điều tôi muốn nói là, kết quả học tập ở trường đại học chỉ là một phần nhỏ. Để thành công, mỗi người phải dựa vào năng lực thực của bản thân và vận dụng thực tế một cách linh hoạt. Tôi cho rằng, không nhất thiết, cứ phải có bằng giỏi mới là tài năng".
    Liên quan đến số liệu sinh viên xếp loại học lực trung bình và yếu mới được công bố, vị Trưởng phòng Đào tạo xác nhận, thông tin hoàn toàn là sự thực.
    "Tuy nhiên, đây chỉ là kết quả trung bình chung của một học kì, không phải là điểm của toàn khóa học, cũng không phải là kết quả tốt nghiệp", PGS. Huy khẳng định.
    Ông phân tích, giống như một người đi câu cá, tùy vào mùa câu mà lượng cá câu được là nhiều hay ít, là cá to hay cá nhỏ. Bởi vậy, câu chuyện sinh viên học lực trung bình và yếu chiếm số đông không phải hiếm gặp và đối với trường ĐHSP HN 2, kết quả này lại càng bình thường.
    Hơn nữa, đối với sinh viên năm thứ nhất, các em mới chuyển từ lớp phổ thông lên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa bắt nhịp với việc học tín chỉ như hiện nay. Kết quả học kỳ thấp là hết sức bình thường. Ban giám hiệu nhà trường đã có sự thống nhất công khai trên website để các em có thể nắm bắt kết quả thực tế, có sự so sánh, đánh vào tâm lý sợ mất thể diện với bạn bè xung quanh và phấn đấu cho những kì học tới. Tất nhiên, kết quả cuối cùng ra trường là cộng trung bình chung của tất cả các kì học thì tỉ lệ sinh viên yếu kém sẽ ít đi.
    Giữ chất lượng đào tạo thật
    PGS. Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, lẽ tất nhiên, tuyển dụng được sinh viên giỏi vào trường là điều mà bất cứ trường đào tạo nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, thầy nào trò ấy. Chương trình đào tạo đúng, đủ, chất lượng là hết sức quan trọng. Cùng với những điều đó là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy và ngay chính thói quen của các nhà tuyển dụng cũng phải thay đổi.
    Hiện nay, thói quen trọng bằng cấp, ưu ái những bảng "điểm đẹp" của nhà tuyển dụng là nguyên nhân làm nhụt ý chí phấn đấu của các em từ khi còn ngồi trên giảng đường. Tâm lý e ngại về việc phải quen biết, nhiều tiền, bảng điểm cực đẹp khiến các em nản chí và không còn muốn phấn đấu trong quá trình học.
    Theo PGS. Huy thì, trên thực tế, chất lượng đầu vào của khối các trường sư phạm cũng như ĐHSP HN 2 không phải quá thấp. Thế nhưng, mọi người không nên nghĩ, phải có sinh viên xuất sắc mới là tốt. Điều quan trọng là chất lượng đầu ra của đào tạo được thể hiện trên thực tế ra sao?
    "Chúng tôi mong muốn giữ nguyên bản chất lượng đào tạo thật của mình, không quan tâm nhiều đến áp lực từ phía xã hội. Chúng tôi cũng không hướng đào tạo theo bằng cấp. Cái đích mà nhà trường hướng đến là sinh viên khi ra trường được các sở giáo dục địa phương đánh giá cao. Dù các em có bằng giỏi, bằng khá, hay thậm chí là bằng trung bình nhưng năng lực tốt thì các em vẫn có thể đánh bật được những tấm bằng loại ưu với chất lượng "trên giấy" của sinh viên trường khác. Tất nhiên, chúng tôi cũng có thể nâng số lượng sinh viên giỏi, xuất sắc lên 70\% - 80\%. Nhưng quan điểm của nhà trường là phải làm nghiêm để gìn giữ uy tín, thương hiệu và chất lượng giáo dục nguyên bản của một môi trường giáo dục sư phạm",  PGS. Huy nhấn mạnh.
    Một chuyên gia giáo dục (xin không nêu tên) cho ý kiến: Việc công khai kết quả học tập của sinh viên, không che giấu, không sợ xấu như ĐHSP HN 2 nên được nhân rộng.
    Tuy nhiên, mỗi trường cũng cần có kế hoạch phù hợp để nâng cao tri thức của sinh viên. Bởi, học lực là nền tảng cơ bản để mỗi sinh viên chứng tỏ bản lĩnh của mình trên thực tế. Nếu không có kiến thức tốt, con người sẽ khó thành công.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-30-sinh-vien-su-pham-hoc-luc-trung-binh-yeu-la-binh-thuong-a29413.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khi sinh viên sư phạm không còn giữ được

    Khi sinh viên sư phạm không còn giữ được "bản sắc"

    (ĐSPL) - Không còn dịu dàng, thanh lịch, kín đáo như những gì người ta thường quan niệm về ngành sư phạm, ngày nay, hình ảnh của những sinh viên sư phạm đang ngày càng vượt ra khỏi những gì trước đây được coi là chuẩn mực.