+Aa-
    Zalo

    Hơn 68.700 thí sinh trượt tốt nghiệp THPT năm 2015

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bình quân chung năm nay đạt gần 92\%, giảm 7,44\% so với năm trước.

    (ĐSPL)- Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bình quân chung năm nay đạt gần 92\%, giảm 7,44\% so với năm trước.

    Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 2015 giảm 7,44\% so với 2014

    Theo VNE, tối 23/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015. Theo đó tỷ lệ đỗ của khối THPT đạt 93,42\%, khối giáo dục thường xuyên đạt 70,08\%, bình quân chung là 91,58\%.

    So với các năm trước, con số này giảm đáng kể: giảm 7,44\% so với năm 2014; giảm khoảng 6\% so với các năm 2013 và 2012. Như vậy trong tổng số 816.830 thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT có đến hơn 68.700 em bị trượt.

    Theo Bộ Giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh.

    So sánh tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở các cụm thi trên cả nước, tỷ lệ tốt nghiệp của các thí sinh dự thi tại cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn (94,74\%), cụm do các Sở Giáo dục chủ trì (84,45\%).

    Theo Bộ Giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2015 giảm so với các năm trước, phản ánh đúng hơn kết quả học tập của học sinh. Đây cũng là minh chứng cho chất lượng đề thi được nâng cao theo hướng mở, chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực và có tính phân hóa cao. Công tác coi thi, kỷ luật trường thi chặt chẽ hơn; quy trình chấm thi 2 vòng độc lập được tuân thủ nghiêm ngặt.

    "Mục đích của kỳ thi vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học, cao đẳng đã làm giảm tối đa hiện tượng học sinh giúp đỡ nhau làm bài trong phòng thi. Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT cao hơn hệ giáo dục thường xuyên, phản ánh thực tiễn khác nhau về chất lượng của hai phương thức giáo dục này", Bộ Giáo dục nhìn nhận.

    Môn Toán dẫn đầu số lượng thí sinh bị điểm liệt

    Là môn thi có nhiều điểm tuyệt đối nhất nhưng Toán cũng là môn có số lượng thí sinh bị điểm liệt nhiều nhất với hơn 12.000 em.

    Theo phổ điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố, môn Toán cả nước có hơn 12.000 thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), gần 95.200 thí sinh đạt từ 6 đến 7 điểm. Có 8.356 em từ 9 điểm trở lên trong đó 86 em được điểm tuyệt đối.

    Phổ điểm môn toán kỳ thi THPT năm 2015.

    Thầy Trần Nam Dũng, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận xét, với đề thi năm nay, trong khoảng 1 triệu thí sinh chỉ có 86 em đạt điểm 10 là số lượng không nhiều. Đáng buồn, con số ấn tượng nhất lại là số học sinh bị điểm liệt quá đông.

    "Điều này một mặt khá dễ hiểu, vì dù Lý, Hóa, Sinh có khi còn khó hơn, nhưng là thi trắc nghiệm nên thí sinh đánh đại cũng thoát liệt, còn các môn xã hội thì dù sao các thầy cô cũng có thể đãi cát tìm chì để cho 1,5 điểm.

    Tuy nhiên, kết quả thi môn Toán là rất đáng lo ngại, vì nếu xem đề thi thì ta sẽ không thể hiểu được vì sao một học sinh đạt điểm trung bình về toán lớp 12 lại không thể kiếm được 1,25 điểm", thầy Dũng trăn trở.

    Theo thầy, kết quả môn Toán cho thấy có điều gì đó không ổn. "Ở cách ra đề, cách dạy, hay cách ta cứ đẩy học sinh lên lớp trên? Tôi nghĩ trong vài phần trăm thí sinh bị điểm liệt môn Toán, sẽ có một phần là không thể học, còn đa phần là không muốn học, không chịu học. Mà cái đa phần đó thì trách nhiệm thuộc về chúng ta, về ngành giáo dục", thầy Dũng nói.

    Môn Văn không có thí sinh được điểm 10 nhưng điểm từ 9,5 có 11 em. Thí sinh có điểm từ 4,5 đến 6,5 chiếm số lượng nhiều nhất. Hơn 600 thí sinh bị điểm liệt.

    Môn Lý chỉ có một thí sinh được điểm 10, hơn 1.400 thí sinh đạt điểm 9, phổ điểm chiếm tỷ lệ lớn nhất là 4-7. Khoảng 260 em bị điểm liệt.

    Môn Hóa học, cả nước có 130 thí sinh đạt điểm 10, khoảng 67.500 em được từ 5 đến 8 điểm. Hơn 300 em bị điểm từ 0 đến 1.

    Đồ thị môn Sinh học cao chót vót ở khoảng 4 đến 5 điểm. Được đánh giá là môn dễ ăn điểm nhưng Sinh chỉ có 35 thí sinh đạt điểm 10 và 705 em được 9 điểm. Số em bị điểm liệt là gần 300.

    Môn Lịch sử dù có 1.083 em bị điểm liệt song có đến 1.450 em trên điểm 9, trong đó 11 thí sinh đạt điểm 10.

    Môn Địa lý mọi năm cũng là môn dễ ăn điểm ở khối C thì năm nay đỉnh đồ thị cao nhất ở mốc 6 điểm với hơn 30.700 thí sinh. Phổ điểm chiếm tỷ lệ nhiều nhất là từ 5 đến 7. Khoảng 550 em bị điểm liệt và 84 thí sinh được điểm 10.

    Ngoại ngữ là môn thi có đồ thị phổ điểm xấu nhất khi đoạn gấp khúc thể hiện điểm 2 đến 3,5 cao đột biến, sau đó xuống đột ngột và thấp dần. Môn thi này có 175 em bị điểm liệt và 59 thí sinh đạt điểm 10.

    "Qua phân tích phổ điểm, chúng ta thấy rằng đề thi với nhiệm vụ vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học giúp cho số thí sinh có điểm khá tăng lên đáng kể. Vì vậy, khi tổ hợp các môn thi theo khối A, A1, B, C, D thí sinh đạt điểm khá trở lên sẽ nhiều hơn năm ngoái. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn vào các trường tốp giữa sẽ tăng lên khoảng 1 đến 2 điểm", một chuyên gia về đo lường chất lượng nhận định.

    Cụm thi do các trường đại học chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn

    Đánh giá về tỷ lệ tốt nghiệp đối với các thí sinh dự thi tại các cụm thi do trường đại học chủ trì cao hơn ở các cụm thi do Sở chủ trì, Bộ Giáo dục cho rằng điều này phù hợp với thực tế là ở các cụm thi do các trường đại học chủ trì có nhiều thí sinh có kết quả học tập cao hơn. Kết quả này cũng chứng tỏ không có cơ sở để khẳng định những lo lắng về việc các cụm thi do địa phương tổ chức coi thi, chấm thi lỏng hơn cụm do các trường đại học chủ trì.

    Công việc tiếp theo của các Sở Giáo dục là họp hội đồng xét công nhận tốt nghiệp THPT chính thức và công bố kết quả tốt nghiệp cho các thí sinh theo quy định. Các trường đại học, cao đẳng tổ chức xét tuyển theo danh sách thí sinh đăng ký dựa trên kết quả thi và chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng các quy định của quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng.

    Bộ Giáo dục khẳng định sẽ thu thập ý kiến trong ngành và xã hội, phân tích đánh giá để rút kinh nghiệm hoàn thiện các công việc về tổ chức thi, đồng thời nghiên cứu đề xuất các biện pháp chỉ đạo kỳ thi cho những năm tiếp theo.

    Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức từ ngày 1 đến 4/7 với sự tham gia của hơn một triệu thí sinh. Từ hôm nay, Hội đồng xác định ngưỡng chất lượng đầu vào sẽ họp. Dự kiến 28/7 Hội đồng sẽ trình phương án tư vấn cho Bộ trưởng để quyết định. Từ 1/8, các trường đại học bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển đợt 1.

    Đức An (Tổng hợp)

    Xem thêm video:

     [mecloud]XMjgiIN0v9[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hon-68700-thi-sinh-truot-tot-nghiep-thpt-nam-2015-a103266.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.