+Aa-
    Zalo

    HS tử vong sau khi bị cô giáo đánh: Không chỉ là nỗi đau thể xác

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Việc bị đánh không chỉ mang lại sự đau đớn về thể xác, mà hơn hết là sự xúc phạm về tinh thần. Và vì thế, không nên và không bao giờ đánh trẻ con, nhất là lứa tuổi từ THCS trở đi.

    (ĐSPL) - "Việc bị đánh không chỉ mang lại sự đau đớn về thể xác, mà hơn hết là sự xúc phạm về tinh thần. Và vì thế, không nên và không bao giờ đánh trẻ con, nhất là lứa tuổi từ THCS trở đi."

    Thời gian gần đây, hiện tượng thầy cô áp dụng các hình phạt như đánh đập,hành hung, thậm chí mạt sát học sinh trong giảng dạy liên tiếp diễn ra, như vụ thầy giáo ở Long An "trút" mưa roi làm học sinh phải nhập viện, một cô giáo ở Quảng Ninh túm tóc đánh học sinh...

    Gần đây và cũng đau lòng nhất, là sự việc một nữ sinh lớp 6 trường THCS Phan Bội Châu (Quận Tân Phú, TP.HCM) tử vong sau khi bị cô giáo bộ môn Công nghệ dùng thước kẻ đánh 4 cái vào mông.

    Di ảnh nữ sinh bị tử vong sau khi bị đánh. (Ảnh: NLĐ).

    Mặc dù, em học sinh này đã khẩn thiết van xin "Xin cô giáo đừng đánh vào mông con, hãy đánh vào tay con", nhưng cô giáo không nghe, dẫn đến cái chết thương tâm của nữ sinh 12 tuổi này.

    Khi nguyên nhân cái chết của nữ sinh này chưa được sáng tỏ thì câu hỏi được rất nhiều người đặt ra, đó là câu nói "thương cho roi, cho vọt" có còn phù hợp với cuộc sống hiện nay?

    Là một giáo viên, cô giáo Nguyễn Phương Anh (trường Tiểu học Nguyễn Du, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ với PV báo Đời sống & Pháp luật: "Mỗi thầy cô có một cách khác nhau để giảng dạy, chỉ bảo học sinh. Tuy nhiên, không nên áp dụng hình phạt đòn roi với các em. Khi đến trường, các thầy cô hãy xem các em học sinh như con, cháu trong gia đình. Khi các em làm gì sai, hãy nhẹ nhàng phân tích chỉ bảo tận tình".

    Cô Phương Anh chia sẻ thêm: "Phương pháp dạy của tôi là xây dựng nội quy riêng cho lớp học. Nếu các em vi phạm nội quy, tôi sẽ xử lý theo quy định đó. Đặc biệt, tôi không bao giờ áp dụng "đòn roi" với học sinh".

    Cũng theo cô Phương Anh, với những em học sinh hiếu động, giáo viên nên có phương pháp giảng dạy thích hợp để uốn nắn các em biết và sửa sai. Đối với những trường hợp cá biệt, thầy cô có thể gặp gỡ trực tiếp và trao đổi riêng. Bên cạnh đó, có thể phối hợp với gia đình để có các em có thể thay đổi.

    Sau cái chết thương tâm của nữ sinh lớp 6 ở TP.HCM, rất nhiều người lên tiếng ủng hộ quan điểm, giáo viên không được dùng "bạo lực" với học sinh

    Theo thạc sĩ Lê Minh Công, phó trưởng khoa tâm lý học (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM), việc đánh người khác (hay gọi là bạo lực/bạo hành) là một chuyện không nên, nhất là với con trẻ.

    Được dẫn lời trên báo Tuổi trẻ, thạc sỹ Công cho hay: "Trẻ con, nhất là ở lứa tuổi THCS, lứa tuổi đang định hình và phát triển nhân cách, các em phát triển rất mạnh lòng tự trọng và tự đánh giá bản thân. Việc bị đánh không chỉ mang lại sự đau đớn về thể xác, mà hơn hết là sự xúc phạm về tinh thần. Và vì thế, không nên và không bao giờ đánh trẻ con, nhất là lứa tuổi từ THCS trở đi".

    Còn theo thạc sĩ - bác sĩ Phạm Minh Triết - Trưởng khoa tâm lý (Bệnh viện Nhi đồng 1), mỗi người sẽ tiếp nhận sự việc một cách khác nhau nên cũng tiếp nhận đòn roi theo cách không giống nhau.

    Trong các bệnh về tâm lý, có nhóm bệnh thuộc về rối loạn lo âu, cơn cấp tính của nó được gọi là rối loạn hoảng loạn. Với một đứa trẻ lên cơn hoảng loạn lo âu thì có thể dẫn đến ngất xỉu, nhưng để dẫn đến tử vong sẽ còn cả bệnh liên quan về thực thể (như tim mạch...). 

    Tuy nhiên, theo tâm lý học thì không dùng hình phạt là đòn roi, xâm phạm đến thân thể trẻ. Vì đòn roi sẽ khiến trẻ sợ hãi nhiều hơn là mang lại động lực cố gắng, hữu ích đối với trẻ.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hs-tu-vong-sau-khi-bi-co-giao-danh-khong-chi-la-noi-dau-the-xac-a78890.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan