+Aa-
    Zalo

    Hưng Yên: Cần làm rõ những bất thường sau các gói thầu của Công ty Tiến Ngạn

    • DSPL
    ĐS&PL Trong nhiều gói thầu Công ty Tiến Ngạn “thâu tóm” tại huyện Phù Cừ, luôn có 8 doanh nghiệp khác song hành và bị loại với kịch bản hồ sơ không hợp lệ.

    Trong nhiều gói thầu Công ty Tiến Ngạn “thâu tóm” tại  huyện Phù Cừ, luôn có 8 doanh nghiệp khác song hành và bị loại với kịch bản hồ sơ không hợp lệ.

    Với vốn điều lệ chỉ 4,9 tỷ đồng nhưng Công ty TNHH Tiến Ngạn (Công ty Tiến Ngạn) tại xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên là một nhà thầu trúng rất nhiều gói thầu lớn trên địa bàn huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Chỉ tính trong 2 năm 2018 và 2019, công ty này đã trúng khoảng 28 gói thầu với giá trúng thầu hơn 500 tỷ đồng.

    Có nhiều điểm bất thường trong hồ sơ dự thầu của 08 nhà thầu đồng hành cùng Công ty Tiến Ngạn

    Và điều khiến dư luận không khỏi tò mò là việc, vì sao nhiều gói thầu lớn đều không “lọt qua tay” Công ty Tiến Ngạn. 

    Qua kết quả khảo sát 5 gói thầu thi công xây lắp gần đây nhất gồm: “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đình Cao, đoạn từ ĐH.83 đến thôn An Nhuế, xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 13/2/2020); “Xây dựng cầu Vóc trên ĐH.83, huyện Phù Cừ” (đóng thầu ngày 10/2/2020); “Xây dựng cầu Cự Phú xã Tam Đa, trên đường nhánh ĐH.64 huyện Phù Cừ” (đóng thầu ngày 11/2/2020); “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 19/3/2020); “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” (đóng thầu ngày 03/4/2020), thực tế cho thấy việc dư luận hoài nghi về tính minh bạch là có cơ sở.

    Cụ thể, ở 5 gói thầu kể trên, ngoài Công ty Tiến Ngạn, có 8 đơn vị khác luôn song hành cùng. Đó là Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến, Công ty TNHH tư vấn và xây lắp Liên Việt, Công ty TNHH xây dựng 668, Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ Tân Thành Đạt, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH  Xây dựng Trường Giang, Công ty lập thành Hưng Yên, Công ty TNHH xây dựng và tư vấn Hoàng Minh.

    Ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ thiếu hợp tác với báo chí

    Đáng nói, dù nộp hồ sơ dự thầu song cả 8 đơn vị này đều bị loại ở “vòng gửi xe” (là bước đầu tiên đánh giá tính tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu). Theo đó, lỗi chung được đưa ra là: Bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng… với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành.

    Về mặt hình thức, kịch bản 8 nhà thầu “lót đường” cho Công ty Tiến Ngạn trúng thầu mang đến phần nào sự hợp thức. Tuy nhiên, đi sâu vào nhiều gói thầu, dư luận có thể đặt ra một số nghi vấn. Cụ thể, tại gói thầu thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nông thôn xã Đình Cao, đoạn từ ĐH.83 đến thôn An Nhuế, xã Đình Cao” (đóng thầu ngày 13/2/2020), hồ sơ dự thầu của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Phúc Tiến bị đánh giá “không đạt” vì “bảo đảm dự thầu của nhà thầu không hợp lệ do không có xác nhận bảo chi của ngân hàng BIDV – chi nhánh Hưng Yên với tờ Séc mà đơn vị ký phát hành”, thì đến tháng 4/2020 tại gói thầu thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Đoàn Đào đoạn từ QL.38B (Km26+150) đến cổng làng Long Cầu” nhà thầu này lại bị đánh giá không đạt vì lỗi tương tự.

    Trường hợp kể trên xảy ra phổ biến với 7 nhà thầu còn lại. Bằng một suy luận đơn giản, nhà thầu khi đã bị đánh trượt từ “vòng gửi xe” với 1 lỗi đã được nêu, họ sẽ rút kinh nghiệm cho lần sau. Nhưng điều này dường như không xảy ra ở 8 đơn vị đồng hành với Công ty Tiến Ngạn.

    Tới đây, dư luận không khỏi thắc mắc, tại sao 8 nhà thầu đều bị từ chối với lý do giống nhau, chỉ trừ Công ty Tiến Ngạn là đáp ứng đủ yêu cầu của chủ đầu tư? 8 nhà thầu này có thực sự yếu kém hay bị đánh trượt để “dọn đường” cho một nhà thầu đã được “nhắm” trước? Tính minh bạch của các gói thầu trên đến đâu?

    Liên quan tới sự việc, PV đã liên hệ với UBND huyện Phù Cừ để tìm hiểu thông tin. UBND huyện sau đó đã cử ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ tiếp và trả lời.

    Tuy nhiên, tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trung Kiên tỏ vẻ không thiện chí hợp tác với báo chí, những câu hỏi được PV nêu ông Kiên đều tìm cách thoái thác. Thậm chí vị cán bộ này còn nói: “Sự việc anh đã trả lời các báo, em lên mạng mà tìm hiểu”.

    PV đề cập tới việc các gói thầu Công ty Tiến Ngạn trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp, ông Kiên lập tức tỏ thái độ: “Không có luật nào cấm người ta trúng thầu với tỷ lệ tiết kiệm rất thấp cả”.

    Tiếp tục dặt dấu hỏi về việc nghi vấn dàn xếp đấu thầu khi 8 đơn vị luôn đồng hành cùng Công ty Tiến Ngạn tại 5 gói gần nhất, ông Kiên lại gay gắt: “8 đơn vị này không có ý kiến gì thì thôi, không ai có quyền ý kiến về việc này”.

    Buổi làm việc kết thúc bằng việc PV đề nghị ông Nguyễn Trung Kiên cung cấp hồ sơ dự thầu của Công ty Tiến Ngạn, ông Kiên cho biết không có nghĩa vụ để cung cấp thông tin cho báo chí, mặc dù thông tin này là công khai.

    Với những bất thường tại nhiều gói thầu của Công ty Tiến Ngạn do Ban QLDA đầu tư xây dựng huyện Phù Cừ làm chủ đầu tư, dư luận mong muốn sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, kiểm tra, làm rõ, có hay không những “uẩn khúc” trong công tác đấu thầu tại đây.

    Xuân Tùng

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/hung-yen-can-lam-ro-nhung-bat-thuong-sau-cac-goi-thau-cua-cong-ty-tien-ngan-a325835.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan