+Aa-
    Zalo

    Huyền tích bí ẩn xung quanh núi “ngắm trăng” và chuyện “ông cọp đi tu”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Núi Phú Thọ cao chừng 60m so với mực nước biển, nằm cạnh cửa Đại, Cổ Lũy. Ngọn núi như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngã

    (ĐSPL) - Núi Phú Thọ cao chừng 60m so với mực nước biển, nằm cạnh cửa Đại, Cổ Lũy. Ngọn núi như một đồn lũy thiên nhiên án ngữ cửa biển quan trọng bậc nhất tỉnh Quảng Ngãi. Sở dĩ gọi là núi Đá vì trên núi có nhiều khối đá granit xám có kích cỡ và hình dạng khác nhau. ít ai biết rằng, núi Đá còn tồn tại nhiều câu chuyện huyền bí chưa thể lý giải.

    Tương truyền tiên nữ ngắm trăng

    Theo người dân địa phương, trên núi Phú Thọ (còn có tên gọi khác là núi Đá), tọa lạc tại thôn Thanh An (xã Nghĩa Phú, TP.Quảng Ngãi) có những khối đá chồng lên nhau tạo ra những đá Trống, đá Chuông, khi gõ vào phát ra âm thanh trầm bổng rất kỳ lạ. Những dãy đá lô nhô khuất sau cây lá còn được gọi là gò Đá Trận. Trong dãy đá ấy đến nay vẫn còn phế tích thành quách do người Chăm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX – X mà rõ nhất là phế tích thành Bàn Cờ. “Nhất bộ dị trạng" (mỗi bước một đổi thay hình dạng) là cách nói diễn tả vẻ đẹp độc đáo của núi đá Phú Thọ ở mỗi góc nhìn, mỗi khoảnh khắc thời gian.

    Theo hồ sơ của bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi, thành có hình thang cân, cạnh trên 52m, đáy 60m, cao 25m, diện tích khoảng 500m2. Bờ thành Bàn Cờ vốn được xây bằng gạch, trên mặt thành có tháp Chăm nhưng trải qua thời gian nơi đây đã thành phế tích, chỉ còn gạch vỡ, rêu phong và bị cây cối bao quanh um tùm. Thành Bàn Cờ hợp với thành hòn Yàng và lũy Cổ Lũy (ở xã Nghĩa Phú) tạo thành hệ thống phòng thành, bảo vệ thành Châu Sa (phía tả ngạn sông Trà Khúc), nên thường được các nhà chuyên môn gọi chung là hệ thống phòng thành Cổ Lũy.

    Chùa Hang nơi có "ông cọp đi tu".

    Nét đẹp và vẻ u linh thần bí ở thành Bàn Cờ khiến ai đặt chân đến cũng cảm thấy gai người. Chỉ tay lên di tích thành Bàn Cờ nay đã bị rừng rậm bao quanh, ông Đặng Văn Vân (68 tuổi, ngụ thôn Thanh An) kể, tương truyền, ngày xưa người Chăm sống trên đỉnh núi Phú Thọ, còn người Kinh sống ở ngọn núi đối diện tên là núi Chồng. Vào một năm, người Kinh và người Chăm tổ chức thi thố với nhau xem bên nào đắp núi lên cao hơn. Người Kinh ngày đêm ra sức đào đất để đắp núi, còn người Chăm đi khắp nơi tìm những hòn đá to về đặt lên núi để đắp thành.

    “Nhưng vì đá nặng lại khó tìm, nên sau ba tháng, ngọn núi Phú Thọ của người Chăm thấp hơn so với núi Chồng của người Kinh. Vì thua cuộc nên người Chăm đã bỏ thành và đi vào Sa Huỳnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) để sinh sống. "Đó chính là lý do vì sao núi Phú Thọ bây giờ có rất nhiều đá và đá lại chồng lên nhau như thế", ông Vân nói.

    Ở phế tích thành cổ này còn rất nhiều câu chuyện huyền bí được lưu truyền trong dân gian. Ông Vân kể, vào những đêm trăng, tại thành Bàn Cờ này xuất hiện những tiên nữ từ thượng giới bay xuống đứng trên các mỏm đá ca hát, vui đùa. Đến khi trời gần sáng, tiếng gà gáy nổi lên, các tiên nữ mới dời gót. Có hôm giữa đêm không trăng, thì dân ở đây cũng thấy từng vệt trắng bay lên. Nhiều người cho rằng, đó là các "hồn nữ ma Hời" tiếc thành quách cũ của tổ tiên và cảnh đẹp nơi này nên đêm đêm trăng thanh hiện hồn tìm về thăm lại.

    “Bởi vì lý do đó nên người dân trong làng ít ai dám lên núi một mình ngay cả vào ban ngày vì họ sợ "hồn nữ ma Hời" bắt đi. Lúc trước, có nhiều mảnh sành sứ của người Chăm nhưng không có ai dám cầm về nhà vì sợ ma Hời sẽ đến nhà bắt tội", ông Vân cho biết. Sư trụ trì chùa Từ Lâm (dưới chân núi Phú Thọ) Thích Hạnh Đắc cho biết thêm, tại núi Phú Thọ, thành Bàn Cờ, dân gian trong vùng còn truyền tai nhau rằng, nhiều đêm trời tối, trên núi đá thấy có vết sáng hừng từ dưới đất bay lên. Sau đó, vết hừng này lại từ trên trời chụp xuống chỗ cũ. Dân trong vùng bảo đó là "vàng Hời" đi ăn. Nhiều người còn bảo từng thấy "vàng Hời" biến thành con ngựa vàng và con gà vàng sáng rực chạy trên núi đá?!

    Huyền tích chùa Hang có "ông cọp đi tu"

    Trên đỉnh núi Phú Thọ có ngôi chùa Hang thiên tạo với hai khối đá dựng lên làm trụ, đỡ một tảng đá lớn nhô ra phía trước trông tựa mái hiên. Rêu phong phủ đầy vách đá tạo nên vẻ u tịch hoang sơ. Những rễ cây đa cổ thụ lách qua kẽ đá dẫn từng giọt nước trong veo rơi tí tách xuống lòng hang càng tăng thêm vẻ u tịch. Đi sâu vào bên trong, chúng tôi thấy một hang đá rộng chừng 2m, dài hun hút mấy chục mét và có một giếng sâu.

    Theo ông Vân thì đó là hang đá sâu nhất của chùa Hang. Tương truyền, ngày trước có người ném những tảng đá xuống giếng nhưng không nghe thấy âm thanh đụng đáy giếng. Sau này, người ta thấy những tảng đá đó ở bãi đá ông Đày, bên bờ sông Nghĩa Phú. “Tuy chùa Hang đã bị tàn phá theo thời gian nhưng hiện nay vào các ngày rằm, mùng một và Tết, người dân từ khắp nơi đến đây thắp hương cầu nguyện rất đông", ông Vân cho biết.

    Người dân trong vùng còn truyền nhau câu chuyện về “ông cọp đi tu”. Theo đó, cứ đến rằm tháng Bảy hằng năm, có một con cọp rất lớn nhiều vằn vện về gầm trên núi rồi đi vào chùa Hang. Có điều con cọp này không bao giờ phá hoại, bắt người và gia súc ăn thịt nên người dân kính nể gọi đó là "ông cọp đi tu". Có ý kiến cho rằng, nếu là vùng rậm rạp hoang sơ, lại thêm hang đá mát mẻ quanh năm thì dã thú, cọp về trú ẩn cũng không có gì lạ.

    Tuy nhiên, theo những cụ già trong vùng thì con cọp này vốn không phải ở đây mà từ phương khác đến. Trước đây ở xã Phổ An (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có lập bia thờ con cọp trong vùng. Thế nhưng, sau này bia thờ bị phế đi, cọp không ai thờ cúng nên lang thang đi tìm chỗ ở. Khi đến núi Phú Thọ, nó tìm được chùa Hang là nơi thích hợp. Tuy nhiên, đây là chùa, nó không ở được lâu nên lại phải bỏ đi. Có điều, vào mùa hạ nóng bức khó chịu hàng năm, con cọp ấy tìm về đây trú ẩn.

    Di tích quốc gia thành... nghĩa địa

    Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng VH-TT TP.Quảng Ngãi cho biết: “Thắng cảnh núi Phú Thọ là một trong 32 di tích được xếp hạng của TP. Quảng Ngãi. Nhưng do xã Nghĩa Phú chưa quy hoạch khu đất nghĩa địa nên mấy năm trước người dân đã vô tư lấn chiếm di tích làm nơi an nghỉ cho người quá cố. Quy hoạch tổng thể khu di tích núi Phú Thọ có diện tích 11,9 ha, nhưng nay theo thống kê, phần đất trống của di tích chỉ còn chừng 10\%. Từ khi UBND TP tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho bà con, việc xâm lấn đất di tích làm mồ mả đã chấm dứt”.

    Dấu vết dinh thự của kẻ bán nước cầu vinh

    Cổng dinh thự của ông Nguyễn Thân còn sót lại trong phế tích.

    Trong cuốn Trung kỳ dân biến (Toronto, Canada, 1996) của Trần Gia Phụng có ghi: “Vào năm 1903, Quận công Thạch Trì Nguyễn Thân (quê Thạch Trụ, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi), là quan đại thần nhà Nguyễn và có nhiều nợ máu với các chí sỹ yêu nước. Lúc tuổi xế chiều, ông này đã chiếm cứ núi Phú Thọ và nhiều đất đai quanh vùng, xây dựng dinh cơ, đình tạ, đưa gia đình đến đây sinh sống, thỏa lòng dạ ham muốn công danh của một kẻ bán nước cầu vinh. Tháng 3/1903, người dân trong vùng kéo đến phá nhà Nguyễn Thân. Sau đó, ông này được quân Pháp yểm trợ đàn áp nông dân, tấu với viên công sứ Pháp giết hại các nhà yêu nước Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết (Lê Khiết). Khởi nghĩa tháng 8/1945, người dân phẫn uất đã đập nát tan dinh thự của Nguyễn Thân trên núi Phú Thọ”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-tich-bi-an-xung-quanh-nui-ngam-trang-va-chuyen-ong-cop-di-tu-a78870.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    Ngôi chùa dạy ngoại ngữ miễn phí

    (ĐSPL) - Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ gần cầu vượt Chợ Cầu (Q.12, TP.HCM) có ngôi chùa tình thương mang tên chùa Lá. Hàng ngày tại ngôi chùa này vẫn luôn náo nhiệt bởi có rất nhiều học sinh, sinh viên đến đây để học ngoại ngữ. Điều đặc biệt là các lớp học này được miễn phí hoàn toàn.