+Aa-
    Zalo

    Huyện Yên Lập, Phú Thọ: Giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

    • DSPL
    ĐS&PL Yên lập - Phú Thọ là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mường, Dao, Mông và Cao Lan (nhóm địa phương thuộc dân tộc Sán Chay) sống chủ yếu. Những năm qua, Yên Lập đã có nhiều chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số. Cùng với đó, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau.

    Di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Lập còn lưu giữ được khá đa dạng và phong phú như tiếng nói, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ… Trong đời sống hiện đại ngày nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số đã bị mai một do các yếu tố tác động tiêu cực. Trước thực trạng này, nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.

    31
    Múa rùa của người Dao huyện Yên Lập. Nguồn: bvhttdl.gov.vn

    Vừa qua, huyện Yên Lập có đề tài khoa học “Điều tra, nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn các giá trị văn hóa, phát huy giá trị một số lễ hội dân gian tiêu biểu của đồng bào dân tộc Mường huyện Yên Lập” và đề tài “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần chẹt huyện Yên Lập”.

    32
    Điệu hò đu đặc trưng của người Mường ở Yên Lập. Nguồn: bvhttdl.gov.vn

    Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh, huyện, xã đặc biệt quan tâm tới việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc thiểu số. Nhiều hoạt động bảo tồn thiết thực như: truyền dạy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Dao, phục dựng và truyền dạy một số nghi lễ đặc trưng (Lễ cấp sắc, Lễ tạ mộ tổ)…

    Tuy nhiên, để công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, thực tế hiện nay còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Nguồn lực đầu tư còn hạn chế; công tác tuyên truyền, giáo dục và vận động quần chúng tham gia chưa thường xuyên, sâu rộng. Đội ngũ cán bộ quản lý và làm công tác văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực và là người dân tộc. Ngoài ra, đa số nghệ nhân tuổi đã cao; việc tổ chức truyền dạy các loại hình văn hóa truyền thống chưa được bài bản, không có sách vở ghi chép chính thống, lưu truyền chủ yếu bằng truyền miệng. Việc tổ chức sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ các di sản chưa khoa học...

    33

    Riêng với người Dao nói chung và người Dao Quần Chẹt ở Yên Lập nói riêng, trong quá trình di cư và tụ cư, đã luôn có ý thức bồi đắp và gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng, phong phú của dân tộc mình để trao truyền lại cho các thế hệ nối tiếp.

    Nhằm giữ gìn văn hóa truyền thống các dân tộc, luôn coi trọng và khơi dậy, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, huyện Yên Lập đã triển khai các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của người Dao ở địa phương như: Tuyên truyền người dân địa phương gìn giữ, bảo tồn các phong tục, tập quán truyền thống; nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống của người dân địa phương; bảo tồn và phát huy các trò chơi dân gian; xây dựng hương ước, quy ước thôn, bản về bảo tồn và phát huy làng truyền thống...

    Cùng với đó, huyện Yên Lập đã triển khai các kế hoạch chuyên đề, lồng ghép vào các phong trào hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch để triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các hoạt động văn hóa ngày càng được quan tâm đầu tư, nâng cấp thông qua các đề án, dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia. Đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những bước chuyển biến rõ rệt, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, đấu tranh bài trừ các tập quán lạc hậu, đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, có tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có người Dao Quần Chẹt được thực hiện hiệu quả, thiết thực, thu hút được sự tham gia của cộng đồng.

    Thời gian qua, huyện Yên Lập đã tiến hành kiểm kê toàn diện di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, trong đó có di sản văn hóa của người Dao. Kết quả kiểm kê là một tiền đề quan trọng để huyện triển khai đề tài khoa học “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa truyền thống điển hình của người Dao Quần Chẹt trên địa bàn huyện Yên Lập”, từ đó đề xuất một số nhóm giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng văn hóa, tài nguyên du lịch lịch sử, du lịch sinh thái...

    Trong một số dự án khoa học đã được huyện Yên Lập triển khai thực hiện hiệu quả, tiêu biểu như: Nghi lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt, xã Xuân Thủy; Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt, xã Nga Hoàng, đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Bên cạnh đó, để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, huyện khuyến khích sử dụng ngôn ngữ của dân tộc trong sinh hoạt và trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương như: Thông qua các hình thức truyền dạy các bài hát, làn điệu dân ca, các trò chơi dân gian của dân tộc; đưa văn hóa dân tộc thiểu số vào các hoạt động ngoại khóa tại các trường học trên địa bàn các xã vùng dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy tiếng dân tộc cho người dân địa phương và cho cán bộ đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số...

    Thông qua việc tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc” của huyện, gắn với chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”, được tổ chức hàng năm, đã mang lại hiệu quả cao trong việc khơi dậy những nét đẹp truyền thống của các dân tộc, tăng cường mối đoàn kết và sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc thiểu số. Tổ chức đoàn cán bộ, nghệ nhân của người Dao tham dự các chương trình do các bộ, ngành tổ chức như: Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc tại tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn; Ngày hội Văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc mở rộng tại tỉnh Lào Cai; Ngày hội Sắc xuân trên mọi miền Tổ Quốc tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam…

    Để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn, ông Đinh Hải Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện các giải pháp theo điều kiện thực tế của từng giai đoạn. Huyện sẽ huy động nguồn tài chính từ xã hội hóa là chủ yếu; khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Giữ gìn, khôi phục, phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý văn hóa; từng bước thực hiện việc tư liệu hóa và số hóa các di sản.

    Minh Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/huyen-yen-lap-phu-tho-giu-gin-bao-ton-net-van-hoa-truyen-thong-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-a536472.html

    "Mánh khoé" của đơn vị vận chuyển thi công dự án Cung văn hoá thiếu nhi Hà Nội

    Thay vì vận chuyển đất thải dự án về địa điểm được quy định xử lý chất thải của TP Hà Nội, đơn vị vận chuyển, thi công dự án Cung văn hoá thiếu nhi lại tập kết đến một nhà máy gạch. Việc tập kết đất thải số lượng lớn đến sai địa điểm xử lý đã được quy định sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, có thể bị xử lý hình sự từ 3-7 năm tù, theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2017. Một thông tin thú vị PV được biết thêm, số đất "thải" trên còn có thể được bán với giá cả triệu đồng một xe.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan

    "Mánh khoé" của đơn vị vận chuyển thi công dự án Cung văn hoá thiếu nhi Hà Nội

    Thay vì vận chuyển đất thải dự án về địa điểm được quy định xử lý chất thải của TP Hà Nội, đơn vị vận chuyển, thi công dự án Cung văn hoá thiếu nhi lại tập kết đến một nhà máy gạch. Việc tập kết đất thải số lượng lớn đến sai địa điểm xử lý đã được quy định sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, có thể bị xử lý hình sự từ 3-7 năm tù, theo Điều 235, Bộ luật hình sự 2017. Một thông tin thú vị PV được biết thêm, số đất "thải" trên còn có thể được bán với giá cả triệu đồng một xe.