Kẻ ăn cắp sách 10 năm trước và bức tâm thư xúc động


Thứ 5, 17/04/2014 | 14:58


(ĐSPL) - "Hơn 10 năm trước, tôi từng ăn cắp sách tại đây và bị bắt... hãy vị tha và đối xử nhân văn với lỗi lầm của trẻ nhỏ" - chàng trai in lên tấm biển cầm trước ngực.

(ĐSPL) - "Hơn 10 năm trước, tôi từng ăn cắp sách tại đây và bị bắt... hãy vị tha và đối xử nhân văn với lỗi lầm của trẻ nhỏ" - chàng trai in lên tấm biển cầm trước ngực.

Bức hình chàng thanh niên cầm tấm biển tự nhận mình là kẻ ăn cắp đang thu hút được sự quan tâm của dân mạng. Không chỉ thế, chàng trai còn gây xúc động khi có bức tâm thư dài hơn 1 trang kể về "kẻ từng ăn cắp và câu chuyện thành người" như ngày hôm nay.

Anh tâm sự 10 năm trước, anh cũng đã từng ăn cắp sách và bị bắt, nhưng không có ai trói và bắt anh đeo tấm biển như nữ sinh bị treo biển "tôi là người ăn cắp". Trên trang cá nhân của mình anh chia sẻ “Tôi chỉ muốn cảm ơn những người hơn 10 năm trước đây đã hành xử hết sức rộng lượng và nhân văn đối với một tên trộm.”

 - Kẻ ăn cắp sách 10 năm trước và bức tâm thư xúc động

Chàng trai và câu chuyện ăn cắp 10 năm về trước.

Đã 10 năm trôi qua cậu bé ăn trộm cuốn sách 10 ngàn đồng thì đã bị cư xử rất khác.

Câu chuyện chàng trai chia sẻ có nội dung:

"TÔI ĐÃ TỪNG ĂN CẮP!
Tôi từng thấy tại tiệm vàng gần nhà một bức ảnh lớn chụp một cậu bé chừng 10 tuổi cầm tấm bảng có dòng chữ: “Ăn cắp vàng ngày… tháng… năm…”. Tuy có chút cảm động vì cậu bé ấy còn quá nhỏ, nhưng tôi lập tức ủng hộ chủ tiệm vàng vì bức ảnh dán ở sau quầy hàng, nơi chỉ có khách hàng và những kẻ mang ý định trộm cắp mới nhìn thấy. Chừng ấy đủ để bọn xấu chùn tay mà không làm xã hội rộng lớn bên ngoài soi mói.

Chắc các bạn đã xem qua bài báo về bé gái bị cột chặt vào lan can, bị đeo tấm biển “tôi là ăn trộm” khi “cầm nhầm” vài quyển sách tại một siêu thị nhỏ. Ngay từ cách viết “tôi là ăn trộm” đã khác với mục đích của người chủ tiệm vàng kể trên, chưa kể đến việc công bố ảnh ra một cộng đồng không hề nhỏ hoàn toàn mang tính sỉ nhục chứ không phải răn đe. Và các bạn có thấy không? Trong ảnh, cô bé ấy mặc quần áo học sinh và đeo khăn quàng đỏ…

Tôi đọc tin thời sự hàng ngày và có quá nhiều điều nhức nhối đến nỗi tôi không còn đủ bức xúc để lưu tâm đặc biệt đến vấn đề nào. Nhưng tôi lại quan tâm đến cô bé ấy. Vì năm tôi chừng tuổi đấy, cũng là học sinh, cũng khăn quàng đỏ, tôi cũng đã từng ăn cắp vài quyển sách, và bị bắt!

Đầu những năm 2000, nhà sách Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) thời bấy giờ là thiên đường của học sinh ngoại thành chúng tôi. Chỉ cần mất 2000 đồng xe buýt hoặc tiết kiệm hơn là đạp xe gần 10 cây số, thêm 500 đồng phí qua phà rồi đi bộ 10 phút là đến một nơi đầy ắp sách truyện cùng những dụng cụ học tập đầy màu sắc.

Xin kể thêm rằng lúc ấy tôi 13 tuổi, học rất giỏi và được giáo dục kĩ lưỡng trong một gia đình nề nếp. Nhưng tôi nghèo, mẹ tôi vừa li hôn, một mình nuôi hai con nhỏ và phải gánh nợ sau khi thua lỗ trong việc kinh doanh tại nhà. Lúc ấy mọi thứ còn rẻ, với tôi 2 nghìn đồng mẹ cho để gửi xe và uống nước mỗi ngày là quá đủ, nhưng sách thì lại rất đắt. 

Bạn bè tôi nhiều đứa kể rằng đã ăn cắp trót lọt ở nhà sách Nguyễn Huệ rồi khoe đầy những sách truyện và bút màu khiến tôi thích mê. Một buổi chiều nọ, với 7 nghìn đồng cầm theo để đi lại, tôi đến đó và thó một vài thứ vào chiếc cặp học trò. Hết sức hồn nhiên, tôi đã ăn cắp hai quyển “Truyện xứ Lanbiang” của Nguyễn Nhật Ánh, nhà văn mà tôi yêu thích, cộng với một hộp sao dạ quang, loại dán trên trần nhà để phát sáng rất đẹp mắt. Tổng giá trị của chúng đến hơn 30 nghìn, bằng một tháng tiền học thêm của tôi vào lúc ấy. Vốn là một đứa trẻ ở ngoại ô nghèo, tôi không hề biết sự tồn tại của camera an ninh. Tất nhiên, tôi bị tóm cổ ngay lối ra vào.

Khác bé gái trong câu chuyện mới đây của chúng ta. Tôi không khăn quàng đỏ cũng chẳng đồng phục học sinh. Tôi mặc loại áo phông màu mè và quần jean rách bươm của tuổi nổi loạn. Bằng bản năng của kẻ bị bắt tội, tôi cãi chày cãi cối và khăng khăng rằng mình đi cùng người thân, đang… tìm để trả tiền. Tôi không đáng yêu như cô bé nọ và cũng không cố tỏ ra đáng yêu. Bây giờ nghĩ lại tôi rất cảm ơn các chú bảo vệ tốt bụng đã không cột tôi lại và đeo lên tấm biển “tôi là người ăn cắp”. Họ chỉ dọa sẽ giao cho công an và còn cười chọc quê khi tôi khóc nấc đến mức không thở được vì sợ. Sau 30 phút khóc hết nước mắt nước mũi, tôi được thả cùng nhiều lời răn đe và khuyên nhủ. Từ đó, không bao giờ tôi nghĩ lần nữa đến việc lấy một thứ gì đó không phải của mình. 

Đó là chuyện của những năm 2000, còn bây giờ, khi xã hội hiện đại hơn, con người ta lại có phần dã man hơn.

Mãi về sau này tôi vẫn chưa đọc “Truyện xứ Lanbiang” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và không dán một ngôi sao dạ quang nào lên trần nhà. Những thứ đó khiến tôi buồn. Tôi trưởng thành, vết văn và sống bằng nghề viết. Tất nhiên chỉ một kẻ yêu văn mới dám ăn cắp để bị bắt vì vài quyển sách. Trùng hợp thay, khi là thành viên bút nhóm Vòm Me Xanh – Báo Mực Tím, đã có lần tôi dẫn chương trình cho buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tiếc là không có cơ hội để kể cho chú ấy nghe câu chuyện này dù rất muốn. Tôi cũng có tên trong vài quyển sách in chung, và tôi chắc rằng mình sẽ tặng nếu cô cậu học trò nào thích mà lại không có đủ tiền để mua.

Tôi đã lớn lên cùng sự ăn năn cùng quyết tâm chuộc lỗi. Tiếc rằng cô bé trong câu chuyện của chúng ta, có thể sẽ lớn lên với sự nhục nhã và lòng thù hận. 

Tái bút: Với tấm ảnh, tôi không cố tình gây sốc hay tạo sự chú ý. Cũng không đủ vĩ đại để mong nó tác động đến cộng đồng. Tôi chỉ muốn cảm ơn những người hơn 10 năm trước đây đã hành xử hết sức rộng lượng và nhân văn đối với một tên trộm. Còn với bé gái trộm sách, hy vọng em cũng mong muốn trở thành một nhà văn, và em có thể liên lạc với tôi nếu em muốn".

Ngay khi đăng tải bài viết của chàng trai đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của dân mạng. Không ít người cho rằng bài viết thật ý nghĩa, bài viết nói lên được cách ứng xử nhân văn đã tạo nên một nhân cách sống tốt hơn cho con trẻ. Chàng trai năm xưa từ một tên ăn trộm nay đã trở thành người có ích cho xã hội.

Nick name Bình Cảnh chia sẻ: “Bài viết đầy tính nhân văn. Vote cho tác giả. Với bất cứ lý do nào, với bất cứ hành vi nào thì cũng phải luôn tâm niệm 1 điều: Đối xử thô bạo với trẻ nhỏ là tội ác !”

Bạn trẻ Hằng Thái xót xa: “Tiếc rằng cô bé trong câu chuyện của chúng ta sẽ lớn lên với sự nhục nhã và lòng thù hận. Đúng mình rất đau lòng dù biết rằng em có lỗi nhưng không đáng phãi mang theo vết thương lòng đến suốt cuộc đời như vậy ! Thật nhẫn tâm. Mình thật là bức xúc khi đọc câu chuyện cũa bé Gái “.

Cùng một quan điểm, một bạn trẻ cho rằng: "Cô bé đọc được bài viết này sẽ biết phải làm thế nào cho đường đi của mình. Hành động của bạn mang tính nhân văn cao, chắc chắn sẽ cứu được tâm hồn trẻ thơ của cô bé. Mong cho cô bé sớm bình tĩnh và có cuộc sống bình thường"

Còn bạn Camnhan Le  bức xúc: “Ăn cắp là xấu, nhưng làm nhục một đứa trẻ còn xấu hơn, sao không gọi cha mẹ bé, sao không cho em ngồi đọc hết cuốn sách rồi về, vô cảm mà trừng phạt bé, thật thiếu lương tâm... Ủng hộ cậu thanh niên, dám làm dám chịu, để nêu lấy một gương sống nhân văn, tốt đẹp cho xã hội, ăn cắp vặt là một bệnh, nhưng những người đó có thể cống hiến cho xã hội nhiều hơn kẻ trừng phạt đó.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chàng trai chỉ mượn cớ câu chuyện của em bé mà tôn lên sự nỗ lực của mình.

Dù sao câu chuyện của chàng trai đã chinh phục được đa số dân mạng. Bởi ăn cắp vặt là một căn bệnh nhưng cách người ta xử lý cái bệnh đó như thế nào mới là điều đáng được quan tâm. Chúng ta phải xử lý thế nào để người ta bỏ được cái bệnh đó, mà vươn lên hoàn thiện khuyết điểm chứ không phải làm cho người ta “xấu hổ, tội lỗi cả đời”. Đó có lẽ là thông điệp nhân văn mà bài viết muốn gửi đến mọi người. 

Trước đó, ngày 10/4, một nữ sinh trung học cơ sở đã bị trói hai tay và đeo tấm biển "Tôi là người ăn trộm". Nữ sinh này bị cho là đã ăn cắp 2 cuốn sách trong một siêu thị ở Gia Lai. Tấm ảnh chụp lại vụ việc sau khi được đăng trên Facebook đã khiến cộng đồng phẫn nộ.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ke-an-cap-sach-10-nam-truoc-va-buc-tam-thu-xuc-dong-a29614.html