+Aa-
    Zalo

    Khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích”

    • DSPL
    ĐS&PL Dự thảo Luật sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng đề cao tính kịp thời theo công trạng và thành tích đạt được, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.

    Đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng

    Sáng 23/10, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

    Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.

    khac phuc tinh trang khen thuong cong don thanh tich 01
    Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 23/10.

    Việc sửa đổi, bổ sung Luật phải trên cơ sở kế thừa đầy đủ những ưu điểm của Luật hiện hành. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác thi đua, khen thưởng. Sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng, bảo đảm khen thưởng chính xác, không trùng lặp, chồng chéo; chú trọng khen thưởng tập thể ở cơ sở, khen thưởng công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học; quan tâm khen thưởng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; khắc phục cơ bản những hạn chế, vướng mắc về thẩm quyền, đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục khen thưởng.

    Bổ sung danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” cho tập thể khi tham gia các phong trào thi đua theo chuyên đề do Thủ tướng Chính phủ phát động từ 5 năm trở lên và danh hiệu “Cờ thi đua cấp bộ, cấp tỉnh” cho tập thể khi tham gia phong trào thi đua theo chuyên đề do bộ, ngành, địa phương phát động từ 3 năm trở lên để phát huy tác dụng khích lệ, động viên phong trào.

    Ban soạn thảo đã nghiên cứu, thống nhất đề nghị bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”, là những danh hiệu tổng hợp kết quả phong trào thi đua ở cấp xã và đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” để thống nhất hệ thống danh hiệu thi đua ở cơ sở và cho gia đình. Đây là những điểm mới của dự án Luật.

    Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 53 điều với nhiều nội dung mới để đảm bảo bao quát hết các đối tượng khen thưởng, phù hợp với vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền công tác khen thưởng trong hệ thống chính trị; cân đối khen thưởng khu vực cơ quan dân cử và khu vực ngoài nhà nước.

    Dự thảo Luật đã thiết kế lại, tạo sự thống nhất, xuyên suốt từ nguyên tắc, loại hình khen thưởng đến các quy định cụ thể tiêu chuẩn khen thưởng; đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được, đảm bảo nguyên tắc thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.

    Bổ sung nguyên tắc “quan tâm khen thưởng cho người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu và địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo”; mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; quy định rõ hơn đối tượng khen thưởng “doanh nhân, trí thức, nhà khoa học”, “doanh nghiệp” trong các loại hình khen thưởng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước, kinh tế tư nhân.

    Quy định trách nhiệm người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong phát hiện nhân tố, điển hình tiêu biểu để khen thưởng kịp thời theo thẩm quyền và trình cấp trên khen thưởng.

    Bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để khen thưởng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nội dung sửa đổi, bổ sung về khen thưởng với nhiều nội dung mới, chiếm tỷ trọng lớn trong nội dung sửa đổi, bổ sung Luật.

    Khắc phục bất cập của quy định hiện hành

    khac phuc tinh trang khen thuong cong don thanh tich 02
    Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

    Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết,Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm “đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế”.

    Ủy ban Xã hội đề xuất một số nội dung đề nghị các đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận như:Việc sửa đổi, bổ sung các danh hiệu thi đua; việc bổ sung danh hiệu thi đua “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu” (Điều 26); việc thay đổi tên gọi các danh hiệu thi đua “gia đình văn hóa”, “thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố văn hóa” thành “gia đình tiêu biểu”, “thôn, bản, làng, ấp, tổ dân phố tiêu biểu” (Điều 27 và Điều 28);

    Việc sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn xét tặng một số danh hiệu thi đua, đặc biệt là việc bổ sung tiêu chuẩn sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học để làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua (Điều 18, 19, 20); việc sửa đổi, bổ sung về hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” (Điều 55); Việc sửa đổi, bổ sung về đối tượng khen thưởng (như việc bỏ đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” đối với “nhạc sĩ”, “phát thanh viên” tại Điều 64).

    Theo Người Đưa Tin Pháp Luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khac-phuc-tinh-trang-khen-thuong-cong-don-thanh-tich-a517082.html
    Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

    Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

    Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

    Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV

    Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc vào sáng 20/10. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11.