Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII


Thứ 7, 20/09/2014 | 10:20


Cùng sự kiện

(ĐSPL) - Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội luật gia Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014-2019) đã chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

(ĐSPL) - Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội luật gia Việt Nam lần thứ XII (nhiệm kỳ 2014-2019) đã chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Lễ khai mạc được tổ chức trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Hội Luật Gia - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII

Đại hội Hội Luật gia Việt Nam khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.

Tham dự Đại hội lần này có 357 đại biểu đại diện cho 46.000 hội viên đến từ 63 tỉnh, thành Hội Luật gia, 52 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội và các luật gia đang công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc Hội Luật gia Việt Nam.

Chủ đề của Đại hội lần này là “Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Hiện, Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam đã lên đọc diễn văn Khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII.

Hội Luật Gia - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII (Hình 2).

Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Nguyễn Văn Hiện đọc diễn văn khai mạc Đại hội.

Ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong nhiệm kỳ XI (2009 – 2014) vừa qua, có nhiều sự kiện quan trọng đã diễn ra trong tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam.

Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tổng kết thực hiện Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới đã tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của các cấp Hội Luật gia; xác định rõ Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp - đặc thù, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc đoàn kết, tập hợp rộng rãi đội ngũ luật gia trong cả nước tự nguyện tham gia công tác hội vì mục đích góp phần bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, quyền tự do dân chủ của nhân dân; bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ đường lối chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trên diễn đàn pháp lý quốc tế, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trên cơ sở các quan điểm, định hướng đó, các cấp hội và toàn thể hội viên Hội Luật gia Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vượt mọi khó khăn thử thách hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XI đã đề ra, tất cả các lĩnh vực hoạt động của các cấp Hội đều có một bước phát triển mới toàn diện hơn, vững chắc hơn, vị trí, vai trò của Hội được củng cố, phát triển, được các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân và bạn bè quốc tế tin tưởng và đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện cho hoạt động của Hội trong những năm tiếp theo.

"Tuy nhiên, chúng ta cũng nhận thức rất rõ rằng bên cạnh những kết quả đạt được và những thuận lợi nhất định, trong tổ chức và hoạt động của Hội chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, phía trước còn có nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, tại Đại hội này chúng ta cần tập trung trí tuệ, phân tích và làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu và đề ra được phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp lớn cho tổ chức và hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tới", ông Nguyễn Văn Hiện nêu rõ.

Nhấn mạnh trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Hội Luật gia luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hiện cho biết, Ban Bí thư Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư đã nghe Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam báo cáo về công tác chuẩn bị Đại hội và có ý kiến chỉ đạo sâu sắc.

Ban Bí thư yêu cầu báo cáo chính trị tại Đại hội cần nâng cao tính khái quát, bảo đảm cân đối giữa phần đánh giá công tác trong nhiệm kỳ XI với phần phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ XII; đặc biệt cần chú ý tính chính trị trong các hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam. Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới, cần căn cứ vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của Hội để xác định phương hướng, nhiệm vụ phù hợp với tình hình cụ thể trong nhiệm kỳ và phải có trọng tâm, trọng điểm.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong thời gian vừa qua, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội và các cấp hội luật gia đã phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ chủ động xây dựng các báo cáo, văn kiện Đại hội và tiến hành công tác chuẩn bị nhân sự để trình Đại hội.

Ban Chấp hành và Ban Thường vụ nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các tỉnh, thành hội, các chi hội trực thuộc Trung ương Hội đối với các dự thảo văn kiện Đại hội. Hoan nghênh các tổ chức Hội đã tổ chức Đại hội theo nhiệm kỳ và tiến hành các hoạt động hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII theo đúng chương trình kế hoạch đề ra.

Hội Luật Gia - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII (Hình 3).

Ông Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia trình bày báo cáo tổng kết.

Trình bày báo cáo tổng kết công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI, phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ XII, ngoài những kết quả chung, ông Lê Minh Tâm – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Hội Luật gia Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức phản đối các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đồng thời, Hội Luật gia Việt Nam cũng đã nhờ đến sự hỗ trợ, góp sức của Hội Luật gia dân chủ Quốc tế trong việc yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi leo thang trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên Biển Đông, đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong lịch sử vẻ vang gần 60 năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã có nhiều cống hiến cho đất nước, dân tộc, và có nhiều bước tiến rất đáng tự hào. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ luật gia đã không ngừng tăng lên về số lượng và nâng cao về chất lượng.

Hội Luật Gia - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII (Hình 4).

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu chỉ đạo tại Đại hội.

Hội Luật gia Việt Nam là 1 tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp đặc thù, tập hợp những người đã và đang làm trong lĩnh vực pháp luật trong phạm vi toàn quốc.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam đã phát huy tích cực vai trò là thành viên của MTTQ VN, của Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam, thành viên của Hội Luật gia các nước ASEAN, của Hội Luật gia dân chủ quốc tế...
Trước tình hình chủ quyền biển đảo bị xâm phạm, Hội đã chủ động ra tuyên bố, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị quan trọng, các sự kiện pháp lý, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hội cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN (2009-2012), có vai trò tích cực trong việc xây dựng cơ sở pháp lý, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam, tham gia có trách nhiệm vào nhiều hoạt động pháp luật, xã hội và các hoạt động nhân đạo khác.
Hội cũng đã có nhiều đóng góp rất đáng ghi nhận trong công tác xây dựng pháp luật, công tác tuyên truyền pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giải quyết một số điểm nóng ngay từ cơ sở.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương các thành tích mà Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, Đại hội lần này diễn ra trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó tiềm ẩn những nguy cơ phương hại đến tình hình phát triển đất nước. Về mặt xã hội, tình hình diễn biến của tội phạm ngày càng phức tạp, hiện tượng quan liêu, tham nhũng, xa dân, tha hóa biến chất vẫn còn…
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tốt nhưng việc xây dựng chính quyền vẫn chưa đạt được như mong muốn.
Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN do nhân dân, vì nhân dân lại càng quan trọng. Chính vì vậy, cùng với toàn Đảng, toàn dân, giới luật gia phải là một trong những lực lượng không thể thiếu được góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, đấu tranh chống thói hư tật xấu,  chung tay góp sức xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Chủ tịch nước lưu ý, trong nhiệm kỳ tới, Hội Luật gia Việt Nam cần khẩn trương thực hiện phương hướng nhiệm vụ dặt ra trong Đại hội này, tiếp tục nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tập hợp các luật gia có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp trong đội ngũ của mình…
Cùng với việc chủ trì, tham gia góp ý các dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật, Hội cần tăng cường công tác giám sát và phản biện các chính sách pháp luật, làm nòng cốt trong mọi hoạt động phổ biến chính sách pháp luật, đẩy mạnh tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách...
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ với các Hội Luật gia tiến bộ trên thế giới..
Đảng đoàn Trung ương Hội Luật gia cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc xây dựng đội ngũ thực sự trong sạch, vững mạnh.
Với sự cố gắng và quyết tâm cao, với phương châm chủ động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả, phát triển bền vững mà ĐH đề ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt niềm tin rằng Hội Luật gia Việt Nam và giới luật gia nước nhà sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa.

Cuối giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương và Ban Kiểm tra của Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XII. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào chiều nay.

Hội Luật Gia - Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia VN lần thứ XII (Hình 5).

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Trung ương và Ban kiểm tra.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XII có nhiệm vụ chính là thảo luận và thông qua các văn kiện Đại hội: Báo cáo tổng kết công tác Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XI (2009-2014), phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ XII (2014-2019); Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Trung ương Hội nhiệm kỳ XI; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện điều lệ Hội Luật gia Việt Nam; Bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XII, bầu Ban kiểm tra, Ban thường vụ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XII.

Trong các phát biểu tại Đại hội Hội Luật gia Việt Nam nhiệm kỳ XII có những ý kiến thảo luận về kinh nghiệm công tác Hội, bổ sung chi báo cáo công tác nhiệm kỳ của Hội, đồng thời có những đăng ký phát biểu chuyên đề về Hội Luật gia Việt Nam tham gia hoạt động lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách thủ tục hành chính; tham gia giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khai-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-hoi-luat-gia-vn-lan-thu-xii-a51435.html