+Aa-
    Zalo

    Khảo sát thị trường nước mắm trên toàn quốc

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), đã tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh...

    (ĐSPL) - Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS), đã tiến hành chương trình khảo sát chất lượng nước mắm đóng chai bán trên thị trường của 10 tỉnh, thành phố trong cả nước và đã nhận được một số kết quả sơ bộ.

    VINASTAS khảo sát nước mắm trên toàn quốc

    Theo đó, VINASTAS đã tiến hành lấy mẫu khảo sát nội dung ghi nhãn và các nhóm chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm của nước mắm gồm: (1) Thành phần hóa học: (nitơ toàn phần; nitơ axit amin và nitơ amoniac); (2) Hàm lượng kim loại nặng (Arsen hay còn gọi là thạch tín); (3) Hàm lượng muối.

    Tổng số lượng mẫu khảo sát là 150 mẫu nước mắm thành phẩm đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/L đến 60g/L của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp tại đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

    Theo nội dung ghi trên nhãn, các mẫu này được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc bao gồm: Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Long An, Phú Thọ, Nam Định, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, TP Hồ Chí Minh và 1 mẫu của Thái Lan.

    Việc đánh giá chất lượng, an toàn nước mắm được thực hiện bằng cách gửi thử nghiệm mẫu tại các phòng thử nghiệm được lựa chọn và tiến hành đánh giá sự phù hợp với các quy định trong TCVN 5107:2003; QCVN 8-2:2011/BYT và CODEX STAN 302:2011.

    Khảo sát nội dung ghi nhãn được thực hiện thông qua phương pháp so sánh nội dung ghi nhãn cụ thể trên từng chai nước mắm với các quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP và Thông tư liên tịch 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT.

    Dự kiến kết quả sẽ được công bố trong chiều nay.

    Người Việt tiêu thụ 75% nước mắm công nghiệp

    Liên quan tới vấn đề này, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong số 200 triệu lít nước mắm được tiêu thụ mỗi năm thì 75% trong đó là nước mắm công nghiệp (tức không được sản xuất theo quy trình truyền thống).

    Còn báo cáo thường niên 2015 của Masan cho thấy riêng hãng này đã đóng góp 65% thị phần toàn ngành nước mắm.

    Những con số này phù hợp với báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường Euromonitor. Theo đơn vị này, quy mô thị trường nước mắm Việt Nam năm 2015 ở mức 11.300 tỷ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm 76%, nước mắm truyền thống chỉ 24% thị phần.

    Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm xác nhận trong cuộc chiến không cân sức này, nước mắm truyền thống sẽ phải mất khoảng thời gian khá dài để lấy lại được chỗ đứng vững chắc cho mình. Đó là chưa kể trong cuộc đối đầu về tài chính, không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ sẽ buộc phải thu hẹp hoặc tạm ngừng sản xuất, nếu không muốn quay ngược lại làm gia công cho các thương hiệu nước mắm công nghiệp.

    Nước mắm công nghiệp giá rẻ có đi cùng chất lượng?

    Theo tìm hiểu của Tri thức trực tuyến, Nam Ngư 3 trong 1 và Chinsu cá hồi là hai loại được bày bán nhiều nhất tại các siêu thị, cửa hàng tạp hóa, thực phẩm. Thậm chí, có kệ hàng chỉ dành riêng bày 2 loại nước mắm này. Trên bao bì, ngoài tinh cốt cá cơm và muối chưa rõ tỷ lệ, hai loại này có thêm 15 chất khác gồm chất điều vị, tạo màu, chất bảo quản,… 

    Trong khi đó, nước mắm truyền thống với thành phần ghi rõ trên bao bì gồm cá và muối có giá bán gấp 3-5 lần so với nước mắm công nghiệp. Cụ thể, nước mắm mang thương hiệu Nam Phan, 30 độ đạm, xuất xứ  Ninh Thuận có giá 237.000 đồng/lít. Nước mắm Phú Quốc Ông Kỳ, 35 độ đạm, xuất xứ Phú Quốc giá 160.000 đồng/lít...

    Tại các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống hiện chỉ bày bán nước mắm công nghiệp. Khảo sát tại gần 10 quầy tạp hóa liên tiếp nhau có bán nước mắm tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), không nơi nào bán nước mắm truyền thống. Đa số đều là nước mắm mang nhãn hiệu Nam Ngư và Chinsu.

    Chuyên gia thực phẩm: Nước mắm chứa thạch tín có nhiều nguyên nhân

    Trước thông tin nước mắm có nồng độ đạm càng cao thì khả năng tỷ lệ nhiễm thạch tín càng cao. PGS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ thực phẩm, đại học Bách Khoa, Hà Nội trả lời trên Trí thức trẻ đã cho rằng: kết quả xét nghiệm trên kia không thể đổ hết cho nước mắm cao đạm là chứa thạch tín được.

    PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội/ ảnh nguồn Báo Lao Động.

    Theo PGS Thịnh, mối liên hệ giữa thạch tín và nước mắm rất khó trừ trường hợp người ta sử dụng nguồn nước để làm nước mắm có thạch tín.

    Hiện nay, tình trạng nước ngầm nhiễm arsen (thạch tín) ở rất nhiều nơi trong cả nước và hầu như người ta đều sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt và có thể họ dùng để làm nước mắm khi đó không chỉ nước mắm có thạch tín mà nước sinh hoạt, nấu ăn đều có chứa thạch tín. Cần xét nghiệm nước mà họ dùng để làm nước mắm chứ không phải quy cho nước mắm độ đạm cao thì có thạch tín.

    Ngoài ra, thạch tín cũng có thể do trong cá. Nếu cá sống môi trường nước nhiễm thạch tín nên chất này có trong cá nhưng ở dư lượng nhỏ, khi ủ cá sản xuất nước mắm thạch tín trong cá tiết ra nên nước mắm bị nhiễm hoặc do muối ở vùng biển nhiễm thạch tín.

    PGS Thịnh cho biết để sản xuất nước mắm người ta phải ủ cá để chờ cá phân huỷ rất lâu. Cách làm này là cách làm truyền thống nhưng gần đây người ta đã sử dụng cách làm có thể cho các enzim vào trong quá trình ủ cá để cá nhanh phân huỷ hơn.

    Nói về câu chuyện nước mắm, PGS Thịnh lo ngại nhất đó là việc nước mắm truyền thống mặn trong khi đó ăn mặn không tốt cho sức khoẻ nên người tiêu dùng khi ăn nước mắm cần pha thêm để giảm bớt độ mặn. Ăn mặn chính là nguyên nhân gây ung thư ruột và bệnh tim mạch nên người dân cần chú ý.

    Ngoài ra, nếu nhà sản xuất cố tình cho các chất phụ gia cấm vào để bảo quản được lâu hơn hay để tăng độ ngon cho nước mắm cũng rất nguy hiểm.

    Hàng loạt nước mắm chứa thạch tín không an toàn?

    Trước đó, theo kết quả khảo sát báo Thanh Niên công bố, trong 106 mẫu nước mắm thành phẩm mua trực tiếp trên thị trường được đem đi kiểm nghiệm về thành phần độ đạm và thạch tín thì có 80/106 vượt ngưỡng arsen, chiếm 75,5% trên tổng số 106 mẫu đã được xét nghiệm.

    Trong đó có 75/83 mẫu (các mẫu có độ đạm được ghi trên nhãn >= 25 độ) có hàm lượng thạch tín vượt quá mức an toàn cho sức khỏe so với quy định (chiếm 90,4% ).

    Nhiều mẫu nước mắm, sau khi xét nghiệm có nồng độ thạch tín lên tới 3 – 4 mg/lít. Chẳng hạn, mẫu nước mắm được mua ở Thái Bình có độ đạm ghi trên nhãn 28, kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ thạch tín là 4,16 mg/lít, cao hơn 4 lần.

    Mẫu nước mắm được thu thập tại Hà Nội nhãn ghi độ đạm là 38 thì có hàm lượng thạch tín là 3,33 mg/lít, cao hơn 3 lần.

    Mẫu nước mắm được mua trong một siêu thị tại TP. HCM có độ đạm 50 thì hàm lượng thạch tín là 4,09 mg/lít, cao hơn 4 lần.

    Mẫu nước mắm tại tỉnh Kiên Giang có độ đạm 43 thì hàm lượng thạch tín là 2,97 mg/lít, cao hơn gần 3 lần.

    Mẫu nước mắm tại Cần Thơ có nồng độ đạm <40, có hàm lượng thạch tín là 3,06 mg/lít, cao hơn 3 lần.

    Ngày 11/10 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nội dung báo phản ánh, thông tin kịp thời cho người dân; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 22/10/2016.


    Hoàng Nhung
    (tổng hợp)
    Nguồn: Người đưa tin

    Xem thêm video:

    [mecloud] GEJaWKQmcY[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khao-sat-thi-truong-nuoc-mam-tren-toan-quoc-a166296.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.