+Aa-
    Zalo

    Khi "bóng hồng" làm nghề phụ xe buýt

    • DSPL
    ĐS&PL Phạm Thị Xuyến là một trong những bóng hồng hiếm hoi làm nghề phụ xe buýt. Chị phải trải qua một kỳ tuyển chọn chiều cao, cân nặng và sức khỏe hết sức gắt gao.

    Phạm Thị Xuyến là một trong những bóng hồng hiếm hoi làm nghề phụ xe buýt. Chị phải trải qua một kỳ tuyển chọn chiều cao, cân nặng và sức khỏe hết sức gắt gao.

    Thi tuyển gắt gao

    Sáng nào cũng vậy, dù mưa gió bão bùng, mùa hè nắng cháy hay mùa đông lạnh cắt da, cứ chưa tới 4h sáng là chị Phạm Thị Xuyến (SN 1989, ở Quảng Ninh) đã phải thức dậy, nhanh chóng vệ sinh cá nhân, chuẩn bị đồng phục để đến bãi xe của công ty nhận xe, bắt đầu cho ngày làm việc mới.

    Nhiều người nghĩ rằng, làm phụ xe chỉ cần xin là đi làm được ngay, nhưng thực tế không phải vậy. Để được nhận vào làm phụ xe buýt, những ứng cử viên phải trải qua một kỳ tuyển chọn chiều cao, cân nặng và sức khỏe hết sức gắt gao. Sau khi đủ các tiêu chí trên thì cơ quan sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển dụng với 4 môn thi trong đó IQ là môn mà ngay cả những người trong nghề lâu năm cũng e ngại. Sau khi thi đỗ, họ phải theo học một khóa đào tạo.

    Khi vào nghề chị Xuyến mới hiểu công việc phụ xe buýt vô cùng vất vả.

    Là một trong những phụ nữ hiếm hoi theo nghề, chị Xuyến chia sẻ về cơ duyên đến với nghề phụ xe bus: “Từ khi còn là sinh viên, tôi cũng thường xuyên đi lại bằng xe buýt, được chứng kiến những anh, chị phụ xe nhanh chóng sắp xếp vị trí cho khách nhiệt tình, thân thiện nên tôi rất ấn tượng với công việc này và tự nhủ sau khi ra trường sẽ làm một nhân viên phụ xe bus để giúp đỡ mọi người khi tham gia giao thông. Sau khi tốt nghiệp, tôi đăng ký thi tuyển và trở thành công nhân chính thức của xí nghiệp”.

    Dù thế, khi vào nghề chị Xuyến mới hiểu công việc không đơn giản như những gì chị nghĩ, ngoài việc đứng trên xe điều phối khách ngồi chỗ nào hợp lý, an toàn thì họ còn phải bán vé xe, kiểm soát vé,... Chưa kể, việc thăng bằng đi lại trên xe buýt là một điều rất khó khăn.

    Chị Xuyến tâm sự: “Hồi mới làm, do chưa quen với việc dậy đi làm sớm nên hôm nào cũng gật gù. Rồi khi đến giờ cao điểm lượng khách rất đông gồm cả người già, trẻ nhỏ nên việc kiểm soát vé và sắp xếp chỗ ngồi cũng khá vất vả. Có lần, do xe đang chạy bình thường đột nhiên có 1 chiếc xe máy vượt đầu xe nên xe phải phanh gấp, vì bất ngờ quá nên tôi bị ngã sấp xuống sàn xe đau điếng người”.

    Mỗi ca làm, những người phụ xe buýt phải chạy 9 lượt đi về, mỗi lượt xe cách nhau từ 5-10 phút. Khoảng thời gian lưu thông từ điểm xuất phát đến cuối bến kéo dài hơn 1 giờ nhưng nếu tắc đường thì có thể lên đến 2 giờ, điều đó đồng nghĩa với thời gian làm việc của họ sẽ kéo dài hơn và không có thời gian nghỉ ngơi.

    Chị Xuyến kể: “Buổi trưa, chúng tôi được nghỉ ngơi 20 phút nhưng nếu gặp tắc đường hay trục trặc gì thì thời gian đó lại bị rút ngắn đi, có hôm tôi chỉ kịp ăn chiếc bánh mỳ rồi lại tiếp tục với công việc”.

    Ông Bùi Thanh Quý (SN 1963) quê ở Hà Nội, người đã làm việc hơn 15 năm trong nghề chia sẻ thêm: “Trước khi đến với công việc này tôi làm bảo vệ cho một cơ sở ăn uống nhưng vì thấy công việc khá nhàm chán, không phù hợp với bản thân nên tôi đã tìm hiểu và quyết tâm trở thành một thành viên của xí nghiệp xe buýt. Cũng bởi sự nỗ lực của bản thân nên tôi đã trở thành nhân viên chính thức với mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng”.

    Có thâm niên trong nghề, với ông Quý, làm nghề phụ xe buýt, việc kiểm soát lượng khách lên xuống là điều khó khăn nhất. Nhất là vào giờ cao điểm, khách ùa lên từ hai cửa, người đứng người ngồi lố nhố khiến việc bán và kiểm tra vé gặp nhiều khó khăn, nếu không nhanh mắt thì khó có thể làm được.

    Với ông Quý, làm nghề phụ xe buýt việc kiểm soát lượng khách lên xuống là điều rất khó khăn.

    Lại có trường hợp đã thu tiền, xé vé nhưng khi kiểm tra khách lại không biết đã cất vé ở đâu, có khách dùng lại vé cũ, hoặc lẩn vào đám đông để trốn vé... Những tình huống như thế nếu thanh tra của xí nghiệp hay thanh tra của sở Giao thông phát hiện, phụ xe buýt là người phải chịu trách nhiệm, nhẹ thì bị kỷ luật, nặng thì bị đuổi việc.

    Những khách hàng “khó đỡ”

    Còn đối với anh Vũ Tuấn Minh (35 tuổi, Hà Nội) từng có 7 năm làm nghề phụ xe buýt cũng có không ít trăn trở.

    Anh Minh chia sẻ: “Làm nghề phụ xe buýt, hàng ngày, chúng tôi tiếp xúc với không ít khách hàng. Với những khách hàng lịch sự, hiểu chuyện thì không sao, nhưng cũng có những hành khách nổi nóng vô cớ, thậm chí dọa hành hung chúng tôi.

    Tôi nhớ, ngày tôi mới vào làm, có hôm vào giờ cao điểm, không còn ghế trống, bắt buộc khách hàng lên sau phải đứng. Khi đó, có một cụ già trạc 70 tuổi lên xe, tôi có ngỏ ý mời một thanh niên nhường chỗ, bất chợt thanh niên này đứng dậy trừng mắt, nhìn tôi dọa đánh. Việc không nhường ghế đã đành, thanh niên này còn to tiếng khiến các hành khách hoảng sợ. Sau đó, một thanh niên ngồi cạnh đã chủ động đứng dậy nhường ghế, khi đó, mọi việc mới êm xuôi”.

    Cũng theo anh Minh, có lần anh gặp khách hàng uống quá chén, khi xe phanh gấp, anh ta còn nôn cả lên ghế ngồi và hành khách bên cạnh. Khi đó, anh ta không xin lỗi mà còn chửi bới om sòm, cho rằng tại vì phanh gấp, nên anh ta mới bị thế. Kết quả, hôm đó, không ít khách hàng phải chịu cảnh đeo khẩu trang, bít mồm, bít miệng chịu đựng cho tới bến xuống.

    Công việc nhiều áp lực, thường xuyên đối mặt với tình trạng ngột ngạt khói bụi, chen chúc, phải căng mắt quan sát, tinh thần tập trung cao độ để kiểm soát lượng khách khiến những người phụ xe buýt thường xuyên mệt mỏi. Thế nhưng, họ phải tự điều tiết tâm trạng để luôn có thái độ hòa nhã, luôn mỉm cười với khách.

    Họ nói vui rằng làm nghề này “khi đi trai tráng khi về bủng beo”, buổi sáng, sức khỏe và tinh thần đều tốt nên nói cười “như hoa”, đến trưa là “ỉu như bánh đa gặp nước” , đến chiều thì gần như không còn muốn cất lời nữa và khi kết thúc ngày làm việc, về đến nhà, đặt người xuống là ngủ luôn một mạch. Nếu không có sự tận tâm và lòng yêu nghề, có lẽ những người phụ xe buýt không thể trụ lại cùng với những chuyến xe lâu như thế.

    Hơn 7 năm theo nghề anh Minh trải qua không ít thăng trầm. Có đợt, do phải đứng trên xe nhiều, anh mắc chứng đau đầu, chóng mặt và có hiện tượng suy nhược cơ thể. Nhiều lần, gia đình anh, đặc biệt vợ anh, khuyên chồng tìm việc mới, tuy nhiên vì tình yêu với công việc nên anh quyết không từ bỏ.

    “Tôi đến với nghề và dần yêu, đam mê công việc của mình nên dù vất vả nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ nghề, tôi luôn tự nhủ phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn. Hằng ngày, theo những chuyến xe buýt, được tiếp xúc với các khách hàng, đôi khi là những em sinh viên và nghe họ kể về câu chuyện cuộc sống, học tập tôi thấy rất vui. Tôi nghĩ, mỗi người đều có những cảm nhận riêng, nhưng với tôi đó là những thanh âm của cuộc sống”, anh Minh thổ lộ.

    Với ông Quý, sau thời gian làm việc được trở về với gia đình, anh cảm thấy rất hạnh phúc. Ông chia sẻ: “Nếu không có sự ủng hộ từ vợ con, gia đình tôi khó có thể hoàn thành được công việc hiện tại của mình. Với tôi, gia đình là hậu phương vững chắc nhất”.

    Nghề nào cũng cao quý

    Chị Vy Thị Hà, vợ anh Vũ Tuấn Minh cho biết: “Tôi thấy, công việc của chồng tuy không phải đi các tỉnh, nhưng khá vất vả và áp lực. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, làm việc hiệu quả, tôi thường xuyên khuyên anh ăn uống đúng giờ và đặc biệt nên tranh thủ ngủ trưa, bởi giấc ngủ rất quan trọng. Tôi nghĩ, nghề nào cũng cao quý, miễn là chúng ta không phạm pháp, không vi phạm quy chuẩn đạo đức”.

    Thanh Bình - Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-bong-hong-lam-nghe-phu-xe-buyt-a204804.html
    Sự kiện: Chuyện nghề
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan