+Aa-
    Zalo

    Khi cơm áo gạo tiền đè lên giấc mơ hạnh phúc

    • DSPL
    ĐS&PL Hơn 10 năm phải hứng chịu không biết bao nhiêu “cơn mưa đòn roi” nhưng chị không thể ly hôn vì 4 đứa con, vì phụ thuộc kinh tế.

    Hơn 10 năm phải hứng chịu không biết bao nhiêu “cơn mưa đòn roi” nhưng chị không thể ly hôn vì 4 đứa con, vì phụ thuộc kinh tế. Chính các chuyên gia tâm lý cũng phải trăn trở trước cuộc hôn nhân của chị mà không có cách gì để giúp chị giải thoát.

    Chấp nhận sống cùng “cơn mưa đòn roi”

    Người phụ nữ nói giọng Vũng Tàu đã đến gặp, chia sẻ và để lại ấn tượng khá mạnh đối với chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi. Chị đến không xin tư vấn đề ly hôn, để giải thoát cuộc hôn nhân bất hạnh này. Mà chị chỉ muốn được tâm sự, giãy bày để có thể tiếp tục sống vì con.

    Chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi kể, chị L. ngoài 40 tuổi, dáng người nhỏ bé, đôi mắt đượm buồn. Chị lấy chồng khi mới ngoài 20 tuổi. Chồng chị làm kinh doanh, kiếm tiền rất giỏi, chu cấp cho mẹ con chị không thiếu thứ gì. Nhưng, người đàn ông ấy rất vũ phu, thích đụng tay đụng chân không chỉ với vợ, con mà ngay cả với anh em, những người thân trong gia đình. Chồng thì đánh vợ như cơm bữa, mặc vợ khóc lóc, van xin.

    Chấp nhận sống với người chồng vũ phu. Ảnh minh họa

    “Chị L. kể, có những hôm chị bị đánh cho tím mặt, con cái không nhận ra mẹ. Chỉ chị biết khóc và xin chồng đừng đánh chị trước mặt các con. Mỗi một câu đồng ý thì chồng chị lại đánh chị nặng tay hơn. Ai cũng nói sao chị không bỏ anh ta đi nhưng chị chỉ lắc đầu, có lẽ cái số chị phải biết sống chịu đựng. Chị bảo, đánh chị nhiều như vậy nhưng hôm sau anh ta lại coi như không có chuyện gì xảy ra, vẫn nói chuyện với vợ vui vẻ, đưa con cái đi học”, Chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi kể.

    Bị đánh, nhiều lần chị L. có phản kháng, nhưng sau đó là những trận đòn còn nặng hơn. Một lần, chị quyết thay đổi bản thân, chị đi học một lớp kỹ năng ứng xử với gia đình. Chị trốn lên TP HCM theo học, không dám hé răng nói với chồng. Khi đi, chị đã dặn đi dặn lại lái xe không được nói chị đi đâu làm gì, chỉ nói với chồng là chị lên Sài Gòn chữa bệnh.

    Nhưng không may, gặp đúng lái xe lắm chuyện, trong lúc ngồi nhậu với ông chủ đã kể lại với chồng chị. Anh ta điên lên, gọi điện liên tục bắt chị về. Không những thế, anh ta còn lấy 4 đứa con ra để uy hiếp, đe dọa chị, còn dọa sẽ giết chị nếu không nghe lời.

    Trước phản ứng dữ dội của chồng, nhưng chị không sợ, khi chị đã trốn đi, chị nghĩ lần này chị sẽ thay đổi mọi thứ, vì chị quá chán trong chính ngôi nhà của mình. Chị không muốn phải sống trong nước mắt, sống với những trận đòn tím tái mặt mũi.

    Nhưng người chồng vẫn liên tục gọi điện bắt ép chị. Chị tắt máy thì hàng loạt tin nhắn được gửi đến. Nhưng chị không ngờ, ngày hôm sau anh ta đã đi từ Vũng Tàu lên TP HCM để bắt chị về cho bằng được.

    Chị L. chỉ nhớ, chồng mình mặt hầm hầm phi vào nơi chị đang học và quát tháo ầm ĩ. Anh ta chửi chị “đàn bà ngu, tại sao đến đây, tao không chấp nhận cho mày đi đâu”.

    Khi ấy, các chị em ngồi gần chị đều rúm ró, sợ, không ai nói điều gì. Bởi, mọi người lo rằng, nếu phản kháng thì người gánh chịu nhiều nhất chính là chị. Anh ta đứng giữa lớp học chửi như giữa chợ thái độ của kẻ vô học, vô liêm sỉ.

    Hết chỉ tay rồi lại đập bàn đập ghế. Anh ta nói những lời lẽ rất thô tục, chửi vợ chưa đủ, anh ta nhiếc móc cả những người xung quanh. Sau đó túm tóc chị kéo ra ngoài hành lang và bắt chị đi về. Chị không dám nói gì và lẳng lặng theo sau anh ta. Về nhà, chị bị anh ta đánh một trận thừa sống thiếu chết. Chỉ biết khóc, ôm mặt chịu trận.

    Địa ngục và nước mắt

    “Chị kể đến đây, những người có mặt ở trung tâm tư vấn, ai cũng hỏi chị sao không yêu cầu ly hôn. Chẳng nhẽ cả đời phải sống chung với một người vũ phu, bạo lực và đánh vợ như đập bị, thì chị bật khóc. Chị kể, nhiều lần chịu không nổi, chị đề nghị chia tay nhưng bất thành. Đánh chửi, miệt thị, làm nhục chị như vậy, khi chị muốn ly hôn thì anh ta mặt tỉnh bơ, coi như không có chuyện gì xảy ra. Đã rất nhiều lần như thế nên chị không làm gì được.

    Con cái chị cũng đồng ý để bố mẹ ly hôn, dù chúng biết có thể phải sống xa nhau. Nhưng, chị không dám dứt khoát, chị thương con, sợ gánh nặng về kinh tế. Tôi mới hỏi vậy chị đến đây với mục đích gì? Chị chỉ bảo chị muốn được tâm sự. Đừng khuyên chị ly hôn, hãy cho chị lời khuyên làm thế nào để sống tiếp. Tôi khá bất ngờ với câu nói của chị”, chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi chia sẻ.

    Chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi.

    Theo chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi, câu chuyện của chị L. không phải là hiếm trong cuộc sống, dù giờ đã là thế kỷ 21, trong khi ở xã hội hiện đại, quyền bình đẳng luôn được tôn trọng, đề cao.

    “Biết anh ta vũ phu sao chị vẫn lấy rồi lại sinh đến 4 đứa con. Chị L. cũng có lỗi trong cuộc hôn nhân của chính mình là không rút ra bài học cho bản thân khi bị đánh quá nhiều. Hơn nữa, kinh tế chị phụ thuộc nên mới chịu đau khổ như vậy. Dù chị có khóc nhiều mà không quyết tâm cải thiện cuộc sống thì cũng không giải quyết được những mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân của chính mình. Đến bản thân tôi cũng có cảm giác bất lực, cảm giác không thể làm gì cho cuộc hôn nhân của chị”, chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi bày tỏ.

    Về vấn đề bạo lực gia đình, chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi cho hay, trong cuộc sống vợ chồng, ai cũng phải hiểu rõ hậu quả của bạo lực gia đình. Nó khiến cho các thành viên bị tổn thương về thể chất, tâm lý rối loạn. Nếu người phụ nữ bị xử tệ, đánh chửi nhiều quá thì làm sao có thể chăm lo cho gia đình, con cái được tốt.

    Không những thế, khi chứng kiến bố thường xuyên đánh mẹ, con cái cũng sẽ ngấm dần thói quen bạo lực. Liệu sau này, chúng có sử dụng bạo lực để đối xử với người mà chúng yêu thương, bạn bè, xã hội? Như vậy thật đáng nguy hại. Nếu muốn con cái được sống trong một môi trường bình yên, yêu thương thì cần chấp dứt bạo hành gia đình.

    Người vợ hãy lên tiếng, con cái cần giúp đỡ bố mẹ. Phụ nữ cần phải dùng những biện pháp kiên quyết, mạnh mẽ hơn thay việc im lặng và khóc như suốt thời gian vừa qua chị L. đã chấp nhận.

    Nếu như mọi sự không thể thay đổi hãy nhờ sự can thiệp của người thân, bạn bè. Nhưng phải là những người có tiếng nói. Hãy giúp chồng thay đổi suy nghĩ bằng những tác động bên ngoài. Hoặc sống ly thân một thời gian để anh ấy có thời gian nhìn nhận lại hành vi của mình, có cơ hội nhìn nhận rõ hậu quả những hành vi mình đã gây ra cho vợ con, cho gia đình của mình.

    “Mọi thứ chỉ tốt hơn khi chúng ta chủ động thay đổi. Nếu như mọi chuyện đi quá giới hạn, hãy dứt khoát ly hôn, đây sẽ là giải pháp tốt nhất cho những người phụ nữ thường xuyên gánh “cơn mưa đòn roi”. Sẽ không ai bảo vệ bạn bằng chính bạn”, chuyên gia tâm lý Vera Diệp Chi bày tỏ.

    Nhận định về những phụ nữ cam chịu “kiếp đòn roi” từ một nửa của mình, chuyên gia tâm lý Thu Thảo xót xa nói: “Nếu cả đời phải sống với người chồng ưa bạo lực, đánh vợ không tiếc thay thì chẳng khác gì hôn nhân đang là địa ngục. Hãy từ bỏ để có cơ hội tìm một hạnh phúc mới, tốt hơn. Có thể sau ly hôn, cuộc sống của người phụ nữ sẽ khó khăn về kinh tế nhưng bạn sẽ sớm làm chủ lại cuộc đời khi đã quyết tâm”.

    Mai Thu

    Ấn phẩm đăng trên báo in Đời sống & Pháp luật số 142

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-com-ao-gao-tien-de-len-giac-mo-hanh-phuc-a291368.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan