+Aa-
    Zalo

    Khi nào được lấy xe đang bị tạm giữ do gây tai nạn?

    ĐS&PL Việc hoàn trả lại phương tiện sẽ phụ thuộc vào đánh giá chứng cứ, xác định vật chứng cũng như thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng.

    Hiện nay, đối với vụ việc tai nạn giao thông cơ quan có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện liên quan vụ tai nạn giao thông để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính hoặc thủ tục tố tụng hình sự.

    Đối với thời hạn tạm giữ phương tiện để điều tra, xác minh theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 63/2020/TT-BCA ngày 16/6/2022.

    Theo đó, tại điểm c, khoản 1, Điều 10, Thông tư số 63/2020/TT-BCA có quy định rõ, thời hạn tạm giữ phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông không quá 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

    Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp cần tiến hành xác minh thì có thể kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện, thời hạn kéo dài tối đa không quá 23 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ.

    Nếu vụ tai giao thông có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2, khoản 2 và khoản 3,Điều 61 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì có thể gia hạn tạm giữ.

    Tuy nhiên, việc gia hạn phải có Quyết định kéo dài thời hạn tạm giữ phương tiện, thời hạn gia hạn không quá 30 ngày.

    khi nao duoc lay xe dang bi tam giu do gay tai nan
    Thời gian giữ phương tiện gây tai nạn phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ án. (Hình minh họa)

    Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì có thể thấy thời hạn tạm giữ phương tiện tối đa sẽ không được quá 60 ngày.

    Thông tư số 63/2020/TT-BCA cũng có quy định rõ về việc trả lại phương tiện khi kết thúc việc điều tra, xác minh hoặc hết thời hạn tạm giữ phương tiện.

    Theo đó, sau khi kết thúc khám nghiệm phương tiện giao thông, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi và không vi phạm các quy định khác của pháp luật thì phương tiện giao thông phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện.

    Nghiêm cấm việc giữ phương tiện giao thông của các bên liên quan đến vụ tai nạn giao thông để làm căn cứ giải quyết bồi thường thiệt hại.

    Trong trường hợp vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu hình sự và được cơ quan có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, hiện nay các văn bản pháp luật lại chưa có quy định về việc tạm giữ đồ vật, phương tiện cũng như thời hạn tạm giữ, hoàn trả phương tiện, đồ vật trong giai đoạn này.

    Trên thực tế, việc hoàn trả phương tiện thông thường sẽ chỉ được thực hiện đối với các trường hợp kết thúc giai đoạn này nhưng cơ quan có thẩm quyền ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

    Nếu vụ việc được khởi tố, khi đó việc tạm giữ phương tiện sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định.

    Theo đó, tại khoản 2, Điều 106, Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 có quy định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

    Như vậy, nếu vụ tai nạn giao thông bị khởi tố và được giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, khi đó việc hoàn trả lại phương tiện sẽ phụ thuộc vào đánh giá chứng cứ, xác định vật chứng cũng như thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng.

    Luật sư Vũ Quang Bá

    Công ty Luật TNHH AB & Partners, đoàn Luật sư TP.Hà Nội

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-nao-duoc-lay-xe-dang-bi-tam-giu-do-gay-tai-nan-a539625.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan