+Aa-
    Zalo

    Khi nào những vụ án hình sự sẽ xét xử trong trại giam?

    • DSPL
    ĐS&PL Theo thạc sĩ, Luật sư, Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội, thực tiễn, các vụ án được đưa ra xét xử lưu động mà địa điểm xét xử là tron

    Theo thạc sĩ, Luật sư, Đặng Văn Cường – Văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư TP Hà Nội, thực tiễn, các vụ án được đưa ra xét xử lưu động mà địa điểm xét xử là trong trại giam thường là những vụ án liên quan đến ma túy, giết người, các vụ án về tham nhũng…

    PV - Có thể hiểu như thế nào về khái niệm “xét xử lưu động vụ án hình sự” thưa luật sư?

    Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Địa điểm xét xử của tòa án là tại phòng xử án thuộc trụ sở của tòa án có thẩm quyền. Ngoài việc xét xử tại trụ sở của tòa án thì còn có trường hợp xét xử ngoài trụ sở của tòa án (trại tạm giam, trại giam, trường học, hội trường UBND, sân vận động...), hình thức xét xử ngoài trụ sở tòa án gọi là "xét xử lưu động", thời gian gần đây hoạt động xét xử lưu động cũng đang gây nhiều tranh cãi là có nên hay không bởi cơ sở pháp lý chưa rõ ràng và những hệ lụy của hoạt động xét xử này có thể mang đến cho bị cáo và xã hội.

    Xét dưới góc độ là một biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật thì xét xử lưu động đang được xem là một trong những biện pháp hiệu quả để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo quần chúng nhân dân và đang được nhiều tòa án áp dụng. Xét xử lưu động là việc toà án đưa vụ án ra xét xử (tổ chức phiên toà) công khai không phải tại trụ sở Tòa án mà tại một địa điểm khác thường là nơi tội phạm được thực hiện. Tại phiên tòa lưu động, bị cáo bị xét xử vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự nếu họ có tội, được ghi nhận trong bản án. Thực tiễn, các vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường là những vụ án liên quan đến ma túy, giết người.

    Hiện nay, từ Hiến pháp đến các văn bản pháp luật như Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân… đến các văn bản pháp luật khác có liên quan vẫn chưa đưa ra một khái niệm cụ thể về “xét xử lưu động vụ án hình sự”. Pháp luật cũng chưa có văn bản quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xét xử lưu động vụ án hình sự, chưa đưa ra các tiêu chí để thực hiện hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự… Tuy nhiên, thực tế hoạt động xét xử lưu động vẫn thường xuyên diễn ra như một hoạt động thường kỳ của Tòa án với mục đích để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL).

    Mới đây nhất, ngày 1/6, TAND tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “giết người” đối với bị cáo Mai Chiếm Thắng (37 tuổi, trú tại P.1,TP.Đông Hà, Quảng Trị). Đây là phiên tòa xét xử lưu động và phiên tòa được mở ngay trong Trại giam Nghĩa An (đóng ở H.Cam Lộ, thuộc Tổng cục 8, Bộ Công an) với sự theo dõi của hàng trăm phạm nhân.

    PVNhững vụ án mang tính chất như thế nào sẽ xét xử lưu động, xét xử trong trại giam thưa luật sư?

    Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Cho đến nay, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản của Tòa án nhân dân tối cao như các báo cáo Quốc hội, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, báo cáo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, thì vấn đề tổ chức các phiên tòa lưu động luôn được quan tâm và gần như gắn chặt với việc lựa chọn, xác định và giải quyết các vụ án trọng điểm của từng Tòa án và của toàn ngành Tòa án. Hơn nữa, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự sơ thẩm còn là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao quan tâm để phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy, mỗi năm, trung bình ngành Tòa án đã tổ chức xét xử khoảng trên 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma túy, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, các vụ án về tham nhũng, buôn lậu… Việc xét xử những vụ án lưu động mà địa điểm xét xử là trong trại giam thường là xét xử những vụ án về các tội trên mà địa điểm thực hiện tội phạm là trong trại giam đó.

    Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp

    PV - Hoạt động xét xử lưu động có những mặt hạn chế gì thưa luật sư?

    Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Ngoài những mặt tích cực của hoạt động xét xử lưu động thì hoạt động này còn có những điểm hạn chế như sau:

    - Bị cáo chỉ là người tình nghi, là nghi phạm chứ chưa thể khẳng định họ là người phạm tội (theo nguyên tắc suy đoán vô tội), họ chỉ bị hạn chế một số quyền công dân chứ không bị tước bỏ hoàn toàn. Vì thế, hoạt động xét xử lưu động sẽ dễ vượt quá cái ranh giới mà pháp luật cho phép về việc hạn chế quyền con người, quyền công dân đối với các bị can, bị cáo. những bị can bị cáo sẽ bị "trừng phạt" bởi thái độ của cộng đồng trước khi họ bị tòa kết án;

    - Địa điểm xét xử lưu động tại địa phương bị cáo khiến bị cáo phải xấu hổ với bà con, làng xóm nên nhiều trường hợp sau khi chấp hành án, bị cáo vì xấu hổ mà không dám trở lại quê hương, gây khó khăn cho công tác tái hòa nhập cộng đồng;

    - Ngoài bị cáo phải chịu áp lực nặng nề thì gia đình, người thân của bị cáo cũng sẽ bị cộng đồng lên án, ghét bỏ, thành kiến... làm ảnh hưởng tới truyền thống, gia đình, họ hàng của bị cáo;

    - Với những vụ án như tai nạn giao thông hoặc những vụ án có lỗi vô ý, những người phạm tội lần đầu thì bị cáo sẽ rất xấu hổ khi bị xét xử công khai tại nơi công cộng ở địa phương mình, có thể nói là bị cáo sẽ phải chịu "hai bản án" trong một phiên tòa đó là bản án của tòa án và sự kỳ thị của cộng đồng khiến bị cáo bị tổn thương, bị phải chịu chế tài nghiêm khắc hơn mức pháp luật quy định;

    - Thường mức án trong các vụ xét xử lưu động cao hơn, nghiêm khắc hơn với những vụ án mà chỉ xét xử tại phòng xử thuộc trụ sở tòa án;

    - Bởi mục đích chính là tuyên truyền pháp luật nên rất khó để tòa án có thể tuyên án bị cáo không có tội trong các vụ án xét xử lưu động, điều này là vấn đề bất lợi nhất mà bị cáo có thể phải gánh chịu, có thể bị oan mà ít cơ hội được mình oan;

    - Hoạt động xét xử lưu động tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian, công sức, việc đảm bảo an ninh trật tự gặp nhiều khó khăn... nguy cơ mất an toàn cao;

    - Nhiều vụ án xét xử lưu động chưa thu hút được sự quan tâm của người dân dẫn đến hiệu quả tuyên truyền chưa cao;

    PV - Theo luật sư, nên xét xử lưu động trong những trường hợp nào?

    Thạc sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường: Ngày nay với sự phát triển của công nghệ số, truyền hình, phim ảnh... thì có nhiều hình thức tuyên truyền sinh động mà không xâm phạm tới quyền nhân thân, quyền con người và gây những bất lợi cho bị cáo như xét xử lưu động vì vậy việc tiếp tục xét xử lưu động hay không là câu chuyện khiến nhiều nhà nghiên cứu pháp luật băn khoăn.

    Bản thân tôi cho rằng chỉ nên xét xử lưu động trong những trường hợp thực sự thấy cần thiết. Bởi hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng phát triển mạnh nên việc khai thác lợi thế của các phương tiện này để tuyên truyền, PBGDPL cũng rất thuận tiện.Ngoài ra, các chương trình tuyên truyền, PBGDPL phát trên sóng truyền thanh, truyền hình cũng đã và đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để đi đến kết luận là có nên tiếp tục xét xử lưu động vụ án hình sự nữa hay không, theo tôi cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

    Một là, cần có tổng kết thực tiễn, đánh giá đúng mức về hiệu quả cũng như hệ lụy của hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự đối với bị cáo và cộng đồng xã hội, đồng thời cần nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm của các nước phát triển về hoạt động xét xử công khai.

    Hai là, nếu việc xét xử lưu động vụ án hình sự tiếp tục diễn ra thì cần phải có cơ sở pháp lý trên cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn.    

    Ba là, nếu quy định là một hoạt động xét xử thường xuyên của Tòa án thì phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của TTHS, tôn trọng quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.     

    Vì vậy, để duy trì hoạt động xét xử lưu động vụ án hình sự thì cần phải có quy định và bảo đảm các tiêu chí xét xử lưu động vụ án hình sự như sau:      

    - Cần thiết lập cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;

    - Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự theo trình tự sơ thẩm;

    - Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà nhận thức pháp luật của cộng đồng và nhận thức pháp luật của bị cáo, người bị hại trong vụ án còn hạn chế, với mục đích tuyên truyền, PBGDPL;

    - Chỉ xét xử lưu động với vụ án hình sự mà loại tội đó có xu hướng phổ biến, gia tăng do thiếu hiểu biết pháp luật của người dân;  

    - Không xét xử lưu động với những vụ án xâm hại danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân;

    - Không xét xử lưu động vụ án hình sự với những địa phương còn mang nặng những thành kiến, định kiến về người phạm tội để đảm bảo quyền lợi của bị cáo khi tái hòa nhập cộng đồng;  

    - Phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản trong TTHS khi thực hiện hoạt động xét xử lưu động, trong đó có nguyên tắc công bằng, bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội…;

    - Phải đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn thế hiện sự uy nghiêm người tiến hành tố tụng, của cơ quan tiến hành tố tụng, sự nghiêm minh của pháp luật trong phiên tòa xét xử lưu động;

    - Trong trường hợp kết quả điều tra xã hội học, đánh giá thực tiễn và nghiên cứu hệ thống pháp luật của các nước tiên tiến cho thấy hoạt động xét xử lưu động mang lại ít giá trị hơn là những hệ lụy cho xã hội thì cần chấm dứt hoạt động xét xử này đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc cơ bản trong TTHS.

    Xin chân thành cảm ơn luật sư!

    Tiểu Phương (ghi)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-nao-nhung-vu-an-hinh-su-se-xet-xu-trong-trai-giam-a192878.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan