+Aa-
    Zalo

    Khi "sốc, sex, sến" đầu độc “búp trên cành”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Còn gì đau lòng hơn khi sách truyện dành riêng cho lứa tuổi măng non lại đầy rẫy những "sốc, sex, sến"...

    (ĐSPL) - Còn gì đau lòng hơn khi sách truyện dành riêng cho lứa tuổi măng non lại đầy rẫy những "sốc, sex, sến"...

    Chạy theo lợi nhuận - Văn hóa đọc xuống cấp!

    Truyện cổ tích thêm thắt tình tiết bạo lực. Chi tiết "sọ dừa" được thay bằng "sọ người". Truyện Thạch Sanh có đoạn tả: "Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi". Truyện tranh thiếu nhi vẽ ảnh lõa thể. Đến Truyện cổ tích về loài chim và muông thú cũng có những đoạn nhạy cảm không khác gì truyện sex với những chi tiết khiến người lớn phải đỏ mặt. Phải chăng, sách truyện thiếu nhi bây giờ cũng phải "sốc, sex, sến" mới đủ hấp dẫn? Vì đâu sách thiếu nhi thời gian gần đây lại nhiều “sạn” đến vậy? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này?

    Nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

    Để cho ra đời những sản phẩm như vậy, trách nhiệm trước tiên phải thuộc về các nhà xuất bản. Bởi vì, người viết bệnh hoạn, không có trình độ thời nào cũng có, nhưng nếu nhà xuất bản không duyệt thì sách của họ sẽ không bao giờ có cơ hội xuất hiện trên thị trường, trừ trường hợp in giả, in lậu, bất hợp pháp. PGS.TS Phan Huy Dũng (khoa Ngữ văn, đại học Sư phạm Vinh) đã nhận định trong cuộc trao đổi với PV báo Người Đưa Tin xung quanh vấn đề này.

    Theo đó, nhà xuất bản là khâu cuối cùng, quyết định số phận mỗi cuốn sách và thực tế là họ đã để lọt nhiều tác phẩm kém chất lượng. Điều đó cho thấy hoặc trình độ, năng lực biên tập của đội ngũ những người làm sách trong các nhà xuất bản hiện nay quá kém hoặc những người này quá vô trách nhiệm với công việc, với xã hội. Việc bỏ lọt nhiều sách thiếu nhi  "sạn, sốc" khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi, những người biên tập sách có thực sự đọc tác phẩm trước khi xuất bản hay chỉ lướt qua một cách thờ ơ, thiếu trách nhiệm? Chính sự dễ dãi đó đã tạo điều kiện cho những sản phẩm kém chất lượng của những tác giả "cha căng chú kiếc" không ai biết đó là ai được chễm chệ trên quầy sách dành cho thiếu nhi.

    Hình ảnh lõa thể trong truyện tranh "Thần thoại Hy Lạp".

    Cho rằng, điều này vừa phản ánh vừa chịu ảnh hưởng của sự thay đổi trong trình độ đọc, văn hóa đọc của một bộ phận người dân, nhất là các bạn trẻ hiện nay, PGS.Dũng nói: "Dường như, bây giờ, nhiều người không đủ tĩnh tâm để đọc một cuốn sách chỉ toàn chữ mà không có hình. Không những thế, hình ảnh phải quái dị thì mới thỏa mãn sự hiếu kỳ của họ". Nhiều tác phẩm thiếu nhi của Việt Nam hiện nay có hình ảnh minh họa rất đẹp, gần gũi với trẻ thơ như Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài nhưng học sinh cũng không mặn mà. Chúng có vẻ có xu hướng thích những bộ truyện tranh nước ngoài với những cuộc chiến đầy bạo lực hoặc những hình ảnh gợi sự tò mò. Rõ ràng đây là một thị hiếu, một văn hóa đọc có phần lệch chuẩn. Nhưng thay vì điều chỉnh, định hướng, các nhà xuất bản lại đánh vào thị hiếu đó, hòa theo, a dua theo để thu lợi nhuận mà không cần biết hậu quả của nó sẽ đi đến đâu.

    Phần đố và giải đố hết sức nhảm nhí trong sách "Hỏi đáp nhanh trí" dành cho thiếu nhi.

    Trang sách đầy những lời lẽ gợi dục trong cuốn truyện cổ tích về các loài vật và muông thú.

    Bàn về văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng: "Văn hóa đọc của người Việt từng là chủ đề được đưa ra tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn, nhiều hội thảo lớn nhỏ. Phải thừa nhận rằng các yếu tố tình dục, bạo lực, giật gân đang được đăng tải tràn lan trên các phương tiện truyền thông đại chúng và là tiêu chí tìm kiếm của không ít bạn trẻ. Điều đó không còn xa lạ gì, được nói đến rất nhiều và có thể xem đó là một vấn nạn trong xã hội hiện nay". Thực tế cho thấy, thể loại sách được phần đông giới trẻ tìm đọc hiện nay chủ yếu là sách ngôn tình, truyện tranh bạo lực. Tất nhiên, loại sách này cũng tràn ngập thị trường với đủ loại chuyện tình sến sẩm, những đoạn văn nhạy cảm, gợi dục. Càng được quảng cáo nhiều về liều lượng sex, sốc, bạo lực, tác phẩm đó càng bán chạy, càng được nhiều người săn lùng.

    Sao lại tôn trọng "dị bản quái dị"?

    Trong khi câu chuyện về các dị bản văn học dân gian vẫn đang được bàn luận với nhiều ý kiến cho rằng cần tôn trọng đặc điểm riêng của dòng văn học này với những dị bản của nó, thì nhà giáo Phan Huy Dũng cho rằng: "Đúng là chúng ta cần phải tôn trọng các dị bản trong văn học dân gian nhưng không thể lợi dụng, bóp méo tinh thần của các dị bản để muốn thay đổi, thêm thắt thế nào thì thêm". Theo ông, văn học dân gian có nhiều dị bản nhưng không có dị bản nào lại thay "sọ dừa" thành "sọ người", hay miêu tả cụ thể một trận chiến với đầy máu me, bạo lực. Chúng có thể kể về các cuộc chiến giữa cái thiện với cái ác như trong truyện " Tấm Cám" có chi tiết Tấm giết Cám nhưng lời lẽ gọn gàng, không viết theo lối kể tỷ mỷ, chi tiết, gây phản cảm như lối viết bây giờ. Những dị bản gây sốc kiểu này đang làm sai lạc bản chất dung dị và tinh thần chung của văn học dân gian chứ không phải đề cao tính dị bản của nó.

    Lợi dụng yếu tố "dị bản" của văn học dân gian, ai cũng đeo cái mác nhà sưu tầm rồi lại đề tên mình vào đó như một tác giả sáng tác. Truyện cổ tích rất nhiều, truyện cổ dân gian thế giới tràn lan, nhưng nhiều truyện xa lạ với tinh thần chung. Ngay cả việc biên soạn sách giáo khoa cũng xảy ra tình trạng những nhà khoa học danh tiếng đứng tên chủ biên nhưng thực tế không viết một dòng nào. Các tác giả sao chép lẫn nhau, các sách đều nhang nhác giống nhau, không có cái gì mới, không có ý tưởng sáng tạo, chỉ cốt sao ra nhiều đầu sách để bán. Như vậy, làm sao tránh được việc để lọt những sản phẩm kém chất lượng?

    Điều ngạc nhiên là việc phát hiện ra những sai phạm trong sách thiếu nhi hầu hết đều do phụ huynh phản ánh trong khi thầy cô giáo mới là những người trực tiếp giảng dạy cho các em. Giải thích về điều này, PGS.TS. Phan Huy Dũng cho rằng, giáo viên không phải là không phát hiện ra "sạn" nhưng họ thiếu một thái độ tích cực, muốn an toàn, muốn tránh khỏi những chuyện phiền phức. Nhiều phụ huynh học sinh hoạt động trong ngành giáo dục nếu có biết cũng không dám lên tiếng. "Điều đó đã triệt tiêu tinh thần đối thoại trong ngành giáo dục, và hình thành thói quen tặc lưỡi cho qua. Đây cũng là một thực tế đáng buồn nhưng khó thay đổi trong ngành giáo dục của ta hiện nay", ông Dũng nhận định.

    Trẻ không dễ bị ảnh hưởng bởi "sex, sốc, sến"?

    Trái với sự lo lắng, hoang mang của dư luận về những yếu tố bạo lực, phản cảm trong sách thiếu nhi hiện nay, một nhà xã hội học (đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không phải đứa trẻ nào chơi game bạo lực, đọc sách bạo lực cũng trở thành những người bạo lực. Phim hoạt hình Tom và Jerry toàn cảnh đánh nhau suốt từ đầu đến cuối, thậm chí đánh nhau rất dã man. Những bài hát ru êm ái cũng chứa đầy những cảnh đen tối của cuộc sống. Trẻ em tiếp xúc nhiều với các yếu tố đó không có nghĩa là chúng sẽ sống như những gì mà chúng thấy. Một thực tế khá bất ngờ nhưng vẫn còn xa lạ với nhiều người là theo cách giải thích của phân tâm học, các cá nhân đều có sẵn một bản năng gây hấn, có sẵn tính hung hăng trong người. Và chính việc tiếp xúc với truyền thông bạo lực lại giúp họ giải tỏa bản năng gây hấn đó, giảm bớt tính hung hăng thay vì thổi bùng chúng lên.

    Thực tế, truyện thần thoại Hy Lạp, Đan Mạch... đều có yếu tố, sắc thái tình dục nhưng trẻ em không cảm nhận các yếu tố tình dục đó theo cách cảm nhận của người lớn. Khi đọc những chi tiết đó chúng sẽ cảm thấy rất bình thường chứ không phải sẽ tưởng tượng ra đủ thứ tiêu cực như người lớn. Do đó, xét thấy, khi bàn về vấn đề này, chúng ta cũng cần phải phân tích đánh giá nó ở góc độ cảm nhận của trẻ em chứ không phải chỉ xoay quanh cái nhìn của người lớn để rồi quy kết một cách máy móc, giáo điều.

    DƯƠNG DUNG

     Xem thêm Video: Hai thiếu nữ đánh nhau dã man, ngất xỉu trên đường

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khi-soc-sex-sen-dau-doc-bup-tren-canh-a89464.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan