+Aa-
    Zalo

    Không thể bỏ việc cấp giấy khai sinh cho trẻ khi chào đời

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) – Trước ý kiến nên bỏ giấy khai sinh và thay bằng thẻ căn cước cho trẻ em khi chào đời, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh lại cho rằng, giấy khai sinh không thể bỏ đi được.

    (ĐSPL) – Trước ý kiến cho rằng nên bỏ giấy khai sinh và thay vào đó là làm thẻ căn cước cho trẻ em khi chào đời, Cục trưởngNguyễn Công Khanh lại cho rằng, giấy khai sinh không thể bỏ đi được.

    Tại cuộc họp báo quý III do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (16/10), ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm rằng: “Khi cắt giảm giấy tờ công dân, cần xem xét có cái bỏ đi, có cái phải giữ lại. Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, giấy khai sinh và chứng nhận kết hôn không thể bỏ đi được”.

    Không thể bỏ việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ khi chào đời

    Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho rằng không thể bỏ giấy khai sinh cho trẻ khi chào đời.

    Đối với quá trình chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch và ý kiến thảo luận của các ĐBQH tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách ngày 8/9 về dự thảo Luật căn cước công dân, Bộ Tư pháp cho biết còn một số nội dung lớn liên quan đến cả dự thảo Luật Hộ tịch và dự thảo Luật Căn cước công dân có ý kiến khác nhau, đó là việc không cấp giấy khai sinh cho trẻ em (theo dự thảo Luật Hộ tịch), thay vào đó cấp Thẻ Căn cước công dân cho trẻ em (theo dự thảo Luật Căn cước công dân).

    Liên quan đến vấn đề này, Chính phủ cũng đã có hai công văn gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó, Chính phủ đã thể hiện quan điểm rằng việc tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Còn việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

    Căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Do đó, Bộ Tư pháp cho rằng, việc cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là chưa đảm bảo phù hợp với khái niệm "căn cước" trong dự thảo Luật, vì từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định. Trong khi đó, các đặc điểm "gốc tích" của trẻ em chủ yếu là các thông tin về khai sinh.

    Không thể bỏ việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ khi chào đời

    Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến, việc cấp thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên.

    Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Nguyễn Công Khanh cho rằng, theo kinh nghiệm của các quốc gia quản lý dân cư thông qua phương thức cấp thẻ căn cước công dân cho thấy, tuyệt đại đa số các nước đều cấp thẻ căn cước công dân cho những người ở độ tuổi từ 14, 15 hoặc 18 trở lên- khi những đặc điểm nhân dạng đã khá ổn định, ít thay đổi.

    Ngoài ra, việc bỏ cấp giấy khai sinh và thay thế bằng Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt  Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, trong bối cảnh hầu hết các nước đều cấp giấy khai sinh để chứng minh thông tin khai sinh.

    Trước đó, trao đổi với báo chí về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho biết, quan điểm nhất quán của Chính phủ là trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh và đến tuổi nhất định được cấp chứng minh nhân dân hay sau này gọi là thẻ căn cước công dân. Tuy nhiên, trong quá trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có ý kiến cho rằng, để tiết kiệm hơn nữa cho người dân nên cấp thẻ căn cước cho trẻ em ngay từ khi sinh ra, thay vì làm giấy khai sinh. Như vậy, trong đời người cũng chỉ có duy nhất thẻ căn cước công dân.

    Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình ra phương án để cho Quốc hội là người quyết định. Thay mặt Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có báo cáo về việc này, theo đó trẻ em sinh ra được cấp giấy khai sinh cho đến khi đủ 14 tuổi vì quy định của Bộ Luật hình sự qui định 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự và quản lý con người phải chặt chẽ hơn quản lý trẻ em. 

    Quan trọng hơn nữa là hình ảnh để nhận dạng - mà hình ảnh phải cố định. Trẻ em từ mới sinh đến 14 cơ bản hình ảnh có nhiều thay đổi nên Chính phủ đề nghị giữ như qui định hiện hành, đến 14 tuổi cấp chứng minh thư hay sau này gọi là thẻ căn cước công dân là phù hợp Bộ Luật hình sự.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-the-bo-viec-cap-giay-khai-sinh-cho-tre-khi-chao-doi-a55781.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan