+Aa-
    Zalo

    Không thể lấy đồng tiền bất chính để "mua chuộc" thánh thần?

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Một sai lầm trong văn hóa tâm linh là người ta dâng cúng lễ vật để "mặc cả" với thế giới thần linh. Khấn lễ để xin nhận được điều này hoặc điều kia.

    (ĐSPL) - Một sai lầm trong văn hóa tâm linh là người ta dâng cúng lễ vật để "mặc cả" với thế giới thần linh. Khấn lễ để xin nhận được điều này hoặc điều kia. Cuộc sống xô bồ, bon chen, tranh đua đã tác động đến lòng tham vô đáy vốn có trong mỗi người. Không ít người nghĩ rằng, cứ lễ nhiều tiền thì thần thánh cho nhiều lộc hơn.

    Đó là quan niệm sai lầm, bởi theo triết lý đạo Phật, con người ta phải dựa vào tâm lực chứ không phải tha lực.

    Theo Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long (Hải Phòng), ở nhiều chùa, tục cúng sao giải hạn được tổ chức phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân và hướng họ đến giá trị "chân, thiện, mỹ", tâm an. Tuy nhiên, trên thực tế, tục cúng sao giải hạn đang có những biến tướng và nhiều người đã không ngoa khi ví đó là biểu hiện "tham nhũng tâm linh". Thậm chí, những người giàu có đang muốn giành giật phước lộc của những địa chỉ tâm linh về cho bản thân mình. Họ độc chiếm sự ủng hộ, sự bảo vệ, sự thiêng liêng của các vị thánh thần dành riêng cho mình.

    Cũng theo nhìn nhận của Đại đức Quyền, triết lý Phật giáo đề cao tấm lòng chứ không phải lễ nghĩa. Nhưng, ở địa phương này hay địa phương khác có một số ít cơ sở hoạt động tâm linh theo kiểu "tiền tươi thóc thật"... Có những người chỉ vì tư lợi đã ngã giá, mặc cả cho những khóa lễ; gợi ý cung tiến những vật phẩm đắt tiền... dẫn đến việc phật tử có tâm lý "càng cung tiến nhiều tiền càng có lộc". Và, đó cũng là hệ lụy nhiều phật tử coi trọng đồng tiền hơn là thành tâm.

    "Những số tiền lớn ấy chi bằng giúp đỡ người nghèo, làm từ thiện sẽ tạo được phúc đức cho bản thân và người thân. Phật tử không nên chú tâm vào tha lực để làm những việc lãng phí. Lãng phí xét ở một góc độ nào đó cũng là vi phạm pháp luật. Làm việc tốt cũng chính là giải sao, giải hạn", Đại đức Quyền phân tích.

    Thực tế, không ít người đã làm việc sai trái lại mong hưởng phúc đức. Họ nghĩ đơn giản rằng, cứ cúng tiến nhiều tiền là có thể "xóa" tội. Nhân quả công bằng, công là công, tội là tội. Không thể lấy tiền từ việc làm bất chính để "mua chuộc" thánh thần, mua chuộc tâm linh. Người biết trân trọng năng lực và đồng tiền chính đáng làm ra thì sẽ càng được lộc. Người dân cũng không nên nặng về vấn đề cúng bái, đó chỉ là phương tiện đưa con người đến với đức tin, hạnh phúc an lạc chứ không quyết định được người này, người kia có tài lộc, hạnh phúc và tránh được tai ương.

    Từ thực tế đó, Đại đức Quyền cho rằng, phật tử cần có trí tuệ, nhìn nhận và chính kiến về tục cúng sao giải hạn, lễ tạ. Tuyệt đối không nên có ý nghĩ "mua chuộc" thánh thần. Có nhiều người vì tư lợi, làm ăn bất chính nhưng lại "sính" đi chùa để giải hạn, cầu may. Và nhà chùa cũng không thể biết những đồng tiền đó có phải do làm ăn bất chính hay không. Giáo lý nhà Phật dạy rằng, phải biết cống hiến, hy sinh, vị tha, làm những điều có lợi cho dân, cho nước chứ không phải là tư lợi, biến của công thành của tư, biến của người khác thành của mình. 
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khong-the-lay-dong-tien-bat-chinh-de-mua-chuoc-thanh-than-a78271.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan