+Aa-
    Zalo

    Khủng hoảng ngân hàng toàn cầu: Nhiều vấn đề cần giải quyết

    • DSPL
    ĐS&PL Các tổ chức tài chính và cơ quan quản lý Mỹ đang phải vật lộn để tránh cuộc khủng hoảng ngân hàng lan rộng.

    Cuộc khủng hoảng đang đe doạ hệ thống ngân hàng toàn cầu sau khi 2 ngân hàng lớn ở Mỹ là Silicon Valley (SVB) và Signature Bank sụp đổ. Theo đó, Credit Suisse, vốn đã khập khiễng trong nhiều năm do quản lý kém, cũng không chống chọi được với cuộc khủng hoảng này. Credit Suisse sau đó đã bị tiếp quản một cách nhanh chóng bởi đối thủ của họ là ngân hàng UBS vào ngày 19/3 (giờ địa phương).

    Một nhóm các ngân hàng trung ương trên thế giới đã thúc đẩy đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu để duy trì các khoản vay cho hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ các nền kinh tế lớn.

    ngan hang credit suisse
    Ngân hàng Credit Suisse không tránh được ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu. Ảnh: EPA 

    Dù vậy, các nhà đầu tư và người dùng vẫn đang đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của ngành ngân hàng: Liệu có thêm ngân hàng sụp đổ hay ngành ngân hàng sẽ được hỗ trợ? Các cơ quan quản lý có cần phải can thiệp với nhiều kế hoạch giải cứu hơn không?

    Tại Mỹ, cuộc khủng hoảng ngân hàng đã bắt đầu cách đây gần 2 tuần từ sự sụp đổ đột ngột của SVB và Signature Bank chỉ trong 3 ngày. Sự kiện này đã đem đến một cú sốc cho hệ thống ngân hàng thế giới. 

    Các ngân hàng khu vực có hồ sơ tương tự như SVB, bao gồm First Republic (FRC), PacWest (PACW) và Western Alliance (WAL), cũng đã bị đẩy đến bờ vực sụp đổ trong tuần qua. Các khách hàng đã đồng loạt rút tổng cộng 10 tỷ USD từ các ngân hàng nhỏ và gửi vào các tổ chức tài chính lớn, được vốn hoá tốt hơn.

    Để trả tiền cho các khách hàng, nhiều ngân hàng trong khu vực đã phải vật lộn để đảm bảo nguồn tiền mặt. First Republic đã nhận được khoảng vay 70 tỷ USD từ JPMorgan Chase cách đây 1 tuần và khoảng vay 30 tỷ USD từ nhóm 11 ngân hàng lớn ở phố Wall bao gồm Bank Of America, hôm 16/3. Nhưng việc này vẫn chưa đủ, cổ phiếu của First Republic tiếp tục giảm mạnh 33% vào hôm 17/3.

    first republic
    Các ngân hàng và tổ chức tài chính lớn của Mỹ đã dồn vốn hỗ trợ First Republic vượt qua khủng hoảng. Ảnh: CNN 

    Xếp hạng tín dụng của First Republic cũng đã bị hạ xuống mức cực kỳ thấp vào ngày 19/3. Sự thay đổi này phản ánh tình hình tài chính đang xấu đi và "những thách thức đáng kể" mà ngân hàng phải đối mặt do phụ thuộc vào nguồn vốn ngắn hạn và chi phí cao hơn khi khách hàng của họ tiếp tục rút tiền mặt.

    Nhiều ngân hàng khác đang tìm cách vượt qua khủng hoảng khi tìm đến các khoản vay từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong đó, họ đã vay khoản tiền kỷ lục 153 tỷ USD từ cửa sổ chiết khấu của Fed vào tuần trước - một lựa chọn cuối cùng để các ngân hàng có thể tiếp cận nguồn tiền mặt một cách nhanh chóng.

    Tín hiệu tích cực và tiêu cực

    Theo CNN, diễn biến này kéo theo cả những tín hiệu vừa tích cực và tiêu cực. Trong đó, các khoản vay này không phải một vấn đề sai trái trong hệ thống ngân hàng toàn cầu. Chưa có ngân hàng nào vay tiền từ Fed phải tiếp tục vay thêm tiền theo điều khoản các điều khoản tín dụng thứ cấp - tức là các khoản vay khẩn cấp, khoản vay qua đêm để giúp ngân hàng tiếp tục hoạt động. Những khoản vay thứ cấp này đi kèm nhiều hạn chế và được Fed theo dõi kỹ hơn.

    Jill Cetina, một nhà phân tích tài chính Mỹ, nhận xét việc Fed cung cấp các khoản vay cho thấy nhà quản lý Mỹ vẫn coi các ngân hàng đủ "lành mạnh" để hỗ trợ và không có "nguy cơ xảy ra vỡ nợ".

    Các cơ quan tài chính toàn cầu cũng đồng tình với quan điểm này, họ đang nỗ lực hết sức để khẳng định rằng hệ thống ngân hàng vẫn an toàn, đủ lành mạnh và đang luân chuyển tiền mặt.

    ngan hang svb
    Sự sụp đổ của ngân hàng SVB đã gây ra cú sốc cho ngành ngân hàng toàn cầu. Ảnh: NYTimes 

    Tuy nhiên, tình hình thực tế không quá tích cực như vậy. Các khoản vay cho thấy ngành ngân hàng nhìn chung vẫn an toàn nhưng đồng thời phản ánh áp lực đối với hệ thống tài chính vào thời điểm hiện tại.

    Những áp lực hiện nay có thể là các ngân hàng có thể từ chối cho vay tiền, tăng thêm sự giám sát đối với uy tín tín dụng của người đi vay. Điều đó sẽ dẫn đến ít khoản thế chấp hơn và dòng tiền cho các doanh nghiệp bị hạn chế. Và cuối cùng, diễn biến này có thể làm chậm nền kinh tế toàn cầu và có khả năng dẫn đến suy thoái.

    Giải pháp cho vấn đề

    Giải pháp để kết thúc cuộc khủng hoảng hiện nay là khách hàng ngừng rút các khoản thế chấp. Nhưng các tổ chức tài chính và nhà quản lý cần phải làm đủ cách để xoa dịu nỗi lo của người dùng trước khi cuộc khủng hoảng lan rộng trong toàn hệ thống. 

    Ở Mỹ, ngày càng có nhiều lời kêu gọi các cơ quan quản lý đảm bảo khoản tiền gửi ngân hàng cho các khách hàng. Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ đã đảm bảo cho mỗi tài khoản một khoản tiền gửi lên tới 250.000 USD. Các nước châu Âu cũng đang vận hành hoạt động tương tự.

    Nếu các cơ quan quản lý đảm bảo số tiền gửi ở mọi quy mô, như đã làm khi SVB và Signature Bank sụp đổ, điều đó sẽ khiến khách hàng yên tâm hơn rằng tiền của họ vẫn an toàn khi gửi ở các ngân hàng khu vực.

    Nhiều khả năng, các cơ quan quản lý Mỹ sẽ đưa ra một ngoại lệ để bảo đảm tiền cho những khách hàng của First Republic nhưng đây sẽ là một ngoại lệ có rủi ro. 

    Với cuộc khủng hoảng trần nợ sắp xảy ra và sự giám sát chặt chẽ về việc sử dụng tiền của người nộp thuế để tài trợ cho bất cứ thứ gì gần giống như một gói cứu trợ, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ cần một giải pháp hữu cơ hơn cho cuộc khủng hoảng.

    Cả 2 ngân hàng Western Alliance và Charles Schwab đều đang tìm cách trấn an khách hàng và nhà đầu tư khi tuyên bố tiền gửi của khách hàng và nhà đầu tư tương đối ổn định trong vài ngày qua và họ vẫn duy trì đủ thanh khoản – có nghĩa là họ có đủ tiền mặt để tiếp tục hoạt động.

    Một quan chức Mỹ cũng nói với CNN rằng tiền gửi tại các ngân hàng vừa và nhỏ của Mỹ đã ổn định trong những ngày gần đây, với dòng tiền rút ra đang chậm lại, dừng lại hoặc trong một số trường hợp đã đảo chiều.

    Các vấn đề của Credit Suisse – đã hình thành trong nhiều năm – không liên quan đến các khoản tiền gửi gần đây tại các ngân hàng Mỹ. Nhưng sau khi UBS ra tay giải cứu Credit Suisse, làn sóng rút tiền gửi từ các ngân hàng khu vực của Mỹ đã giảm bớt và các ngân hàng trung ương đang cố gắng cung cấp nhiều tiền mặt hơn để giữ hỗ trợ các ngân hàng. Khi tình hình cải thiện, cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ qua đi và thế giới tránh được suy thoái kinh tế.

    Minh Hạnh(Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/khung-hoang-ngan-hang-toan-cau-nhieu-van-de-can-giai-quyet-a569468.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan