+Aa-
    Zalo

    Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 "đội vốn" hơn 1.000 tỷ đồng

    (ĐS&PL) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết trước khi phê duyệt điều chỉnh dự án cầu Rạch Miễu 2 cần làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc lập báo cáo nghiên cứu khiến dự án "đội vốn".

    Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện chủ đầu tư Dự án xây cầu Rạch Miễu 2, nối Tiền Giang - Bến Tre) kiểm điểm; làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong lập báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

    Ban quản lý dự án Mỹ Thuận được yêu cầu phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng để xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể liên quan.

    Về việc điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT yêu cầu cơ quan đại diện chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ theo đúng các quy định liên quan, trình bộ để triển khai các thủ tục điều chỉnh tiếp theo.

    Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 được Bộ GTVT phê duyệt tháng 9/2021, với tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng, từ vốn ngân sách nhà nước.

    Cuối năm 2022, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có văn bản đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư cầu Rạch Miễu 2 lên hơn 6.358 tỷ đồng (gồm cả chi phí dự phòng), tức tăng thêm hơn 1.183 tỷ đồng so với quyết định phê duyệt dự án năm 2021.

    cau rach mieu 2
    Bộ GTVT yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 "đội vốn" hơn 1.000 tỷ đồng.

    Trước đó, ngày 15/2, tại buổi kiểm tra công trình cầu Rạch Miễu 2, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Ban QLDA Mỹ Thuận) sớm đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2 đồng thời yêu cầu hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre nhanh chóng bàn giao mặt bằng dự án.

    Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, dự án cầu Rạch Miễu 2 có diện tích 62,38 ha. Trong đó, Tiền Giang khoảng 26,56 ha với 878 hộ dân bị ảnh hưởng, Bến Tre khoảng 35,82 ha với 545 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay phía Tiền Giang mới bàn giao mặt bằng 2,18/7,95km, đạt hơn 27%, phía Bến Tre bàn giao 7,38/9,65km, đạt hơn 76%.

    Do giải phóng mặt bằng chậm, nên dự án thi công không liên tục, vì thế, khối lượng chỉ đạt khoảng 14,55%. Ngoài ra, kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư được phê duyệt là 1.279 tỷ đồng nhưng sau khi hoàn chỉnh phương án tổng thể, chi phí giải phóng mặt bằng tăng lên khoảng 1.613 tỷ đồng.

    Sau khi nghe báo cáo của địa phương, Ban QLDA Mỹ Thuận, Thủ tướng yêu cầu Tiền Giang và Bến Tre huy động cả hệ thống chính trị để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm cuộc sống người dân nơi tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.

    Các địa phương khác phải rút kinh nghiệm, không để kéo dài khâu giải phóng mặt bằng, nếu để kéo dài sẽ dẫn tới đội giá và các vấn đề khác.

    Các đơn vị tư vấn rút kinh nghiệm về vấn đề chi phí giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện, áp dụng công nghệ, kỹ thuật, tăng ca, kíp, tổ chức thi công khoa học để rút ngắn tiến độ, phấn đấu hoàn thành công trình cầu Rạch Miễu 2 vào tháng 10/2025 để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre, sớm 6 tháng so với tiến độ đang đề ra (tháng 4/2026), bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật.

    Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kiem-diem-lam-ro-trach-nhiem-chu-dau-tu-du-an-cau-rach-mieu-2-doi-von-hon-1000-ty-dong-a566310.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan