Kiến nghị tăng phí “cứu” nhà đầu tư BOT: Đề xuất vô lý, cần xem xét thấu đáo


Thứ 2, 18/05/2020 | 02:08


Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông BOT được tăng phí.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông BOT được tăng phí, thay vì Nhà nước phải bỏ ra hơn 5.000 tỷ đồng hỗ trợ. 

Tăng phí để không phải bố trí ngân sách

Trong khi, doanh nghiệp còn chưa được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ thì nay bộ GTVT lại kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT trên cả nước. (Ảnh: CAND)

Theo bộ Giao thông Vận tải (GTVT), do dịch Covid-19, các doanh nghiệp BOT bị ảnh hưởng trực tiếp do lưu lượng phương tiện giảm sâu, dẫn đến thất thu. Khi có tới 58/60 dự án doanh thu thực tế thấp hơn so với doanh thu dự báo trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án doanh thu thực tế chưa bằng 50% so với dự báo.

Ngoài ra, việc các dự án BOT giao thông chưa được tăng phí theo hợp đồng đã ký với cơ quan Nhà nước những năm qua, thậm chí phải giảm phí, khiến doanh thu cũng không đạt kế hoạch.

Các doanh nghiệp BOT gặp nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để trả nợ ngân hàng theo kế hoạch. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ đối với các khoản vay này.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư BOT đang gặp khó khăn, Bộ GTVT đưa ra 2 phương án kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận: Cho các dự án tăng phí BOT theo hợp đồng; Chưa tăng phí giai đoạn hiện nay nhưng Nhà nước bố trí khoảng 5.080 tỷ đồng hỗ trợ các dự án.

Trong đó, Bộ GTVT ưu tiên lưạ chọn phương án tăng phí, kết hợp với các hỗ trợ từ ngân hàng, như không chuyển nhóm nợ, gia hạn nợ, giảm lãi...

Cần xem xét thấu đáo

Trước đề xuất này của bộ GTVT, trao đổi với PV ĐS&PL, PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cho rằng dịch Covid-19 xảy ra ngẫu nhiên, không ai dự báo trước được. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế suy thoái khiến cho mọi doanh nghiệp đều gặp khó khăn, trong đó có các nhà đầu tư BOT.

PGS-TS Ngô Trí Long.

Tuy nhiên, hai phương án bộ GTVT đưa ra rất khó cho Chính phủ lựa chọn. Cụ thể, phương án tăng theo lộ trình không phù hợp, bởi sau một thời gian đối phó với dịch bệnh, nền kinh tế bắt đầu phục hồi và Nhà nước đang cố gắng giảm 20%-50% các loại phí, lệ phí giúp doanh nghiệp vực dậy, giờ bàn tăng phí là đi ngược chủ trương.

Trường hợp dùng ngân sách bù cũng không phù hợp, bởi nguồn lực Nhà nước có hạn, đặc biệt trong tình cảnh dịch Covid-19, nguồn tiền cần chi nhiều khoản khác để phục hồi kinh tế.

Cũng theo PGS-TS Ngô Trí Long, nếu tăng theo lộ trình sẽ an toàn cho nhà đầu tư BOT nhưng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải nên Chính phủ cần xem xét thấu đáo.

Từ đó, ông Ngô Trí Long cho rằng phương án tối ưu nhất là bộ GTVT đàm phán với nhà đầu tư BOT kéo dài thời gian thu phí. Cạnh đó, xem xét tái cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ… đối với các dự án BOT.

Đề xuất tăng phí là vô lý

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh Thông luật, đoàn Luật sư TP.HCM đánh giá: "Trong kinh doanh luôn có câu cửa miệng "Thương trường như chiến trường". Nhiều công trình giao thông thời gian qua về danh nghĩa là đầu tư BOT nhưng thực tế là "tay không bắt giặc". Thương trường đòi hỏi chủ đầu tư dự án BOT phải thật sự có năng lực về tài chính, đủ sức chạy đường dài chứ không thể chỉ trông chờ vào vốn vay ngân hàng và nguồn thu duy nhất từ công trình BOT. Hay mỗi khi họ khó khăn là Nhà nước và nhân dân phải giúp họ mà bản thân họ phải tự vận động.

Và khi doanh nghiệp đầu tư tham gia dự án đã tính toán cẩn trọng, kiểm tra hiện trạng thực tế, thống kê mật độ giao thông trên đường mới tiến hành đầu tư, thu phí và phải có lợi nhuận chứ không đơn giản để doanh nghiệp thua lỗ, phương án tài chính bị phá vỡ, doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay từ ngân hàng để đầu tư BOT trở thành nợ xấu rồi đòi trả dự án".

Luật sư Diệp Năng Bình.

Theo luật sư Bình, sự kiện dịch Covid-19 vừa qua toàn xã hội bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng các BOT này nên việc yêu cầu tăng phí để thu tiền từ người dân là vô lý. "Trong khi đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp vận tải và người dân cũng đã hoạt động trở lại nhờ việc chống dịch hiệu quả của Việt Nam vậy thì không lý do gì lại phải đề xuất tăng phí", vị luật sư nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy cách làm dự án BOT đang rất nghịch lý, vốn đầu tư chủ yếu huy động từ ngân hàng và đưa cả gốc lẫn lãi vay vào phương án hoàn vốn. "Ai cũng biết nguồn ngân sách nước ta đang khó khăn nên mới kêu gọi xã hội hóa các dự án giao thông. Nếu cứ lời ăn lỗ đem trả cho Nhà nước hoặc đề xuất tăng phí không khác gì Nhà nước phải đi vay tiền làm dự án BOT và không giúp giảm gánh nặng ngân sách mà nhân dân còn chịu lợi nhuận cho chủ đầu tư dự án. Do đó, càng không thể có chuyện doanh nghiệp làm ăn gây ra nợ xấu rồi hoặc cho rằng dịch bệnh gây ảnh hưởng để buộc Nhà nước phải "giải cứu"...", luật sư Bình nêu quan điểm.

Việt Hương

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-nghi-tang-phi-cuu-nha-dau-tu-bot-de-xuat-vo-ly-can-xem-xet-thau-dao-a323350.html