+Aa-
    Zalo

    Kiên quyết đuổi “Hải Dương-981”, tránh mắc mưu của Trung Quốc

    • DSPL
    ĐS&PL “Nếu chúng ta sử dụng biện pháp quân sự, Trung Quốc sẽ vu vào đó và cho rằng Việt Nam đã làm lớn chuyện”.

    “Nếu chúng ta sử dụng biện pháp quân sự, Trung Quốc sẽ vu vào đó và cho rằng Việt Nam đã làm lớn chuyện”.

    Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương-981 cắm xuống vùng biển Việt Nam đang gây sự phẫn nộ không chỉ đối với người dân trong nước mà với dư luận quốc tế. Đây là việc làm sai trái, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

    Trung Quốc đã tính toán trước hành động sai trái

    Trả lời phỏng vấn VOV online, ông Hoàng Việt, Hội luật gia TP Hồ Chí Minh, thành viên Quỹ Nghiên cứu biển Đông kiêm cố vấn học thuật của Trung tâm dữ liệu Hoàng Sa nhấn mạnh, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

    Và trong quy định của Công ước Luật biển thì mỗi quốc gia sẽ có các vùng biển, trong đó có vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý kể từ đường cơ sở trở ra. Và như vậy, vị trí giàn khoan Hải Dương-981 mà Trung Quốc đặt cách đảo Lý Sơn 122 hải lý, là vẫn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

    Kiên quyết đuổi “Hải Dương-981”, tránh mắc mưu của Trung Quốc

    Ông Hoàng Việt, Hội luật gia TP Hồ Chí Minh.

    Như thế rõ ràng, Trung Quốc đã vi phạm về Công ước Luật biển năm 1982 của LHQ và đồng thời cũng vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC). Theo đó, Trung Quốc và các nước tranh chấp không được làm phức tạp thêm tình hình, phải giữ nguyên trạng.

    Cùng với đó, Trung Quốc đã vi phạm các thỏa thuận có liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước; đồng thời Trung Quốc cũng vi phạm những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.

    Và việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là Trung Quốc đã vi phạm quyền của quốc gia ven biển được quy định trong Công ước Luật biển.

    Hơn nữa, hành vi của Trung Quốc là dùng tàu đâm thẳng vào tàu Việt Nam, xịt vòi rồng vào tàu Việt Nam đã vi phạm Điều 287 của Công ước Luật biển, trong đó quy định các quốc gia thành viên nếu có tranh chấp thì sử dụng biện pháp hòa bình, chứ không được sử dụng vũ lực.

    Qua theo dõi, ông đánh giá như thế nào về phản ứng của Việt Nam trước những hành động sai trái của Trung Quốc?

    Một mặt về ngoại giao, Việt Nam đã phản đối hành động sai trái của Trung Quốc, kêu gọi công luận phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Thêm nữa, chúng ta đã cử các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư ra để tìm cách xua đuổi và kêu gọi phía Trung Quốc sẽ rút giàn khoan Hải Dương -981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

    Việt Nam giờ phải có nhiệm vụ xua đuổi giàn khoan này trên vùng kinh tế đặc quyền của nước ta, một mặt không làm phức tạp tình hình, không để rơi vào bẫy của Trung Quốc là muốn Việt Nam sử dụng biện pháp quân sự ngay, để họ có cớ để tiến tới. Đây là điều khó khăn, các lực lượng của chúng ta đến nay đã hết sức kiềm chế, một mặt cũng cũng kiên quyết, các lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư ra tiếp cận khu vực đó, yêu cầu giàn khoan Hải Dương-981 phải rời đi.

    Lực lượng tàu của Việt Nam hiện có khoảng 30 tàu ở khu vực đó thì Trung Quốc đã điều tới 80 tàu, với nhiều tàu có vũ khí và trang thiết bị rất hiện đại.

    Không đưa ra được những bằng chứng, nhưng phía Trung Quốc họ cũng đã công bố rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu của họ 171 lần và đã làm hỏng mũi tàu của Trung Quốc. Ông có thể cho biết họ có ý đồ gì khi đưa ra luận điệu này?

    Họ đưa ra những tuyên bố không thuyết phục. Thứ nhất, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định Công ước Luật biển, muốn thăm do hoặc khai thác tại vùng thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì phải được sự đồng ý chính thức của Chính phủ Việt Nam, nhưng phía Việt Nam đã phản đối quyết liệt mà Trung Quốc vẫn cứ lấn tới như vậy, cho thấy đây là hành vi gây hấn.

    Thứ hai, Việt Nam chỉ có tối đa 30 tàu trong khi Trung Quốc đã điều tới 80 tàu và số lượng người của Trung Quốc rất nhiều. Và với hành động gây hấn của Trung Quốc, phía Việt Nam đã trưng ra đầy đủ bằng cớ.

    Còn Trung Quốc cứ lớn tiếng nói rằng bị bao nhiêu lần đâm tàu, nhưng bằng cớ lại không có. Điều này cho thấy thực sự họ là người gây hấn.

    Tránh rơi vào “bẫy” của Trung Quốc

    Kiên quyết đuổi “Hải Dương-981”, tránh mắc mưu của Trung Quốc
    Tàu Trung Quốc xịt vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam.

    Trong tình hình như thế này, theo ông Việt Nam nên có các hành động như thế nào trong thời gian tiếp theo?

    Trước mắt, chúng ta nên một mặt hết sức kiềm chế, tránh rơi vào bẫy của Trung Quốc để họ tạo cớ gây xung đột quân sự. Một mặt chúng ta cũng kêu gọi sự lên tiếng của cộng động quốc tế, đặc biệt là của người dân Việt Nam ở trong nước và ngoài nước.

    Kiều bào ta ở nước ngoài có thể gửi những thư, có các thông điệp để gửi tới các Đại sứ quán Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới, đồng thời vận động bè bạn quốc tế lên tiếng góp phần vào việc ngăn chặn hành vi quá khích của Trung Quốc.

    Thưa ông, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đến thời điểm này Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Ông đánh giá như thế nào về khả năng này?

    Theo tôi, cũng có một số khả năng để kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế và rõ ràng nhất là khả năng kiện lên Hội đồng trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Luật biển.

    Tuy nhiên, khả năng kiện này cũng có nhiều điều phải bàn luận. Thứ nhất là việc khởi kiện, xây dựng hồ sơ, bằng chứng để kiện cũng phải có thời gian. Sau đó, khi Hội đồng trọng tài nhận đơn khởi kiện, thụ lý vụ án cũng phải kéo dài như vụ kiện của Philippines. Philippines kiện Trung Quốc bằng một Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Luật biển thì họ phải mất cả năm trời để xây dựng hồ sơ pháp lý.

    Và Tòa án mặc dù đã nhận đơn, nhưng trong trường hợp này để giải quyết sớm nhất cũng mất 3 năm. Kiện cũng chỉ là một giải pháp.

    Thứ 2, khả năng kiện cho đến thời điểm này còn nhiều vấn đề phải tranh luận. Vụ kiện với Philippines cho đến giờ cũng có nhiều tranh luận từ các nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, về thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài cũng như khả năng thực thi nó trong thực tế.

    Cho nên, phương pháp kiện về lý thuyết là hợp lý, nhưng trên thực tế chúng ta phải cân nhắc ở nhiều góc độ khác nhau để đánh giá. Quan trọng nhất là trong thực tế chúng ta phải bảo vệ được vùng biển của Việt Nam.

    Thưa ông, trong thời gian xảy ra vụ việc, hầu hết người dân Việt Nam đều thể hiện tình yêu Tổ quốc bằng những hành động khác nhau. Theo ông, người dân cần phải có hành động gì để vừa phù hợp lại vừa nhân lên sức mạnh đoàn kết?

    Theo tôi, trước hết mọi người phải hiểu được vấn đề, có đầy đủ thông tin, hiểu được cặn kẽ vấn đề tranh chấp cũng như điểm mạnh, điểm yếu của chúng ta.

    Khi chúng ta có những hiểu biết đầy đủ về tranh chấp, có đủ thông tin về diễn biến của tranh chấp cũng như lợi, hại của các bên thì mỗi người dân sẽ có phản ứng phù hợp.

    Tôi nghĩ quan trọng nhất bây giờ là khi mọi người hiểu rõ vấn đề, mọi người sẽ đoàn kết, đồng lòng với nhau thì lúc đó sức mạnh của dân tộc Việt Nam sẽ được tăng lên rất nhiều.

    Điều đó cũng giúp cho việc giải quyết tranh chấp có những lợi thế nhất định.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kien-quyet-duoi-hai-duong-981-tranh-mac-muu-cua-trung-quoc-a32561.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan