+Aa-
    Zalo

    Báo cáo Quốc hội về 12 dự án nghìn tỷ yếu kém ngành Công thương: Nợ ngày càng tăng, mắc kẹt vì hợp đồng EPC

    ĐS&PL Báo cáo của bộ Công thương cho thấy, quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc, tổng nợ phải trả đã lên đến hơn 63.300 tỷ

    Quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc khi tổng nợ phải trả của các dự án đã lên đến hơn 63.300 tỷ đồng.

    Nhà máy thép Thái Nguyên. Ảnh: Đại Đoàn Kết

    Theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, được Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa uỷ quyền của Thủ tướng gửi ĐBQH, 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang trở thành gánh nặng ngày càng khó gỡ khi vốn chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp âm cả nghìn tỷ đồng.

    12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả bao gồm: Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy gang thép Lào Cai (Dự án Nhà máy thép Việt Trung), Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (Công ty DQS).

    Trong báo cáo trình Quốc hội, bộ Công Thương thừa nhận, quá trình xử lý 12 dự án đầu tư nghìn tỷ thua lỗ đang ngày càng rơi vào tình trạng bế tắc khi nợ phải trả của các dự án cũng tăng lên hơn 63.300 tỷ đồng. Các bộ, ngành không đưa ra được giải pháp nào hiệu quả giúp vực dậy các doanh nghiệp này, dù chỉ còn vài tháng nữa là hết thời hạn cuối cùng mà Chính phủ đề ra để xử lý số nợ khủng của các dự án.

    Tổng vốn chủ sở hữu của các dự án đã bị âm tới 7.200 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 6/2020, lỗ lũy kế của các dự án đã vượt trên 26.300 tỷ đồng.

    Dư nợ của các dự án, doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng lớn, đa số không trả được nợ đúng hạn. Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và 1 công ty tài chính cấp tín dụng cho 12 dự án này với tổng số dư nợ đến 31/12/2019 là 20.938 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung dài hạn là 17.169 tỷ đồng, dư nợ ngắn hạn là 3.769 tỷ đồng.

    Ngoài ra, hiện tại, 5/12 dự án còn xảy ra tranh chấp, vướng mắc hợp đồng EPC khiến chủ đầu tư chưa thể hoàn thành quyết toán và xác định chính xác giá trị các dự án cũng như thiệt hại kinh tế cho Nhà nước.

    Tại báo cáo hồi giữa năm 2020, bộ Công Thương cho hay, mới chỉ có 2/12 dự án, doanh nghiệp có lãi, trong đó 1 doanh nghiệp vẫn còn lỗ lũy kế gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung.

    Trong bối cảnh hoạt động của các doanh nghiệp ngày càng khó khăn hơn, chỉ có dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 Hải Phòng đủ điều kiện xem xét đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ.

    Báo cáo của Chính phủ cho hay, các doanh nghiệp đã tích cực đàm phán theo chỉ đạo nhưng vẫn không thành công. Trước tình thế này, Chính phủ nêu hai phương án xử lý: Đưa ra trọng tài/ toà án để phân xử; hoặc chủ đầu tư tự quyết toán theo quy định tại Thông tư 64 khi nhà thầu không quyết toán hợp đồng theo quy định hoặc không thực hiện các công việc để hoàn thành quyết toán.

    Với phương án tự quyết toán, báo cáo Chính phủ nêu: Cũng không dễ thực hiện, do còn tranh chấp nên hồ sơ thực tế không đầy đủ để lập quyết toán. Vì thế, Bộ Tài chính chủ trì cùng các cơ quan khác liên quan hướng dẫn chủ đầu tư tự quyết toán theo tình hình thực tế của các dự án hiện nay.

    Liên quan đến việc xử lý 12 dự án yếu kém của bộ Công thương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020.

    Nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021 trên nguyên tắc đề cao tự chủ của doanh nghiệp, xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền lợi của người lao động.

    Bạch Hiền (t/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bao-cao-quoc-hoi-ve-12-du-an-nghin-ty-yeu-kem-nganh-cong-thuong-no-ngay-cang-tang-mac-ket-vi-hop-dong-epc-a343853.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan