Cấm kinh doanh đòi nợ thuê có chặn được biến tướng băng nhóm, bàn tay “quyền lực đen”


Chủ nhật, 15/09/2019 | 08:03


Cùng sự kiện

Trước tình trạng hàng loạt hành động côn đồ của các đối tượng đòi nợ, dự thảo sửa đổi luật Đầu tư đang đề xuất cấm đầu tư, doanh dịch vụ đòi nợ.

Trước tình trạng hàng loạt hành động côn đồ của các đối tượng đòi nợ thực hiện, nhằm gây sức ép lên con nợ khiến an ninh trật tự bị ảnh hưởng, dự thảo sửa đổi luật Đầu tư đang đề xuất cấm đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc cấm hẳn chưa chắc đã khắc phục được những biến tướng như hiện nay.

Hoạt động đòi nợ thuê đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Ảnh minh họa: PLO

Có phải tư duy “không quản lý được thì cấm”?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình ủy ban Kinh tế của Quốc hội để thẩm tra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư. Trong đó, nội dung đáng chú ý là ngành nghề “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” được bỏ ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện, nhưng lại được bổ sung vào danh mục cấm đầu tư kinh doanh. Mới đây nhất, UBND TP.HCM cũng đưa ra kiến nghị cấm kinh doanh ngành nghề này. UBND TP.HCM lý giải, quan hệ vay - nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp hợp đồng, các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết.

Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại... là cơ quan có thẩm quyền thi hành. Cho nên, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ là kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen...) lợi dụng núp bóng đầu tư qua hình thức cấu kết giữa công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Theo thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - PC02, Công an TP.HCM, dịch vụ đòi nợ thuê thuộc ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các quy định về hoạt động rất chặt chẽ, nhân viên công ty buộc phải có trình độ, có đạo đức và lối sống lành mạnh. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đòi nợ thuê đều có dấu hiệu cấu kết băng nhóm sử dụng chiêu trò, kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của khách nợ làm mất uy tín của họ.

“Những người đi thu nợ toàn xăm trổ, nói năng vô lễ gây sức ép, trấn áp tinh thần làm người dân hoảng sợ. Hầu hết mục tiêu của các công ty là nhắm đến người thân của khách nợ, là đối tượng không liên quan, chứ người nợ đã bỏ trốn”, Thượng tá Nguyễn Đăng Nam cho biết. Đề xuất không cho phép tồn tại loại hình dịch vụ này đã ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ các đối tượng sẽ chịu tác động. Bởi thực tế, nhu cầu sử dụng dịch vụ đòi nợ hiện nay là không nhỏ.

Đại diện một công ty thu hồi nợ tại TP.HCM cho biết, trước khi có sự can thiệp của cơ quan chức năng, tòa án thì giao dịch giữa người cho vay và người mượn nợ là quan hệ dân sự. Vì thế, việc đòi nợ thuê không nên được xem là phạm pháp. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, việc cấm hẳn dịch vụ đòi nợ thuê chưa chắc đã mang lại hiệu quả như mong đợi.

“Đây không chỉ là nhu cầu của cá nhân mà còn liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng. Mặc dù dư luận đang lên tiếng về những biểu hiện tiêu cực, nhưng dịch vụ này đi kèm với hoạt động cho vay. Có cầu ắt có cung, nếu không được hoạt động hợp pháp, dịch vụ đòi nợ thuê có thể diễn ra biến tướng với nhiều hệ lụy phức tạp”, ông Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Đe dọa giết người, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản

Về đề xuất cấm kinh doanh đòi nợ, luật sư Trần Minh Hùng, đoàn Luật sư TP.HCM bày tỏ đồng tình khi cho rằng, lĩnh vực đòi nợ thuê diễn biến phức tạp, biến tướng có dấu hiệu hình thành các băng nhóm thu hồi nợ thuê hành động rất manh động và côn đồ, coi thường pháp luật.

Thời gian qua, có rất nhiều vụ thu hồi nợ thuê có hành vi đe dọa giết người, gây rối trật tự công cộng, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích... gây bức xúc cho dư luận và xã hội. Luật sư Trần Minh Hùng dẫn chứng, nhiều công ty thu hồi nợ làm thay công việc của Tòa án, cơ quan thi hành án, công an. Họ không khởi kiện ra tòa mà uy hiếp, gây áp lực cho con nợ, đe dọa, cưỡng đoạt tài sản của con nợ. Có những vụ việc chưa có bản án tòa án, chưa có văn bản cơ quan thi hành án nhưng các công ty đòi nợ thuê ngang nhiên xuống tận nhà chủ nợ ép trả tiền, ép trả tài sản, ép ký giấy vay... làm hoang mang cho con nợ. Khi đòi không được thì đánh đập, dùng các hành vi áp lực, khủng bố để lấy tiền bằng được.

"Việc dự thảo sửa đổi luật theo hướng cấm là có cơ sở sau khi thấy những biến tướng và hệ lụy của thu hồi nợ để lại, gây bức xúc cho dư luận và xã hội. Đây là ngành nghề đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, gây mất an ninh trật tự bởi nhiều cá nhân, công ty thu hồi nợ hành xử manh động mà nhiều cơ quan công an cũng rất khó khăn để xử lý hay cấm ở địa phương", luật sư Trần Minh Hùng nói.

Phân tích theo hướng khác, luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, nếu có thể thông qua quy định để cấm kinh doanh đòi nợ là điều tốt. Tuy nhiên, biện pháp này cũng không giải quyết được căn nguyên vấn đề đòi nợ thuê cho vay nặng lãi và nhu cầu của người dân hiện nay.

“Nhiều tỉnh thành đang kiến nghị cấm ngành nghề dịch vụ đòi nợ thuê sau thời gian hoạt động đã có nhiều biến tướng, phức tạp về an ninh trật tự của hoạt động này đối với một số công ty gây nhức nhối xã hội. Nhưng khi cấm cấp phép hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê thì vẫn còn hoạt động mua bán nợ, tuy nhiên cũng là ngành đăng ký có điều kiện. Vì thế, việc cấm hoạt động công ty đòi nợ thuê thật ra không có hiệu quả như mong đợi và giải quyết được nhu cầu của người dân”, luật sư Nguyễn Văn Quynh bình luận.

Chuyên gia pháp lý còn chỉ ra, xử lý vấn đề đòi nợ thuê phải bằng nỗ lực cải cách lĩnh vực tư pháp trong giải quyết việc kiện dân sự cũng như xử lý hình sự phải kịp thời, khách quan, công bằng. Còn luật sư Trần Đinh Minh Long, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, hoạt động kinh doanh thu hồi nợ đã được đưa vào luật với những quy định khá rõ ràng về thời gian, địa điểm và các hình thức được phép sử dụng khi tiến hành thu nợ, để tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của người đi vay.

Khi đòi nợ dễ hơn kiện tụng Theo số liệu từ phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉ lệ thành công khi dùng dịch vụ thu hồi nợ hợp pháp đạt 70 - 80% và thời gian chỉ từ 60 - 90 ngày. Trong khi, nếu sử dụng phương án khởi kiện tại tòa thì hiệu quả thu hồi chỉ khoảng 50% và thời gian kéo dài tới 400 ngày.
Cũng theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến hết quý 1/2019, toàn địa phương hiện có 67 công ty đòi nợ thuê nhưng chỉ 45 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động. Trong đó có 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố nước ngoài, tổng số người làm nghề này là 711 người (706 người trong nước, 5 người nước ngoài). Tổng số vốn điều lệ của các doanh nghiệp kinh doanh đòi nợ là hơn 111 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp có vốn điều lệ cao nhất là 10 tỷ đồng, thấp nhất 2 tỷ đồng. Tổng số nợ nhận ủy quyền đòi nợ là hơn 362.370 tỷ đồng và đã đòi được hơn 2.035 tỷ đồng. Tuy tổng số tiền đòi nợ rất lớn nhưng tổng số lãi trong kỳ theo báo cáo chỉ đạt hơn 2,58 tỷ đồng, tổng số lỗ hơn 3 tỷ đồng. Doanh nghiệp lãi cao nhất đạt hơn 957 triệu đồng, doanh nghiệp lỗ thấp nhất hơn 15 triệu đồng

Hà Nhân 

Bài đăng trên báo giấy Đời sống& Pháp luật tháng số 37

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cam-kinh-doanh-doi-no-thue-co-chan-duoc-bien-tuong-bang-nhom-ban-tay-quyen-luc-den-a292750.html