"Chơi gameshow" để giảm tiền điện


Chủ nhật, 12/07/2020 | 02:44


Cùng sự kiện

Không chỉ “ném tiền qua cửa sổ”, khách hàng còn đối diện nguy cơ bị phạt vì gian lận tiêu thụ điện.

Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, những thiết bị được giới thiệu sử dụng đơn giản như chỉ cần cắm vào ổ điện là có thể giúp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ trong gia đình vẫn được giao dịch sôi động trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử. Không chỉ “ném tiền qua cửa sổ”, khách hàng còn đối diện nguy cơ bị phạt vì gian lận tiêu thụ điện.

Sự thật bất ngờ

Vào mùa cao điểm nắng nóng, cộng thêm giá điện tăng, nhiều người tiêu dùng đang tìm mua loại thiết bị tiết kiệm điện. Đáp ứng nhu cầu, nhiều thiết bị đang được bày bán rộng rãi với cam kết sẽ giảm số điện năng tiêu thụ.

Tràn lan các thiết bị siêu tiết kiệm điện năng được bán trên thị trường.

Tìm hiểu thực tế, PV tạp chí ĐS&PL đã tiếp cận với vài người bán thiết bị tiết kiệm điện để hỏi rõ thêm. Qua mạng xã hội, một thanh niên tên Giang sống tại quận 5 (TP.HCM) cho biết, đang bán bộ tiết kiệm điện năng cho hộ gia đình với giá 270.000 đồng.

Người này tư vấn rằng, bên trong thiết bị có tụ bù để làm ổn định dòng điện, giúp các vật dụng trong nhà có độ bền cao hơn, còn có thể tiết kiệm tiền điện từ 8 - 12%. Thiết bị tiết kiệm điện lắp vào gia đình giúp cho dòng điện trong nhà vận hành ổn định hơn. Từ đó, tối ưu được công suất tiêu thụ của các thiết bị điện và đưa nó tiến gần về công suất của nhà sản xuất, giúp tăng tuổi thọ của các thiết bị điện trong nhà và tiết kiệm được phần nhỏ điện năng.

Nguyên lý của thiết bị được mô tả là chủ yếu tiết kiệm lúc đề-pa, như tủ lạnh không phải lúc nào cũng bung hơi lạnh mà chỉ theo định kỳ khi nhiệt độ tăng. Khi hơi lạnh bung, máy nén hoạt động mạnh, nếu dùng thiết bị sẽ tiết kiệm được một phần điện năng tiêu thụ.

Để nhấn mạnh lời tiếp thị, Giang còn quả quyết: “Sản phẩm của mình đã thử trên nhiều hộ gia đình. Chẳng hạn như bình đun nước siêu tốc được nhà sản xuất ghi thông tin là 1.800W nhưng thực tế sẽ tiêu hao hơn 2.000W. Thiết bị tiết kiệm điện này sẽ giảm phần hao hụt phát sinh trong quá trình sử dụng đồ điện”.

Thậm chí, người này còn đưa ra đề nghị như... “chơi gameshow”. Nghĩa là khi khách hàng mua thiết bị tiết kiệm điện, Giang cung cấp đồ điện (như quạt điện) cho khách hàng xài miễn phí. Sau 3 tháng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, nếu số điện trung bình giảm xuống, Giang sẽ quay lại lấy tiền đồ điện và phí dịch vụ. Nếu không, khách cứ giữ lại những món đồ điện này.

Ví dụ như với một hộ gia đình thường xài 500 kWh/tháng, Giang cho biết sẽ cần xài 2 thiết bị tiết kiệm để giảm số điện còn khoảng 400 – 450 kWh.“Nếu nhà xài từ 250 kWh/tháng đổ lại, dù xài 1 hay 10 cái cũng vậy. Còn trên 600kWh/tháng nên xài 3 thiết bị mới đạt hiệu quả. Vị trí để cắm thiết bị là bất kỳ ổ điện nào trong nhà, chỉ cần sau công tơ điện. Nếu muốn hiệu quả hơn, nên cắm vào ổ nào sử dụng nhiều đồ điện”, Giang nói.

Ngoài công dụng tiết kiệm điện, người bán hàng còn nói về việc giúp đồ điện tăng độ bền, từ 2 năm lên gần 3 năm. Nhưng khi khách hàng hỏi cách để xác nhận điều này, Giang đáp rằng “có thể đo độ nóng tại cục điện trở, khi dùng nhiệt độ giảm mạnh”. Thế nhưng, thiết bị để đo đạc sự biến động này tìm mua ở đâu thì Giang cũng không biết.

Còn trang “Thiết Bị Tiết Kiệm Điện - Electricity saving box” chỉ bán online một thiết bị với giá 350.000 đồng (giá cũ là 590.000 đồng), không có cửa hàng để khách đến xem trực tiếp. Các bài viết trên trang này đưa thông tin ưu điểm của thiết bị là “nhỏ gọn, rất dễ sử dụng, chỉ cần cắm vào ổ điện trong nhà là xong”. Sau đó, thiết bị sẽ giúp “tiết kiệm 20 - 30% chi phí tiền điện hằng tháng, tối ưu hóa chất lượng nguồn điện”.

Tất cả nơi bán thiết bị tiết kiệm điện đều giao dịch qua online, không có địa chỉ cụ thể để khách hàng tìm hiểu trực tiếp.

Hàng tỷ đồng truy thu gian lận

Trước tình trạng rao bán, tìm mua thiết bị tiết kiệm điện ngày càng nhiều, PV có trao đổi với ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVN TP.HCM - khẳng định: “Những quảng cáo thiết bị tiết kiệm điện, thẻ tiết kiệm điện chỉ là chiêu trò lừa đảo khách hàng, lợi dụng tâm lý muốn tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng. Vì vậy, khách hàng sử dụng điện không nên mua và không sử dụng các thiết bị trên, do các thiết bị này không được các cơ quan quản lý Nhà nước hoặc đơn vị chuyên ngành về tiết kiệm năng lượng có uy tín chứng nhận”.

“Về cơ bản, năng lượng điện bao gồm điện năng hữu công và điện năng vô công. Trong đó, điện năng hữu công sẽ được các thiết bị điện sử dụng và được công tơ đo đếm để tính hóa đơn cho khách hàng. Các thiết bị được quảng cáo là tiết kiệm điện đấu vào mạch điện phía sau công tơ chỉ có thể cải thiện một phần hệ số công suất của thiết bị điện, làm giảm tổn thất điện năng của dây dẫn và giảm một phần rất nhỏ hao phí. Tuy nhiên, không thể có thiết bị nào đấu nối sau công tơ làm giảm tới 30 - 40% lượng điện năng tiêu thụ như quảng cáo”, ông Kiên diễn giải.

Trong thời gian qua, EVN TP.HCM chưa phát hiện các thiết bị tiết kiệm điện nào khách hàng tự ý lắp đặt, làm ảnh hưởng đến chỉ số công tơ mà chỉ phát hiện khách hàng dùng các thiết bị trộm cắp điện, làm cho công tơ không đo đếm đủ lượng điện năng tiêu thụ. Ví dụ như thiết bị máy tạo dòng mục đích là tạo ra dòng điện đối kháng với dòng điện của khách hàng sử dụng, dùng cục nam châm vĩnh cửu tác động vào cơ cấu đo của công tơ, dùng que, vật nhọn tác động vào cơ cấu đếm (bộ số, bánh răng, đĩa quay)...

Vị Phó Tổng giám đốc cũng cho biết, trường hợp khách hàng dùng loại thiết bị có tác dụng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện, làm cho công tơ điện chạy chậm lại, thì hành vi này được coi là vi phạm sử dụng điện do trộm cắp điện.

Nếu bị phát hiện, khách hàng sẽ bị lập biên bản kiểm tra sử dụng điện, bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Các biện pháp tiếp theo là buộc khách hàng bồi thường thiệt hại do hành vi trộm cắp điện. Khi hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, hồ sơ và các tang vật, phương tiện vi phạm được chuyển tới cơ quan điều tra để xử lý. Đối với hành vi trộm cắp điện, trong năm 2019, EVN TP.HCM đã thực hiện truy thu gần 11 tỷ đồng và trong 6 tháng đầu năm 2020 là gần 3,5 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp tiết kiệm điện đúng đắn, thông minh

Đại diện công ty CP Bóng đèn Điện Quang, ông Lê Xuân Nghiêm - Giám đốc Kỹ thuật khoa học công nghệ - chia sẻ một số giải pháp tiết kiệm điện trong gia đình như: Sử dụng đèn Led tiết kiệm điện, không nên để thiết bị điện ở trạng thái chờ, sử dụng các thiết bị có nhãn xác nhận là sản phẩm tiết kiệm điện,...

HÀ NHÂN

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Năm (110)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/choi-gameshow-de-giam-tien-dien-a330446.html