Chủ nhà đồng loạt giảm giá mạnh, thị trường cho thuê vẫn diễn ra ảm đạm


Thứ 3, 29/09/2020 | 02:11


Nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá thuê lên tới 40%, song thị trường cho thuê nhà vẫn diễn ra tương đối ảm đạm.



Nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá lên tới 40%, song thị trường cho thuê vẫn diễn ra ế ẩm.

Dạo quanh các con phố lớn như: phố Huế, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Lãn Ông,… không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh nhiều cửa hàng mặt phố phải đóng cửa vì không có người thuê. Phần lớn những cửa hàng đang đóng cửa này trước kia đều kinh doanh thời trang, quán ăn, làm đẹp,…

Nếu như trước kia, những khu vực ở trung tâm thành phố thường có giá cho thuê cao “ngất ngưởng” thì ở thời điểm hiện tại giá cho thuê lại có sự lao dốc không phanh và hầu hết người cho thuê đều đang ở trong tình trạng “mỏi mắt” tìm khách thuê.

Nhiều cửa hàng phải đóng cửa, trả lại mặt bằng.

Theo khảo sát, từ khoảng đầu tháng 5 trở lại đây, thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh trên địa bàn Thủ đô diễn ra khá ảm đạm, dù cho giá thuê liên tục được giảm sâu. Đặc biệt là khi dịch covid-19 thứ 2 trở lại, nhiều chủ nhà có mặt bằng cho thuê đã giảm giá lên tới 40%. Tuy vậy, lượng khách đến thuê vẫn còn khá ít ỏi.

Theo chia sẻ của một số chủ nhà, dù đã giảm giá thuê, song lượng khách đến thuê vẫn còn khá thưa thớt. Bởi, đây là giai đoạn rất nhạy cảm, không ai muốn mạo hiểm để mở các cửa hàng kinh doanh. Chưa kể, do làm ăn thua lỗ, một số người thuê lâu năm còn yêu cầu trả lại mặt bằng. 

Cô Hồng Ngọc, chủ của một cửa hàng cho thuê tại phố Hàng Ngang giãi bày: “Tính tới thời điểm hiện tại, cửa hàng mà cô cho thuê đã để trống được hơn 3 tháng. Mặc dù đã treo biển cho thuê và giảm giá 30% nhưng lượng khách hỏi thuê mặt bằng vẫn còn rất ít”.

“Cửa hàng nhà cô mặt tiền rộng 7m lại ở phố lớn nên trước kia không có chuyện để trống. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát, việc tìm kiếm người thuê trở nên rất khó khăn” – cô Hồng Ngọc cho biết thêm.

"Đất vàng" mỏi mắt tìm khách thuê.

Điều đáng nói, cô Hồng Ngọc không phải là người duy nhất đang rơi vào tình trạng có mặt bằng mà không tìm được khách thuê. Thực tế cho thấy, trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển “cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng” đang diễn ra khá nhiều.

Theo tìm hiểu, có rất nhiều lý do khiến cho thị trường cho thuê mặt bằng kinh doanh “ế ẩm”, ví dụ như: sức mua sụt giảm, kinh doanh không có lãi. Cùng với đó, sự thay đổi về thói quen tiêu dùng của người dân cũng là một trong những tác nhân không nhỏ khiến cho nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh bị giảm mạnh.

So với những người cho thuê mặt bằng kinh doanh thì tình trạng của những người cho thuê trọ cũng không khá khẩm hơn là mấy. Theo chia sẻ của anh Quý – một người có nhà cho thuê tại Mỹ Đình: “Hiện nay anh đang có một căn nhà 6 tầng cho thuê. Trước khi dịch bùng phát, nhà anh hiếm khi có phòng bỏ trống. Tuy nhiên, kể từ khi bùng dịch, một số khách thuê đã trả phòng để về quê”.

Khi được hỏi về mức giá thuê phòng hiện tại, anh Quý chia sẻ thêm: “Trước kia, giá phòng bên anh dao động từ khoảng 3.5 - 5 triệu, nhưng do tác động của dịch, mức giá đã được điều chỉnh thấp hơn từ 1 đến 1,5 triệu”.

Nhà trọ, chung cư mini vắng bóng người thuê.

Nhận định về tình hình cho thuê bất động sản hiện tại, anh Nguyễn Phạm Công Đức - chuyên gia bất động sản cho biết: “Thị trường cho thuê hiện tại đang rơi vào tình trạng đóng băng. Ảm đạm nhất là phân khúc văn phòng hạng A, B và chung cư cao cấp, đặc biệt là lĩnh vực lưu trú ngắn hạn đang “chết lâm sàng” với hàng loạt các khách sạn 4 sao, 5 sao. Phân khúc dưới 3 sao và nhà nghỉ hoạt động cầm chừng với tỷ lệ lấp đầy dưới 30%. Đứng trước bức tranh u ám của thị trường cho thuê hiện nay, anh Nguyễn Phạm Công Đức nhận định, tình hình trên sẽ kéo dài ít nhất trong 9 tháng tới mới có thể phục hồi.

Đứng trên phương diện của một người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, anh Nguyễn Phạm Công Đức chia sẻ: “Để có thể cải thiện tình hình này, người cho thuê có thể áp dụng một số phương án như: đóng cửa toàn bộ, dừng mọi hoạt động, không bỏ thêm bất kỳ chi phí duy trì nào nữa để đảm bảo dòng vốn; hoạt động cầm chừng và duy trì lượng nhân viên tối thiểu; chuyển nhượng lại, lấy vốn gửi ngân hàng hoặc “săn” những bất động sản giá rẻ; chia nhỏ diện tích để dễ cho thuê, hạ giá cho thuê hoặc cho 1 đơn vị thuê lại với giá rẻ nhưng hợp đồng từ 12 tháng trở xuống".

Trần Yến 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chu-nha-dong-loat-giam-gia-manh-thi-truong-cho-thue-van-dien-ra-am-dam-a340607.html