Đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau – Bài 1: Chênh lệch cả chục tỷ đồng


Thứ 4, 05/05/2021 | 08:58


Cùng một chủng loại, model, hãng sản xuất và xuất xứ, nhưng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) lại chỉ mua với giá hơn 15,3 tỷ đồng.

Theo quyết định lựa chọn nhà thầu cho Gói thầu số 8: Cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt” của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú, với giá 30,6 tỷ đồng. Thế nhưng, cùng một chủng loại, model, hãng sản xuất và xuất xứ, nhưng Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) lại chỉ mua với giá hơn 15,3 tỷ đồng. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không tình trạng gian lận trong quá  trình đấu thầu?

 Chênh lệch “khủng

Theo tìm hiểu của PV Đời sống & Pháp luật, ngày 03/8/2020, ông Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho “Gói thầu số 8: Cung cấp, lắp đặt hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt”, thuộc dự án Đầu tư hệ thống chụp cắt lớp vi tính cho Bệnh viên đa khoa Cà Mau. Đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú, với giá 30.600.000.000 đồng (30,6 tỷ đồng).

Quyết định số 638/QĐ-BVKĐ ngày 03/8/2020

Việc lựa chọn nhà thầu là do Bệnh viện Đa khoa Cà Mau dựa vào tờ trình 288 ngày 28/7/2020 của Công ty CP Tư vấn đầu tư Nam Sài Gòn, về việc đối chiếu tài liệu E-HSDTm thương thảo hợp đồng, thẩm định và phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Ngoài ra, bệnh viện này cũng dựa vào báo cáo thẩm định số 32/CT-HM ngày 3/8/2020 của Công ty CP Xây dựng Hoàng Mai về việc báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu trên của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Được biết, Công ty Hoàng Mai có trụ sở phường 5, TP Cà Mau - có chức năng xây dựng dân dụng.

Đi sâu vào tìm hiểu Gói thầu số 8 có thể thấy, “Hệ thống chụp cắt lớp vi tính 128 lát cắt”, Model: SOMATOM Definition Edge (1059000), hãng sản xuất: Siemens Healthcare GmbH, xuất xứ: Đức có giá 30.600.000.000 đồng. Hệ thống này được lắp đặt với kỳ vọng đáp ứng được tất cả các nhu cầu chụp cắt lớp vi tính cơ bản và phức tạp, cho phép các bác sĩ nhìn rõ các bộ phận (xương, mạch máu, phần mềm của cơ thể…), nhờ đó có thể tìm ra các dấu hiệu của bệnh lý ung thư, chấn thương, nhiễm trùng của cơ quan cần thăm khám. Giá dự thầu lúc đầu là 31.500.000.000 đồng, trong khi đó giá trúng thầu là 30.600.000.000 đồng (tỷ lệ tiết kiệm chỉ 1%).

Tuy nhiên, theo tài liệu mà PV thu thập được, mức giá trúng thầu tại gói thầu của Bệnh viện Đa khoa Cà Mau vẫn cao hơn nhiều, so với mặt bằng chung của các đơn vị khác. Đơn cử, như tại gói thầu của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình). Theo Quyết định số 3940/QĐ-BV ngày 31/12/2020 do ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện này ký phê duyệt cho Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Khoảng sản trúng gói thầu Cung cấp hệ thống CT-Scanner 128 lát cắt, với cùng chủng loại, hãng sản xuất, xuất xứ và cùng model, nhưng giá chỉ 19.124.000.000 đồng  (hơn 19,1 tỷ đồng).

Quyết định số 3940/QĐ-BV

Một ví dụ khác, tại gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế - hệ thống CT Scanner 128 lát cắt của Bệnh viện Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh. Giá dự toán ban đầu là 23.800.000.000 đồng. Công ty CP Đầu tư tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo đã trúng thầu  với giá chỉ 19.135.000.000 đồng.

Trước đó, năm 2019, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.Hồ Chí Minh) chọn Công ty TNHH Dược phẩm trang thiết bị y tế T.D thực hiện Gói thầu Đầu tư hệ thống máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner 128 lát cắt) với giá chỉ 15.350.000.000 đồng (hơn 15,3 tỷ đồng), giá dự thầu là 21.970.000.000 đồng.

Hình ảnh thống chụp CT 128 lát cắt

Để rộng đường dư luận, ngày 12/4, PV Đời sống & Pháp luật đã đặt lịch làm việc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau với một số nội dung như: Cơ sở xây dựng giá dự toán, các báo giá mà đơn vị tư vấn đã thu thập để làm cơ sở xây dựng dự toán gói thầu; Báo cáo tài chính các năm 2018, 2019 và 2020 trong hồ sơ dự thầu của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú; Giấy chứng nhận của hãng sản xuất, nhà sản xuất hoặc đại lý được ủy quyền, nhà phân phối cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ đơn vị này.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Văn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, lý giải, máy chụp CT có nhiều dòng máy. Máy của bệnh viện mua đã được thông qua tất cả các quy trình thẩm định của tỉnh và có tham khảo Bộ Y tế về cấu hình. 

Đâu là giá trị thực?

Trao đổi với PV, đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Hợp Phú cho rằng, việc chênh lệch về giá ở các địa phương khác nhau là do gói bảo hành. Tuy nhiên, theo kết quả mà PV đã tiến hành khảo sát trên thị trường, cũng rất khó có chuyện chênh lệch giá lên tới gần chục tỷ đồng.

Cụ thể, thông thường giá của hệ thống này trên thị trường dao động từ 200.000 – 500.000 USD (4 – 11 tỷ đồng). Một số hệ thống xuất xứ từ Châu Âu sẽ dao động từ 172.000 – 497.000 Bảng Anh (5-16 tỷ đồng). Hay như ở Đức, giá của hệ thống CT-128 lát cắt sẽ dao động trong khoảng 200.000 USD (khoảng 4,5 tỷ đồng).

Được biết, tại thị trường Đức, giá cả của hệ thống này sẽ có sự khác nhau về thương hiệu như GE, Siemens và Philips. Hệ thống CT-128 lát cắt của GE ở Đức được đánh giá là đắt nhất. Trong khi đó, Siemens cung cấp hệ thống rẻ nhất nhưng cũng đi kèm với việc sửa chữa khá tốn kém.

Giá thành của hệ thống CT 128 SIEMENS SOMATOM DEFINITION của Đức chỉ dao động 200.000 USD – tương đương với 4,6 tỷ VNĐ

Theo Luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng), căn cứ Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, thì hệ thống máy CT-128 là Thiết bị chụp cắt lớp điều khiển bằng máy tính (mang mã hàng 9022.12.00 theo Thông tư số 30/2015/TT-BYT ngày 12/10/2015 của Bộ Y tế) có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Do đó, khi nhập khẩu hệ thống này về Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ bị tính thuế giá trị gia tăng theo Luật thuế GTGT 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2013.

Như vậy, kể cả khi nhập khẩu về Việt Nam, mức giá cũng khó có thể lên tới 30 tỷ đồng (kể cả chi phí vận chuyển về Việt Nam, lắp đặt và gói bảo hành).

Giá hệ thống CT – 128 quốc tế

Rõ ràng, cùng một chủng loại, hãng sản xuất và xuất xứ nhưng mỗi nơi một giá, với mức chênh lệch lên tới cả chục tỷ đồng. Điều này khiến dư luận không khỏi hoài nghi về việc có hay không tình trạng gian lận trong quá trình đấu thầu? 

 Đời sống & Pháp luật sẽ tiếp tục đưa tin.

Anh Hùng – Dương Nguyễn

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-thau-tai-benh-vien-da-khoa-ca-mau-bai-1-chenh-lech-ca-chuc-ty-dong-a364683.html