“Di sản” PVC của Trịnh Xuân Thanh: Tìm ánh sáng cuối đường hầm


Chủ nhật, 05/07/2020 | 04:33


Kể từ ngày Trịnh Xuân Thanh nắm quyền Chủ tịch HĐQT, PVC phải gánh khoản lỗ lũy kế 3.900 tỷ đồng, dự án trọng điểm Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn loay hoay chờ "giải cứu".

Cho tới cuối năm 2019, sau gần một thập kỷ kể từ ngày Trịnh Xuân Thanh nắm quyền Chủ tịch HĐQT, PVC đang phải gánh khoản lỗ lũy kế 3.900 tỷ đồng, dự án trọng điểm Nhiệt điện Thái Bình 2 vẫn loay hoay chờ "giải cứu".

Khoản lỗ quật ngã PVC

Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con từ năm 2007. Quy mô của PVC đã tăng đột biến khi được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn bằng tiền mặt và cổ phần của Tập đoàn tại các công ty thành viên để tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng với mục tiêu đưa PVC thành đơn vị đảm nhiệm toàn bộ công việc thi công xây lắp các công trình dầu khí trên bờ.

Theo đúng kỳ vọng và sự trợ lực từ tập đoàn mẹ, PVC đã được đảm nhiệm nhiều dự án có quy mô hàng nghìn đến hàng chục nghìn tỷ đồng như: Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Vũng Áng, Ethanol Phú Thọ, Lọc dầu Nghi Sơn... Trong vài năm sau đó, PVC nhanh chóng trở thành một trong những tổng công ty mạnh của PVN.

Tuy nhiên, "cú ngã" từ bất động sản đã khiến PVC bắt đầu rơi vào vũng lầy thua lỗ và khủng hoảng nhất trong thời kỳ Trịnh Xuân Thanh nắm quyền Chủ tịch.

Năm 2011, PVC lỗ hơn 19 tỷ đồng; năm 2012 lỗ lũy kế tăng đột biến lên gần 1.400 tỷ đồng và đạt mức lỗ lũy kế tới 3.200 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

Sau một thập kỷ từ khi khoản lỗ đầu tiên lộ diện, PVC vẫn chưa thể gượng dậy do những hệ quả của việc đầu tư ngoài ngành tràn lan, lún sâu vào bất động sản, những lỗ hổng quản trị yếu kém từ Chủ tịch tổng công ty đến các đơn vị thành viên...

Nhiều năm trở lại đây, các báo cáo của lãnh đạo PVC thời "hậu Trịnh Xuân Thanh" luôn nhuốm một màu u ám, ảm đạm. Góp mặt trong đại hội đồng cổ đông thường niên là những gương mặt quen thuộc (hiện PVN vẫn nắm giữ hơn 54% vốn tại PVC), họ đã quen với những bản báo cáo dài cả chục trang giấy, với giọng đọc đều đều mà không hề có một tín hiệu lạc quan nào.

Ví dụ như: "Năm 2019 là một năm đầy thách thức trong việc thực hiện kế hoạch SXKD của PVC, các đơn vị thành viên, khi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn do lỗ lũy kế từ giai đoạn trước để lại, hạn chế về nguồn việc làm cũng như nguồn lực tài chính, con người";

"Công tác tìm kiếm nguồn việc mới gặp rất nhiều khó khăn, hợp đồng ký mới không nhiều, giá trị nhỏ. Công ty mẹ và các đơn vị chủ yếu thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp từ các năm trước nhưng giá trị còn lại rất thấp. Đặc biệt là khả năng tự tìm kiếm nguồn việc mới của các đơn vị còn yếu";

"Năm 2019, hầu hết các đơn vị trực thuộc PVC đều không hoàn thành kế hoạch SXKD đã đề ra. Chỉ có PVC- Petroland có kết quả SXKD lãi hơn 700 triệu đồng, các đơn vị còn lại đều thua lỗ đã ảnh hưởng xấu tới kết quả SXKD hợp nhất toàn Tổng công ty".

Điệp khúc thua lỗ gần chục năm khiến PVC đang phải gánh chịu khoản lỗ lũy kế hợp nhất toàn tổng công ty gần 3.900 tỷ đồng, đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính vì hàng chục lý do. Cổ phiếu PVX của PVC cũng "vinh dự" bị hủy niêm yết bắt buộc trên sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, và được giao dịch duy nhất một phiên trong tuần với mức giá không thể thấp hơn: Quanh mức 1.000 đồng/CP.

Được PVN "bơm máu", dự án có hồi sinh?

Chia sẻ với PV tạp chí Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Tổng giám đốc PVC cho biết, mới đây, “nút thắt” lớn nhất của PVC là dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 cuối cùng cũng được tháo gỡ.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên vừa diễn ra hồi hạ tuần tháng Sáu, ông Đồng báo cáo tiến độ tổng thể của dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đến thời điểm 31/12/2019 đã đạt tới 84,47%. PVC đã đàm phán để thống nhất việc gia hạn bảo lãnh thực hiện Hợp đồng thiết bị chính đến năm 2020 với điều kiện giảm tỉ lệ giữ lại từ 5% xuống 3% và giảm giá trị dịch vụ quản lý chạy thử CMS.

Hồi tháng 4/2020, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có văn bản chính thức cho phép tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu trên cơ sở đảm bảo đúng mục đích, đạt hiệu quả theo quy định của pháp luật để đưa dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 vào vận hành.

Quyết định về cơ chế tài chính cho dự án này được thông qua trên cơ sở thông báo kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc xử lý vướng mắc của dự án vào cuối tháng 2/2020.

Dự án đã gần cán đích, tuy nhiên với tình hình tài chính đã cạn kiệt của PVC thì "lực bất tòng tâm", chủ trương cho tập đoàn PVN được dùng vốn chủ sở hữu để đưa dự án nghìn tỷ vào vận hành là quyết định đóng vai trò tiên quyết, như một phương pháp "bơm máu" giúp hồi sinh một dự án trọng điểm quốc gia đang bên bờ phá sản.

Tuy nhiên, việc cho phép PVN dùng vốn chủ sở hữu cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục hoàn thiện mới chỉ là điều kiện cần. Còn sử dụng như thế nào, phương thức giải ngân ra sao, các biện pháp tháo gỡ về cơ chế tài chính cho PVC có tiền thanh toán cho tổng thầu thì vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

TS. Trần Đình Thiên - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, việc ban hành cơ chế “giải cứu” này là đúng lúc và quan trọng để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn, mặc dù quy định vốn chủ sở hữu không vượt quá 30% tổng mức đầu tư dự án là để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư công, nhưng có những trường hợp đặc biệt do tình thế đặc biệt nên quy trình cần linh hoạt.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hoàn thành tiến độ tổng thể gần 85%.

"Trong trường hợp dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, việc chấp thuận cho PVN dùng vốn chủ sở hữu để "giải cứu" dự án sẽ tránh cho ngân sách thất thoát hơn 32.000 tỷ đồng đã giải ngân. Tuy nhiên, cùng với việc cởi bỏ “nút thắt” lớn nhất này thì PVN cũng phải làm rõ cả cơ chế giải trình, chịu trách nhiệm cá nhân để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, minh bạch và hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, hiệu quả dự án, công tác nghiệm thu thanh toán để dự án triển khai đúng tiến độ và tuân thủ các quy định của pháp luật", ông Thiên nhấn mạnh.

Theo tính toán của bộ Công Thương, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đi vào vận hành chính thức sẽ bổ sung cho hệ thống điện quốc gia thêm 7 tỷ kWh/năm. Ngược lại, nếu không kịp vận hành từ năm 2020, hệ thống sẽ phải tốn khoảng 35.000 tỷ đồng/năm để chạy dầu bù sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu điện cho nền kinh tế - xã hội.

Hiểu Minh

Bài viết đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (104)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-san-pvc-cua-trinh-xuan-thanh-tim-anh-sang-cuoi-duong-ham-a329628.html