“Điểm mặt” một số dự án BT, BOT nghìn tỷ của doanh nghiệp Phương Anh


Thứ 2, 15/07/2019 | 11:50


Công ty Phương Anh được biết đến nhiều thông qua các dự án BT, BOT ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, trong đó có không ít các dự án nghìn tỷ.

Là doanh nghiệp ở tỉnh Điện Biên, song Công ty Phương Anh được biết đến nhiều thông qua các dự án BT, BOT ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, trong đó có không ít các dự án nghìn tỷ.

Tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân Phương Anh, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh được thành lập cuối năm 2009, có địa chỉ tại phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình đường sắt và đường bộ.

Theo giấy đăng ký kinh doanh mới nhất, Phương Anh có vốn điều lệ 2.267 tỷ đồng, gấp 4 lần so với thời điểm mới thành lập.

Chủ sở hữu của Phương Anh gồm bà Hoàng Thị Phương nắm giữ 63,1% vốn điều lệ, bà Ngô Thị Phương Lan sở hữu 23,67% và bà Trần Thị Linh sở hữu 13,23% còn lại.

Mặc dù khá kín tiếng nhưng Phương Anh vẫn được biết đến cái tên gắn liền với nhiều dự án hạ tầng “khủng” được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án đường bộ nối tỉnh Thái Bình - Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ  - Ninh Bình là một trong số các dự án giao thông nghìn tỷ của Phương Anh. Ảnh: Nhà đầu tư

Đầu tiên có thể kể đến dự án mới nhất của Công ty là Dự án Đầu tư xây dựng công trình tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng. Toàn tuyến có tổng chiều dài 35,5 km, đấu nối với đường đầu cầu vượt sông Hồng tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trong phạm vi Dự án còn hạng mục xây dựng cầu vượt sông Hồng dài khoảng 2,195 km đấu nối vào tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.

Thời gian thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021. Cơ chế thực hiện dự án là nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí để thu tiền sử dụng đường bộ hoàn vốn đối với phần vốn của nhà đầu tư đã đầu tư xây dựng dự án. Thời gian dự kiến thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án là 23 năm 3 tháng (từ năm 2022 đến năm 2045).

Trung tuần tháng 9/2018, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Bà Chiêm và đoạn từ Hoàng Diệu đến Nguyễn Văn Linh theo hình thức đối tác công tư - PPP như đề xuất của Sở Giao thông vận tải Thành phố.

Theo đó, Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh đề xuất đầu tư đoạn từ nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm theo hình thức xây dựng chuyển giao (BT), thanh toán bằng quỹ đất khoảng 1.200 ha trong Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Như đề xuất, tổng mức đầu tư đoạn Nguyễn Văn Linh - cầu Bà Chiêm dài 7,5km, rộng 29,5m với 6 làn xe, có tổng mức đầu tư 8.470 tỷ đồng bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng.

Năm 2016, Phương Anh được giao thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ nối 2 tỉnh Thái Bình, Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài trên 26 km và tuyến đường nhánh Đền Trần. Quy mô vốn đầu tư gần 4.300 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp là 2.500 tỷ đồng.

Đây là dự án đầu tư theo hình thức BT do Liên danh Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phương Anh - Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bắc Nam đề xuất. Dự án này từng bị Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư vạch ra sai phạm. Cụ thể, Dự án bị đội vốn hơn 1.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp tăng không đúng gần 600 tỷ đồng.

Hồi năm 2015, Liên danh Phương Anh - Công ty TNHH Xây dựng Vương Quốc Anh - Công ty TNHH Môi trường và Xây dựng Thái Sơn được chỉ định làm nhà đầu tư Dự án Nâng cấp tuyến đường bộ nối hai tỉnh Phú Yên - Gia Lai, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Yên. Dự án có tổng mức đầu tư 4.662 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Trong đó, Phương Anh là đại diện Liên danh.

Dự án được khởi công năm 2015 nhưng phải đến tháng 9/2018 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2016 - 2020.

Bên cạnh đó, Phương Anh cũng từng thực hiện Gói thầu số 12 Xây lắp công trình giai đoạn 1, thuộc Dự án Đường tỉnh 208, từ thị trấn Đông Khê (huyện Thạch An) - xã Cách Linh, Triệu Ẩu (huyện Phục Hòa) - xã An Lạc, thị trấn Thanh Nhật, xã Đức Quang (huyện Hạ Lang) - xã Chí Viễn (huyện Trùng Khánh), tỉnh Cao Bằng. Giá trúng thầu là 672,1 tỷ đồng.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-mat-mot-so-du-an-bt-bot-nghin-ty-cua-doanh-nghiep-phuong-anh-a284346.html