Doanh nghiệp vận tải mất niềm tin vì không công bằng?


Chủ nhật, 02/07/2017 | 01:00


Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh cho rằng việc chống quá tải để bảo vệ cầu đường khỏi xuống cấp, nhưng quá trình quản lý và kiểm tra còn yếu...

Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.Hồ Chí Minh cho rằng việc chống quá tải để bảo vệ cầu đường khỏi xuống cấp, nhưng quá trình quản lý và kiểm tra còn yếu gây mất công bằng cho doanh nghiệp vận tải chân chính.

Ai chịu trách nhiệm về sự mất công bằng

Tình trạng chở quá tải hiện nay là vấn đề nhức nhối của ngành giao thông vận tải, nhất là tại các cảng, bến thủy nội địa. Theo Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng – ông Lê Văn Tiến, thời gian qua xảy ra tình trạng quá tải trên địa bàn TP.Hải Phòng và các tỉnh lân cận làm ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp Hải Phòng. Ông Tiến nêu thực trạng tại các cảng, bến thủy nội địa, các doanh nghiệp sử dụng các phương tiện vận tải chở hàng hóa quá tải gấp đôi, gấp ba trong khi có những con đê, con đường chỉ chịu được 12 - 13 tấn, đặc biệt rơi vào những khu vực như dốc Lời (Gia Lâm- Hà Nội), đê Kênh Vàng (Bắc Ninh).

Đánh giá về tình hình chống quá tải thời gian vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, tuy tình hình kiểm soát trọng tải xe thời gian qua đã có nhiều biến chuyển tích cực nhưng thực tế hiện nay tại các cảng biển, cảng sông nội địa, các kho hàng, khu CN, khu sản xuất vật liệu xây dựng... tình trạng vượt trọng tải tái diễn rất tinh vi và nếu không được kiểm soát quyết liệt sẽ ngày càng phát triển.

Ảnh minh họa.

Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết, ở cảng Sài Gòn và cảng Cát Lái, các doanh nghiệp chấp hành rất nghiêm việc chở đúng trọng tải, còn chỗ khác vẫn xếp hàng quá tải để giành thị phần, thêm vào đó việc nhiều xe chạy ra chạy vào để sang tải vừa gây tăng mật độ giao thông vừa gây bức xúc cho doanh nghiệp thực hiện chở đúng tải vì thấy chở quá tải và đúng tải cũng như nhau.

Ông Quản lấy ví dụ, việc cải tạo xe sơ mi rơ-moóc để chấp hành tải trọng trục mỗi xe mất 20 triệu đồng, với doanh nghiệp từ 10 – 20 xe phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng, con số đó không hề nhỏ, doanh nghiệp sẵn sàng chấp hành để đổi lại có hoạt động kinh doanh lành mạnh. Nhưng vẫn có những doanh nghiệp không chấp hành, chở quá tải vẫn hoạt động bình thường mà không bị xử lý, điều này gây mất niềm tin cho doanh nghiệp. Do đó, ông Quản nhấn mạnh, cần có giải pháp cụ thể và ai sẽ là người chịu trách nhiệm về sự mất công bằng của doanh nghiệp và phải xử lý cơ quan nào bỏ sót việc này để mang lại sự công bằng cho doanh nghiệp.

Đại diện hiệp hội Vận tải TP.HCM cho rằng, câu chuyện chống quá tải, cải tạo phương tiện là chính sách rất đúng đắn mà doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm. Nhà nước chống quá tải để bảo vệ cầu đường không bị xuống cấp, còn đối với doanh nghiệp muốn có sự công bằng và sự công bằng đó chưa đáp ứng được do yếu kém trong quản lý và kiểm tra vận tải.

Tăng quyền lực cho thanh tra giao thông

Trước thực trạng trên, ông Lê Văn Tiến đề nghị các cơ quan quản lý siết chặt các phương tiện vận tải đường sông, đặc biệt có hướng xử lý nghiêm, nếu các phương tiện ra vào bến thủy nội địa không đủ điều kiện phải có hướng xử lý và chế tài ngăn chặn như thu giữ phương tiện. Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã đề nghị bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành để xử lý dứt điểm tình trạng quá tải trên.

Nếu lực lượng cảnh sát giao thông không tham gia thì nên cho phép lực lượng thanh tra giao thông có thẩm quyền để xử lý tình trạng quá tải. Cùng với đó tiến hành hiện đại hóa các trạm cân và ở tất cả các trạm thu phí đều có trạm cân. Đồng thời, nên tiến hành kiểm tra ngay tại các đầu mối ga, cảng, mỏ từ lúc xếp hàng, xem làm cách gì để chở quá tải và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm về việc này.

Đồng ý kiến với ông Thanh, ông Quản cho rằng sự phối hợp giữa công an với thanh tra giao thông đã lỗi thời, “bộ Giao thông Vận tải nên kiến nghị Chính phủ tăng quyền lực cho thanh tra giao thông để làm phần việc của mình, chứ nếu cứ đùn đẩy trách nhiệm giữa hai lực lượng thanh tra và cảnh sát giao thông thì tiền của doanh nghiệp bỏ ra làm gì? Nên xem xét lại nguyên tắc phối hợp”, ông Quản nói.

Theo ông Đặng Văn Chung – Vụ phó vụ An toàn Giao thông, tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình hình xe vi phạm tải trọng trong 5 tháng đầu năm 2017 tăng 4,72% so với cùng kỳ năm 2016, qua tổng hợp số lượng xe quá tải 5 tháng đầu năm tăng chiếm 12% trên tổng số xe bị kiểm tra. Tình trạng xe chở quá tải đường dài, cơi nới kích thước thành, thùng chở hàng, nhất là khu mỏ vật liệu, công trình xây dựng, cảng sông tái diễn. Vẫn còn tình trạng một bộ phận doanh nghiệp vận tải, chủ hàng, chủ xe khi bị kiểm tra tìm mọi cách né tránh, giấu xe, thậm chí cho người theo dõi tổ kiểm tra trọng tải xe hoặc khi bị kiểm tra không chấp hành, đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở lực lượng kiểm soát.

Ông Chung cũng cho hay, kể cả một số ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, nhà đầu tư BOT, doanh nghiệp cảng, mỏ, nhà máy sản xuất thép, xi măng, doanh nghiệp vận tải mặc dù đã ký cam kết với bộ Giao thông Vận tải và UBND các tỉnh về bốc xếp, tiếp nhận phương tiện Vận tải hàng quá tải trọng quy định nhưng thực tế vẫn vi phạm. Nguyên nhân do thiếu chế tài pháp lý, xử lý các trường hợp đã ký cam kết nhưng vẫn vi phạm. Ông Chung thông tin thêm, một số dự án BOT đã lắp đặt hệ thống cân kiểm tra tải trọng xe ghép với trạm thu phí, tuy nhiên thời điểm hiện tại vẫn chưa hoạt động được.

Thiên Di

Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số tháng 26

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doanh-nghiep-van-tai-mat-niem-tin-vi-khong-cong-bang-a194936.html