Gặp “thần nông” Việt ươm mầm hạt gạo ngon nhất thế giới


Chủ nhật, 01/12/2019 | 08:13


Cùng sự kiện

Trên 20 năm nghiên cứu lai tạo giống lúa, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đã làm rạng danh quê hương Sóc Trăng.

Trên 20 năm nghiên cứu lai tạo giống lúa, Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các cộng sự đã làm rạng danh quê hương Sóc Trăng khi gạo sản xuất từ giống ST25 được công nhận là... ngon nhất thế giới.

“Mang chuông đi đánh xứ người”

Chiều 25/11, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ “Khen thưởng và tri ân nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019”.

Nhóm nghiên cứu giống lúa ST25 làm nên thương hiệu gạo ngon nhất thế giới gồm 3 nhà khoa học: Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua; Tiến sĩ Trần Tấn Phương và Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương. Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Chuyện đã trao tặng bằng khen cho các cá nhân thuộc nhóm tác giả nghiên cứu giống lúa ST25. Qua đó, ông Trần Văn Chuyện cũng đánh giá cao những đóng góp của nhóm nghiên cứu trong việc tạo ra nhiều giống lúa mang thương hiệu ST - Sóc Trăng.

Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua. Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam

Hiện tại, những sản phẩm gạo ST đã được người tiêu dùng trong nước và thế giới đánh giá cao, góp phần nâng giá trị hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế. Thay mặt nhóm nghiên cứu, anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của lãnh đạo tỉnh đối với nhóm nghiên cứu suốt 27 năm qua để tạo ra dòng lúa ST. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nỗ lực để cho ra đời nhiều giống lúa mới mang lại giá trị cao.

Kỹ sư “chân đất” Hồ Quang Cua sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông bên những đồng lúa mùa thuộc xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Ông tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt của trường đại học Cần Thơ vào năm 1978 rồi về nhận công tác tại phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Mỹ Xuyên thuộc tỉnh Sóc Trăng.

Tại đây, trải qua khoảng 15 năm học tập và công tác, ông Cua phấn đấu từ nhân viên lên Phó phòng rồi lên Trưởng phòng. Từ năm 1991, ông Cua được ưu tiên chọn để tham gia thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam cùng với nhóm nghiên cứu của viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và trường đại học Cần Thơ. Thời gian tiếp xúc với cây lúa thơm đã hun đúc trong người ông khát vọng phục hồi cây lúa thơm lúa cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương tỉnh Sóc Trăng của mình.

 Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, khi xưa vùng đất Bãi Xào (tên gọi của huyện Mỹ Xuyên cũ) thuộc tỉnh Sóc Trăng đã nổi tiếng về gạo ngon. Từ xa xưa, gạo Bãi Xào đã nổi tiếng khi xuất đi Âu Châu. Vì vậy, phát huy một di sản đã trở thành trầm tích của kẻ hậu bối được xem là nhiệm vụ của chuyên viên nông nghiệp địa phương. Đến năm 1993, ông được UBND tỉnh Sóc Trăng điều động và bổ nhiệm làm Giám đốc công ty Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Từ đó đã giúp ông có điều kiện để thực hiện khát vọng của mình và ông đã làm được điều đó. Tám năm sau đó (tức năm 2001), ông giữ chức Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, phụ trách khối Nông nghiệp và kiêm Giám đốc dự án Nâng cao Chất lượng Cây trồng Vật nuôi.

Rạng danh quê hương Sóc Trăng

Công trình lúa thơm ST của ông Hồ Quang Cua cùng các cộng sự là câu chuyện bắt đầu bằng sự tình cờ của chuyến thăm đồng vào một buổi sáng mùa đông 1996. Đang ngắm nghía những hạt lúa VD20 no tròn, bằng cặp mắt “nhà nghề”, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Lội ngay xuống ruộng, mân mê những bông lúa lạ, mắt ông sáng lên như người tìm được vật quý. Bởi “đó là những cá thể VD20 đột biến đầu tiên”. Từ đây, một công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST (Sóc Trăng) được ra đời. Thời gian đầu, công việc lai tạo không hề đơn giản vì thiếu nhiều trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ và nhất là tiêu chuẩn về giống lúa thơm của Việt Nam lúc này vẫn chưa có.

Ông Cua cho biết: “Lúc đó thiếu nhiều thứ lắm nhưng cái gì tự chế được thì mình chế, cái gì chưa có thì “mượn tạm” của người khác. Trong công tác giống, nếu thiếu các tiêu chí về giống cũng như người đi biển thiếu la bàn. Bởi vậy chúng tôi “mượn tạm” tiêu chí lúa thơm BE.2541 của Thái Lan để thực hiện”. Sau này một cộng sự của ông Hồ Quang Cua là Tiến sĩ Trần Tấn Phương phát minh ra phương pháp đánh giá mùi thơm rất nhanh chóng và hiệu quả. Thông qua tiêu chí mùi thơm, ông Cua cùng các cộng sự loại được những giống lúa không đạt chuẩn rất nhanh.

Công việc ngày càng tiến triển, đến nay ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tự hào có được “bộ sưu tập” giống lúa ST từ 1-20 và một giống ST3 đỏ. Trong đó, giống ST3 đạt giải thưởng Bông Lúa Vàng – năm 2002; giải Nhất hội thi Gạo Ngon Việt Nam - giống ST20 – năm 2011, tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ II; giải thưởng Bông Lúa Vàng của bộ NN&PTNT - giống ST5 – năm 2012; bằng chứng nhận top 100 “Sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam – cho sản phẩm gạo thơm ST – năm 2013; ...Năm 2017, tại hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.

 Lần này, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức tại Manila (Philippines) diễn ra từ ngày 11 – 13/11/2019, ông Hồ Quang Cua cùng các cộng sự trình diện gạo ST25. Gạo ST25 của Việt Nam đã vượt qua các đối thủ đến từ Thái Lan và Campuchia để giành được danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trade tổ chức.

Đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam đạt danh hiệu này, trước đó, Thái Lan đã 5 lần đạt giải, Campuchia 4 lần, Mỹ 2 lần và Myanmar 1 lần.

“Ban giám khảo là những đầu bếp chuyên nghiệp, đẳng cấp trên thế giới. Ngoài yếu tố chất lượng, ban giám khảo còn cho điểm hình thức. Kết quả, cả hai loại gạo ST24 và ST25 đều lọt vào tốp đầu thế giới nhưng ban giám khảo chọn ST25 để trao giải Nhất. Kết quả này là thành tích tập thể; trong đó, vai trò của tiến sĩ Phương và kỹ sư Hương rất quan trọng, còn tôi thì chủ công”, vĩ kỹ sư nông nghiệp phấn khởi cho biết.

Vừa về đến tỉnh Sóc Trăng vào tối 14/11 sau những ngày “mang chuông đi đánh xứ người”, sáng hôm sau ông Hồ Quang Cua một mình chạy xe máy từ thị trấn Mỹ Xuyên của huyện Mỹ Xuyên đến TP.Sóc Trăng với mục đích gặp lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng để báo cáo kết quả cuộc thi Gạo ngon thế giới. Trong ba lô ông Cua mang theo là chiếc cúp thủy tinh mang tên “World's Best Rice” được vị kỹ sư nông nghiệp cẩn thận gói bằng chiếc khăn lông nhung.

Việt Tâm
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 190

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gap-than-nong-viet-uom-mam-hat-gao-ngon-nhat-the-gioi-a302753.html