Hà Nội cần làm gì để đón được cả “đại bàng” lẫn “chim sâu”?


Chủ nhật, 12/07/2020 | 07:18


Cùng sự kiện

Tại phiên thảo luận tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm ra giải pháp giúp Thủ đô đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Tại phiên thảo luận tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã có nhiều ý kiến đóng góp nhằm tìm ra giải pháp giúp Thủ đô đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội đến cuối năm 2020. Có ý kiến cho rằng, trong việc thu hút đầu tư, Hà Nội không chỉ mở đường đón “đại bàng” mà còn cả “chim sẻ”.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang được Hà Nội chú trọng để đón “đại bàng” và “chim sâu”.

Những điều cần nhìn lại sau đại dịch

Tại phần thảo luận kỳ họp thứ 15 HĐND TP. Hà Nội, Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Đại biểu Thanh Xuân) bày tỏ vui mừng khi Việt Nam là một trong những nước chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng ý chí, trí tuệ, bản lĩnh tình đoàn kết của con người Việt Nam. Nhưng theo vị Đại biểu này, sau dịch cũng là lúc chúng ta nhìn lại và đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến việc điều hành Quốc gia, vấn đề môi trường, giao thông, giáo dục, vai trò của công nghệ thông tin...

"Trong đó, cần tạo môi trường thông thoáng, thực hiện các chính sách cụ thể để hỗ trợ khuyến khích sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Quan tâm hơn nữa đến phát trển các ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng, lợi nhuận cao như: Công nghệ thông tin, dược phẩm,... Tiếp đến cùng với việc tích cực thu hút đầu tư là phải quyết tâm, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thủ tục đầu tư...", ông Đức nói.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức.

Trước những bất cập hiện nay, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất rằng cần thiết có quy định, quy trình cụ thể trong mối quan hệ làm việc giữa cấp quận huyện với sở, ngành; giữa các sở, ngành với nhau; giữa sở, ngành với VP UBND TP bằng việc quy định cụ thể về quy trình, thời gian để chấm dút tình trạng kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Đặc biệt Hà Nội cần quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của thành phố, nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng. Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng mong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước”, Đại biểu Đức nhấn mạnh.

Cũng từ dịch mà chúng ta phải có cái nhìn khác về môi trường, ông Đức cho rằng đây là vấn đề đang được cử tri quan tâm. Vị đại biểu này bày tỏ, cùng với thực hiện tốt thu gom rác, xử lý rác là vấn đề kiểm soát khói bụi từ đốt rơm rạ, than tổ ong và đặc biệt là khí thải từ ô tô, xe máy. Thành phố cần có kế hoạch sớm để thực hiện nội dung này. Về mặt pháp lý, nếu luật Giao thông đường bộ chưa có quy định thì Hà Nội cần ban hành một nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy.

“Trong những ngày cách ly xã hội do dịch Covid-19, chúng ta thấy rõ đó là thời điểm Hà Nội có không khí trong lành nhất. Từ đó, có thể thấy rất rõ khí thải từ xe máy, than tổ ong, đốt rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường”, ông Đức nêu quan điểm.

Cần đón cả “đại bàng” lẫn “chim sâu”

Đại biểu Trần Thị Vân Hoa - Phó Hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - đồng tình với báo cáo thẩm tra của các Ban và nghị quyết về kết quả thực hiện phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua của thành phố.

Cụ thể, thứ nhất, về mục tiêu tăng trưởng, cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Hiện nay, kinh tế – xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4.

"Đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh sẽ có độ trễ, nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ, ngành và DN", GS.TS Trần Thị Vân Hoa cho hay.

Trước khó khăn của dịch bệnh, Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Đại biểu Hoàng Mai) cũng nêu giải pháp để có thể đạt được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến cuối năm. Ông nói: “Thành phố cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các doanh nghiệp. Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước với chiến lược là đón cả "đại bàng" lẫn "chim sâu"”.

Thành phố nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của thành phố đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có doanh nghiệp sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.

"Hơn nữa, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù của thành phố phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới.

Đối với các nhà đầu tư, chính sách ưu đãi chưa phải là quan trọng nhất nhưng khi cân nhắc lựa chọn giữa các địa phương, các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc hỗ trợ của chính quyền.

Cùng với đó, thành phố cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, xây dựng thành công chiến lược phát kinh tế số và trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra chính quyền thân thiện. Góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện", Đại biểu Đoàn nhấn mạnh.

Lê Liên

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 4 (109)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ha-noi-can-lam-gi-de-don-duoc-ca-dai-bang-lan-chim-sau-a330494.html