Vì sao nhiều ngân hàng chậm lên sàn?


Thứ 2, 14/08/2017 | 23:27


Chủ trương hối thúc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã được các cơ quan quản lý đưa ra nhiều năm nay, nhưng hiện vẫn còn tới 24/35 NHTM chưa chịu lên sàn

Chủ trương hối thúc ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đã được các cơ quan quản lý đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn tới 24/35 ngân hàng thương mại chưa chịu lên sàn với “đa dạng” các lý do được đưa ra.

Nguyên nhân “chây ỳ” niêm yết

Theo Thông tư số 180/2015 của bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016. Các ngân hàng thương mại cũng là công ty đại chúng, do vậy không thể nằm ngoài diện các đối tượng được nhắc đến trong Thông tư trên.

Trước đó, chủ trương hối thúc các ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra lần đầu tiên vào cuối năm 2013. Đến tháng 7/2014, NHNN và UBCK tiếp tục nhắc lại chủ trương trên và đưa ra lộ trình trong năm 2015, yêu cầu tất cả ngân hàng thương mại phải niêm yết. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có tổng cộng 11/35 ngân hàng thương mại thực hiện niêm yết cổ phiếu trên các sàn chứng khoán. Cụ thể niêm yết trên HoSE có Vietcombank, BIDV, VietinBank, Eximbank, MBBank, Sacombank; niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có ACB, SHB, NCB và 2 ngân hàng niêm yết trên UPCoM là VIB, Kienlongbank.

Theo quy định, đến hết năm 2017 sẽ có 10 ngân hàng thương mại nằm trong số 730 doanh nghiệp đã cổ phần hóa bắt buộc phải lên sàn để chấm dứt tình trạng “chây ỳ” niêm yết đang diễn ra nhưng mới chỉ 2 trong số đó hoàn thành nhiệm vụ. Số còn lại hiện vẫn đang “đủng đỉnh” cho dù gần 1 nửa quý 3 đã trôi qua. Liệu với sự thúc ép của các cơ quan quản lý, các ngân hàng này có kịp lên sàn vào cuối năm nay?

Lý giải nguyên nhân về sự chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch tập trung của các ngân hàng thương mại, TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc NHNN cho biết, việc niêm yết trên sàn chứng khoán đòi hỏi tính minh bạch rất cao, số liệu phải thật chính xác để đảm bảo uy tín của ngân hàng đối với khách hàng, đối với những cổ đông mua bán cổ phiếu của ngân hàng đó. Do vậy, nếu thông tin không minh bạch thì sẽ rất khó lên sàn. Một nguyên nhân khác đằng sau sự “chây ỳ” này là do hiệu quả kinh doanh của ngân hàng không thật sự đúng với những gì được công bố ra đại chúng. Tất cả những mặt yếu kém, tồn đọng rất có thể sẽ bị phơi bày trên sàn chứng khoán. Khi đó không chỉ uy tín của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng mà còn gây thiệt hại tới tài sản của cổ đông.

“Có thể nói rằng, việc thực hiện niêm yết cổ phiếu là áp lực của cả ngân hàng lẫn cổ đông của ngân hàng ấy” – TS.Kiêm nói. Nguyên Thống đốc NHNN cũng nhận định, có những ngân hàng biết được khuyết điểm của mình thì đã tìm mọi cách khắc phục, thúc đẩy số liệu kinh doanh tại thời điểm lên sàn tăng trưởng một cách vững chắc. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn một số đơn vị trong tình trạng “bê bết” nhưng lại không cầu tiến, cố tình trì hoãn thời gian thực hiện niêm yết cổ phiếu dù biết rằng, sớm hay muộn những yếu kém đó cũng sẽ bị bộc lộ ra ngoài. TS. Kiêm nêu quan điểm, tâm lý chung của các ngân hàng thương mại là muốn giữ thương hiệu để làm nền tảng củng cố, cải thiện “sức khỏe tài chính”. Ngoài ra, một phần quan trọng của vấn đề nằm ở chính những ông chủ, những nhóm cổ đông lớn của nhà băng đó. Họ lo ngại “đế chế” của mình sẽ bị lung lay khi lên sàn vì sẽ có nhà đầu tư bỏ tiền gom cổ phiếu, sau đó không loại trừ khả năng những nhà đầu tư này sẽ trở thành ông chủ mới của ngân hàng.

Trên góc độ doanh nghiệp, một lãnh đạo ngân hàng cho rằng, việc niêm yết cần có thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu. Các ngân hàng chưa lên sàn đơn giản chỉ là do chưa đến thời điểm thích hợp.

Khó ép buộc bằng biện pháp hành chính

Theo đánh giá của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, việc nhiều ngân hàng chưa thực hiện niêm yết không phải là mối lo ngại lớn bởi theo quy định về công bố thông tin, tất cả các tổ chức tín dụng hiện đều là các công ty đại chúng quy mô lớn nên đều phải thực hiện công bố thông tin về quản trị công ty như các tổ chức đang niêm yết. Hơn nữa, tất cả các tổ chức tín dụng đều chịu sự quản lý rất chặt chẽ từ NHNN, việc báo cáo tình hình tài chính, tình hình hoạt động được yêu cầu thực hiện thường xuyên, liên tục.

Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, việc niêm yết cổ phiếu ngành ngân hàng trên sàn chứng khoán là con đường tất yếu và vô cùng cần thiết cho quá trình phát triển của hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh cần minh bạch, giảm sở hữu chéo và tăng vốn. Nó không chỉ giúp NHNN dễ dàng nắm bắt được tình hình kinh doanh, sức khỏe của các ngân hàng để đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả hơn, mà còn giúp các nhà đầu tư đổ tiền vào ngân hàng biết được khoản đầu tư của mình hiện ra sao.

Vấn đề cần quan tâm ở đây là, hiện nay các ngân hàng rất “chuộng” đăng ký giao dịch niêm yết trên sàn UPCoM nhưng đây lại không phải một sàn giao dịch chứng khoán đúng nghĩa mà chỉ là nơi tập trung chứng khoán của doanh nghiệp để lưu ký và giao dịch cổ phiếu một cách tập trung và an toàn hơn. Sở dĩ sàn UPCoM thu hút được nhiều doanh nghiệp là bởi chuẩn mực minh bạch UPCoM yêu cầu đối với doanh nghiệp rất “thoáng”.

Cụ thể, doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM được chủ động chịu trách nhiệm từ A-Z các nội dung trong hồ sơ suốt quá trình đăng ký giao dịch tại UPCoM từ khâu đăng ký lưu ký chứng khoán tại VSD cho đến khâu hồ sơ lên sàn, không cần một đơn vị thứ ba nào xác thực lại, chỉ trừ báo cáo tài chính năm liền trước cần kiểm toán. Hơn nữa, doanh nghiệp còn có quyền tự quyết định giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu, mà không cần thông qua đơn vị tư vấn định giá. Nhưng về lâu dài, doanh nghiệp đại chúng muốn thực sự lớn mạnh nhờ nguồn lực từ các nhà đầu tư và đảm bảo tiêu chí thanh khoản cho cổ phiếu, thì niêm yết tại 1 trong 2 sàn HNX hoặc HoSE mới là đích đến sau cùng. Và cũng chỉ có con đường niêm yết chính thức thì doanh nghiệp mới phải công bố thông tin chi tiết về giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn, cổ đông có liên quan...

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - VNBA), việc yêu cầu các ngân hàng thực hiện niêm yết cổ phiếu đã được đưa ra nhiều năm qua, nhưng cơ quan quản lý vẫn chưa thực sự có giải pháp nào đủ mạnh để buộc các ngân hàng tuân thủ. Luật sư Đức nêu quan điểm, nếu có áp dụng biện pháp mạnh hơn thì cũng chỉ xử phạt được những ngân hàng không lên sàn UPCoM bởi trên thực tế việc đăng ký trên sàn này như đã nói ở trên rất đơn giản. Trong khi đó, đối với việc niêm yết trên 2 sàn HoSE và HNX cơ quan quản lý khó có thể ép buộc bằng biện pháp hành chính. “Giải pháp phù hợp nhất bây giờ không phải là ra “deadline” (hạn cuối cùng- PV) đối với việc lên sàn (HoSE và HNX – PV) mà chỉ nên dừng ở mức độ vận động, khuyến khích. Hơn nữa, việc lên sàn còn do cổ đông quyết định, phải đảm bảo mang lại lợi ích thiết thực cho cổ đông” – luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-nhieu-ngan-hang-cham-len-san-a199048.html