Nhà đầu tư nước ngoài nắm "quá bán" tại Tiki


Thứ 4, 05/08/2020 | 07:37


Cùng sự kiện

Sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ tại Tiki, các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm "quá bán" ở sàn thương mại điện tử này.

Sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ tại Tiki, các nhà đầu tư nước ngoài đã nắm "quá bán" ở sàn thương mại điện tử này.

Nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn. Ảnh: CNN

Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 mà Công ty cổ phần VNG vừa công bố, tại ngày 30/6/2020, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Tiki đã tiếp tục giảm xuống còn 22,23%.

Trước đó, tại thời điểm cuối tháng 3/2020, VNG sở hữu 24,25% Tiki.

Thời điểm bắt đầu rót vốn vào Tiki tháng 2/2016, VNG sở hữu 38% vốn Tiki.

Tỷ lệ sở hữu của VNG giảm sau khi Tiki thực hiện tăng vốn điều lệ vào ngày 28/5/2020 vừa qua, từ 190,9 tỷ đồng lên 208,3 tỷ đồng.

Phần vốn tăng thêm chủ yếu đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, cổ đông cũ là Ubiquitous mua thêm 621.000 cổ phần, ông Nguyễn Đình Huấn có thêm gần 93.000 cổ phần, Stic 4th Industrial Revolution Fund nắm thêm gần 83.000 cổ phần.

Các cổ đông nước ngoài mới xuất hiện tại Ti Ki, là Success Elite Holdings Limited với hơn 1,03 triệu cổ phần, Sakshi Jawa 26.666 cổ phần và Henry Low Kwee Kok 2.191 cổ phần.

Hiện tại, VNG vẫn đang là cổ đông lớn nhất khi sở hữu khoảng 4,63 triệu cổ phần tại Ti Ki. Tiếp đó là JD của Trung Quốc, với 4,17 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%.

Như vậy, sau đợt tăng vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 54,5% vốn tại Tiki, còn nhà đầu tư trong nước là 45,5%.

Trước đó, khoảng tháng 6/2020, thị trường xuất hiện tin đồn Tiki và Sendo sẽ sáp nhập để tạo thế cạnh tranh với Shopee và Lazada. Tuy nhiên, thương vụ này đã không xảy ra.

Tiki do ông Trần Ngọc Thái Sơn thành lập năm 2010. Ban đầu đây chỉ là một nền tảng bán sách ngoại ngữ online với nhà kho được đặt tại gara xe của gia đình và văn phòng ở ngay trong phòng ngủ của ông Sơn.

Tháng 3/2012, Tiki được quỹ CyberAgent Ventures của Nhật Bản đầu tư 500.000 USD, sau đó tiếp tục được một tập đoàn Nhật Bản khác là Sumitomo rót vốn một triệu USD vào tháng 8/2013.

Tháng 5/2016, Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD (khoảng 384 tỷ đồng) từ VNG đổi lấy 38% cổ phần. Từ đó đến năm 2019, VNG tiếp tục tăng vốn đầu tư tại Tiki và trở thành cổ đông lớn nhất của sàn thương mại điện tử này.

Về tình hình kinh doanh, năm 2019 Tiki lỗ tới 1.766 tỷ đồng và tổng số lỗ 4 năm gần nhất lên tới gần 3.000 tỷ đồng.

Các trang thương mại điện tử khác như Shopee, Lazada, Sendo cũng đều trong tình cảnh tương tự, khi liên tục báo lỗ với con số năm sau cao hơn năm trước.

Bạch Hiền (t/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-qua-ban-tai-tiki-a333453.html