Những băn khoăn từ một thông báo của tỉnh Ninh Thuận


Thứ 6, 12/03/2021 | 09:55


Cùng sự kiện

Đó là " Thông báo mời quan tâm dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, giai đoạn 1, công suất 1.500MW" của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Đó là "Thông báo mời quan tâm dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, giai đoạn 1, công suất 1.500MW" của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Ảnh minh họa 

Trong thông báo này, ghi là : Kính gửi: Các nhà đầu tư quan tâm". Và ngày gửi là ngày 12/12/2020.

Kèm theo Thông báo này là "Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư"…

Sẽ là rất bình thường nếu như đây chỉ là "thư mời"…Ai quan tâm thì tới tìm hiểu về dự án. Còn việc tổ chức đấu thầu thì sẽ có quy trình sau.

Nhưng rất không bình thường là  sau khi giới thiệu về Dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná, "thông báo" này ra " điều kiện" có tính "tối hậu thư" ngay, đó là: Phải cam kết tiến độ đầu tư hoàn thành dự án trong quý III năm 2024 và có cam kết trường hợp triển khai không đúng tiến độ đăng ký thì dự án bị thu hồi và không được thường, trừ trường hợp bất khả kháng…"; phải cam kết đầu tư xây dựng hạng mục kè Đông, nạo vét lường lạch cho tàu 300 ngàn tấn ra vào trong năm 2022…"

Nhưng "đánh đố" nhất là thời gian "nộp hồ sơ". Thông báo này gửi đến các "nhà đầu tư" ngày 12.12.2020, nhưng lại ra hạn đăng ký " trước 9h00 phút ngày 14/1/2021" – Nghĩa là chỉ có một tháng.

Thậm chí, tại Phụ lục "Yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm nhà đầu tư" lại còn yêu cầu " Ngôn ngữ là tiếng Việt" – Thử hỏi nếu một công ty nước ngoài làm được bộ hồ sơ hàng trăm trang bằng tiếng Anh, hay tiếng Nga, tiếng Pháp… rồi đem đi dịch dịch thuật, rồi đi công chứng thì hết bao nhiêu thời gian? Đó là chưa kể Sở KH & ĐT Ninh Thuận còn "chơi khó" bằng cách "mời" nộp hồ sơ vào đúng lúc nước ngoài nghỉ Noel và nghỉ Tết dương lịch.

Và thực chất đây là cuộc "Đấu thầu" hay là thông báo mời "quan tâm" bởi lẽ họ còn ra điều kiện phải nộp hồ sơ trên "mạng đấu thầu quốc gia"…

Có thể dẫn chứng ra vô vàn những yêu cầu cực kỳ  khắt khe - Thậm chí đến mức không ai có thể làm nổi - nếu như làm nghiêm túc, đặc biệt là với các doanh nghiệp nước ngoài.

Nói thêm về dự án này.

Đây là Dự án lớn và được Chính phủ Nga, Pháp, Đức,Thái Lan đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có biên bản ghi nhớ với các chính phủ Nga, Pháp và Thái Lan …Thậm chí, ngày 13.11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và UBND tỉnh Ninh Thuận phải chú ý xem xét những đề nghị  của " những đối tác chiến lược quan trọng".

Thủ tướng cũng yêu cầu phải tổ chức đấu thầu "công khai, minh bạch" và Bộ Công thương có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã có văn bản yêu cầu Nhà đầu tư phải : "Có kinh nghiệm thực hiện chuỗi dự án Khí-Điện LNG có quy mô tương tự; có khả năng cam kết cung ứng khí LNG lâu dài ổn định"…

Như vậy, bằng thông báo này, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã "chơi" lại Chính phủ bằng việc "có thông báo mời rộng rãi, minh bạch" , nhưng với các điều kiện mà không nhà đầu tư nước ngoài nào làm nổi.

Qua thông báo của Sở KH&ĐT Ninh Thuận, ta có thể thấy ngay được một điều, đó là: Tỉnh Ninh Thuận đã "dựng rào cản kỹ thuật" để " ngăn chặn" các nhà đầu tư nước ngoài và cả các nhà đầu tư trong nước khác tham gia - Và chắc chắn là chỉ trừ một vài nhà đầu tư "ruột" là có thể. Bởi để có được bộ hồ sơ tham gia này, họ đã được biết nội dung và chuẩn bị từ lâu rồi.

Dư  luận không thể không đặt câu hỏi về một thông báo có "mùi lợi ích nhóm" này.

Cũng phải nói thêm rằng, gần đây chuyện "lợi ích nhóm" có tính tiêu cực đã được nói nhiều và Đảng, Chính phủ cũng đã nhìn thấy rất rõ nhưng biểu hiện "lợi ích nhóm" trong khá nhiều dự án, thậm chí là cả trong chính sách, quy định…Và cũng đã có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm bớt hiện tượng  doanh nghiệp câu kết với quan chức để "tung hoành".

Việc bảo hộ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia các dự án lớn là điều cần thiết và rất nên làm. Những ai từng tham gia thực hiện các dự án đầu tư của VN ra nước ngoài thì rất biết cách họ dựng hàng rào kỹ thuật trong đấu thầu và có những nguyên tắc thế nào. Thậm chí có quốc gia còn quy định rõ ràng tỷ lệ người lao động bản xứ phải chiếm bao nhiêu phần trăm, yêu cầu phải mua thiết bị do nước họ sản xuất, hoặc vay tiền của ngân hàng nước họ...

Tuy nhiên, cách mà Ninh Thuận đưa ra những điều kiện không tưởng như trong thông báo "mời quan tâm" là cách  dựng hàng rào kỹ thuật rất thô thiển. Nói thẳng ra là, phải chăng hàng rào kỹ thuật lạ lùng này dựng lên nhằm tạo điều kiện cho một ai đó đã được ngầm chọn?

Rất mong Chính phủ và Bộ Công Thương cần xem xét lại quy trình và các điều kiện "mời đấu thầu" của của tỉnh Ninh Thuận.


Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-ban-khoan-tu-mot-thong-bao-cua-tinh-ninh-thuan-a351584.html