Tập đoàn Hoa Sen rút khỏi siêu dự án thép Cà Ná 10 tỷ USD


Thứ 3, 28/07/2020 | 02:25


Tập đoàn Hoa Sen giải thích sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư các dự án.

Tập đoàn Hoa Sen giải thích sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư các dự án.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) vừa thông báo chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (chủ dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná) và Công ty TNHH MTV Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận (chủ đầu tư dự án Đầu tư KCN Cà Ná). Tỷ lệ chuyển nhượng là 100% vốn góp.

“HĐQT thống nhất giá trị chuyển nhượng không thấp hơn chi phí thực tế mà tập đoàn đã góp vốn vào các dự án tính đến thời điểm thực hiện chuyển nhượng”, thông báo của Hoa Sen nêu rõ.

Đây là hai doanh nghiệp được thành lập vào năm 2016 để phát triển dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận, hai doanh nghiệp này đều có số vốn điều lệ 50 tỷ đồng, tuy nhiên, theo báo cáo thường niên niên độ 2018-2019, tính đến cuối kỳ, Hoa Sen mới đầu tư tổng cộng 10 tỷ đồng vào hai doanh nghiệp này.

Phối cảnh siêu dự án thép Hoa Sen - Cà Ná dự kiến triển khai ở tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HSG

Hội đồng quản trị Hoa Sen giao Chủ tịch và Phó Chủ tịch làm việc với các đối tác để xúc tiến việc chuyển nhượng, trước mắt tập trung vào những đối tác có năng lực tài chính và đang triển khai các dự án tại Ninh Thuận.

Bên cạnh đó, công ty cũng giải thể 4 doanh nghiệp khác từng được thành lập để triển khai dự án này, gồm: Công ty TNHH MTV Đầu tư KLH Luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Công ty TNHH MTV Xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn.

Tập đoàn Hoa Sen giải thích sự chuyển biến của tình hình khách quan hiện nay không còn phù hợp với mục tiêu chiến lược ban đầu khi doanh nghiệp xúc tiến đầu tư các dự án.

Về nội tại, Hoa Sen điều chỉnh chiến lược phát triển trung, dài hạn trong hoạt dộng sản xuất, kinh doanh và đầu tư theo hướng tập trung nguồn lực cho mảng sản xuất kinh doanh sở trường là tôn - thép - nhựa; đảm bảo doanh thu, lợi nhuận hàng năm ổn định; cải thiện các chỉ số tài chính; kéo giảm dư nợ về mức 3.000-4.000 tỷ đồng trong những năm tới; tập trung hoàn thiện hệ thống quản trị, công nghệ thông tin và ERP; khai thác lợi thế của hệ thống phân phối bán lẻ.

Như vậy, Tập đoàn Hoa Sen chính thức từ bỏ siêu dự án thép Cà Ná sau gần 4 năm từ khi thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 9/2016.

Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, công suất dự kiến 16 triệu tấn/năm. Dự án này được Tập đoàn Hoa Sen và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất triển khai. Bộ Công Thương sau đó đưa dự án vào dự thảo quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Tuy nhiên, vào tháng 4/2017, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng dự án thép Cà Ná, đề nghị tỉnh Ninh Thuận tính toán kỹ hơn các vấn đề môi trường, nhu cầu thép trong nước cũng như tổng mức đầu tư dự án.

Siêu dự án thép của Hoa Sen từng thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận về vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch sau khi Nhà máy thép Formosa tại Hà Tĩnh gặp sự cố về môi trường tháng 5/2016.

Tập đoàn Hoa Sen hiện có số vốn điều lệ là 4.446 tỷ đồng, tổng tài sản tại ngày 30/6/2020 ở mức 16.436 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định hữu hình 7.509 tỷ đồng và hàng tồn kho 4.597 tỷ đồng, tiền và tương đương tiền đạt 390,4 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ phải trả lên đến 10.285 tỷ đồng, phần lớn là vay nợ tài chính 8.469 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất là Vietinbank chi nhánh KCN Bình Dương với 2.183 tỷ đồng dư nợ.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-hoa-sen-rut-khoi-sieu-du-an-thep-ca-na-10-ty-usd-a332433.html