Thanh tra việc phân lô, bán nền tại 3 tỉnh: Muộn còn hơn không


Thứ 7, 17/04/2021 | 06:53


Cùng sự kiện

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra tình trạng phân lô, bán nền bát nháo tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra tình trạng phân lô, bán nền bát nháo tại tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận.

Điểm nóng kiểm tra toàn diện

Theo quyết định trên, đoàn thanh tra cũng sẽ đánh giá công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận nhằm ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm về lĩnh vực đất đai. Qua đó, phát hiện các tồn tại, bất cập về cơ chế chính sách để kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi phù hợp với thực tế. Sau đợt thanh tra, đoàn sẽ báo cáo kết quả với bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng như tổng hợp, trình các quyết định xử phạt đối với trường hợp vi phạm. Hiện đoàn công tác của bộ TN&MT đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa.

Tại tỉnh Khánh Hòa, thanh tra tập trung vào 3 nội dung chính: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2013 đến nay; quá trình chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở và thương mại dịch vụ; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi tách thửa tại 3 địa phương TP.Nha Trang, huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm.

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông, báo chí có nhiều bài viết phản ánh tình trạng một số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tự tiện tổ chức phân lô, bán nền bát nháo tại TP.Nha Trang, các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa...

Thanh tra việc phân lô, bán nền tại 3 tỉnh - Ảnh minh họa

Theo đó, một số doanh nghiệp, đơn vị môi giới, đầu nậu tự vẽ ra các dự án “ma”, phân lô, quảng cáo, rao bán rầm rộ trên các sàn giao dịch bất động sản khiến nhiều người bị mắc lừa, mất tiền nhưng không mua được đất. Một số doanh nghiệp, đơn vị môi giới hoạt động chui tự đặt tên dự án cho khu đất, trái quy hoạch, không có trên thực tế để lừa người mua. Thậm chí, có doanh nghiệp rao bán cả trụ sở công an phường ở thị xã Ninh Hòa.

Nguồn gốc các khu đất thường là đất nông nghiệp được tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở để chuyển nhượng cho khách hàng. Việc này dẫn đến khách hàng ngộ nhận đây là dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Trước tình trạng trên, năm 2019 UBND tỉnh Khánh Hòa có công văn giao UBND các huyện, thị xã, TP rà soát, kiểm tra, báo cáo tình trạng tự san nền, làm đường, xây dựng công trình hạ tầng trái phép trên địa bàn; tự phân lô, chuyển nhượng nền mà không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật.

UBND tỉnh cũng giao sở TN&MT kiểm tra, rà soát việc chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa tại các khu đất có tình trạng tự phân lô, chuyển nhượng nền. UBND tỉnh giao Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, trực thuộc kiểm tra, xác minh, làm rõ nhân thân, hành vi của những người mua gom đất nông nghiệp, chuyển mục đích sử dụng đất để phân lô, chuyển quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật.

Lực lượng chức năng phải kịp thời xử lý các trường hợp có dấu hiệu hình sự trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gian lận thương mại. Sau đó, sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa mời hơn 80 cơ sở kinh doanh, môi giới, sàn giao dịch bất động sản đến yêu cầu không tự tiện môi giới chuyển nhượng đất nền do tổ chức, cá nhân tự gom đất mà không lập dự án đầu tư.

Có hay không lợi ích nhóm chi phối “thổi” giá bất động sản?

Liên quan đến tình trạng “thổi” giá bất động sản ở nhiều địa phương thời gian vừa qua, ông Lê Văn Bình, Cục trưởng cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, tổng cục Quản lý đất đai (bộ TN&MT) nhận định, cơn sốt đất thường có chu kỳ, cứ khoảng 10 năm lại có một cơn sốt đất và trải qua mỗi lần như vậy lại tạo lập một mặt bằng giá mới, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn tiếp cận đất đầu tư."Cơn sốt đất lần này có nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện quy hoạch và vấn đề tài chính. Bởi lãi suất thấp, người dân thay vì gửi tiền tiết kiệm sẽ chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lời hơn", ông Bình nói.

KTS. Phạm Thanh Tùng, Chánh văn Phòng hội Kiến trúc sư Việt Nam nhìn nhận, theo biểu đồ về cơn sốt đất sẽ ngày càng dữ dội và công khai, công khai tới độ hỗn loạn. Việc giá đất tăng do yếu tố quy hoạch, khi quy hoạch chưa công khai, mới chỉ rò rỉ thông tin thì bắt đầu có sự hỗn loạn.

“Khi Hà Nội bắt đầu công bố 6 quy hoạch phân khu và quy hoạch sông Hồng thì phải lập quy hoạch phân khu ngay. Nhưng nếu chúng ta để đó 10 năm, điều này thực sự nguy hiểm. Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp và quy hoạch của Nhà nước”, ông Tùng nói.

Trước việc dư luận đặt vấn đề, liệu có lợi ích nhóm trong việc đầu cơ, thổi giá BĐS hay không? ông Lê Văn Bình nói rằng, giả thiết của người dân đặt ra là quyền của họ còn đảm bảo thông tin là trách nhiệm của nhà quản lý đất đai. Bởi Nhà nước luôn cố gắng đưa ra những dự kiến quy hoạch tốt nhất cho người dân nhưng trong quá trình thực hiện còn gặp phải nhiều vấn đề. Đồng thời, việc quy hoạch phải trải qua nhiều quá trình, nhiều ban ngành với trình tự thủ tục chặt chẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân.“Tôi cho rằng, không thể có chuyện một doanh nghiệp, cá nhân có khả năng chi phối BĐS được”, ông Bình nhấn mạnh.

KTS. Phạm Thanh Tùng nhìn nhận, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp, lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn."Để ngăn chặn sốt đất trước hết cần công khai quy hoạch, phải họp báo nghiêm túc để công khai, định hướng thông tin..." KTS. Tùng nói.

Vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tại TP.Đà Lạt, Bảo Lộc và nhiều địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng ồ ạt xuất hiện tình trạng phân lô, xẻ nền đất nông nghiệp gây biến dạng cảnh quan, tạo điểm nóng bất ổn kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là việc tự ý phân lô, bán nền "ăn theo" quy hoạch TP.Bảo Lộc. Qua kiểm tra của UBND tỉnh cho thấy chính quyền địa phương cấp huyện có sự lơi lỏng, lơ là để xảy ra tình trạng trên. UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định mới về việc tách thửa trên toàn địa bàn tỉnh. Cụ thể, trường hợp chưa có quy định dạng kiến trúc nhà ở thì diện tích đất tối thiểu là 72m2 và kích thước chiều rộng mặt đường 4,5m. Đối với thửa đất ở thuộc quy hoạch sử dụng đất (hoặc quy hoạch phân khu) là đất nông nghiệp và đối với thửa đất nông nghiệp thì diện tích tối thiểu tách thửa là 500m2 “ .

H.Anh (T/h)

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 5 (61)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thanh-tra-viec-phan-lo-ban-nen-tai-3-tinh-muon-con-hon-khong-a362782.html