Bộ Tài chính bị nhắc vì chậm việc


Thứ 7, 27/08/2016 | 03:08


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ kỷ luật cán bộ thỏa hiệp để địa phương được giao nhiệm vụ thu ngân sách thấp, chi tiêu nhiều.\r\n\r\n

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định sẽ kỷ luật cán bộ thỏa hiệp để địa phương được giao nhiệm vụ thu ngân sách thấp, chi tiêu nhiều.

Ngày 26-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Bộ Tài chính.

Dự toán ngân sách thiếu chặt chẽ

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác, chia sẻ sáng 26-8, trước khi đến Bộ Tài chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gọi ông để nhắc nhở khi không thấy báo chí truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng mà Tổ công tác đã nêu ra khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cụ thể, Thủ tướng muốn báo chí nêu rõ Tổ công tác đã nêu chỉ đạo của Thủ tướng là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải kiểm điểm khi vẫn còn tư tưởng xin - cho, co kéo lợi ích về bộ trong vấn đề chuẩn bị Luật Đầu tư, xây dựng phương án phân bổ vốn.

Hai bộ trưởng trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng tại cuộc họp. Ảnh: NHẬT BẮC.

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính làm rõ việc xây dựng dự toán giao địa phương còn buông lỏng. Bí thư, Chủ tịch tỉnh - thành phố vẫn lên Bộ Tài chính xin được giao thấp nhiệm vụ vượt thu, tăng thu - chi thì được chi nhiều, rồi xin được giữ lại 5\% nguồn vượt thu để chi cho cải cách tiền lương.

Ngoài ra, dù đã cải cách từ hải quan, thủ tục thuế, cắt giảm giấy phép con… nhưng vẫn còn doanh nghiệp (DN) kêu ca, phàn nàn. Do đó, Bộ Tài chính cần nghiêm túc xem xét, kiểm điểm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh nếu cán bộ nào trong bộ thỏa hiệp với địa phương sẽ bị kỷ luật. Tiếp thu nhắc nhở của Thủ tướng, bộ sẽ cố gắng dự toán ngân sách sát với thực tế hơn, đồng thời trước mắt giảm 70 quy trình về thuế. “Chúng tôi xin hứa với Thủ tướng tiếp tục cải cách và đưa cải cách vào thực chất” - ông Dũng bày tỏ.

Tháng 11 dự thảo nghị định chống chuyển giá

Đi vào nội dung kiểm tra cụ thể, Bộ Tài chính đã chưa hoàn thành 5 nhiệm vụ. Đáng chú có việc soạn thảo, xây dựng nghị định về chống chuyển giá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng (thời hạn xử lý vào 30-6).

Giải trình về nguyên nhân chậm trễ, đại diện Bộ Tài chính cho biết theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, để xây dựng nghị định cần đánh giá, tổng kết, thành lập ban soạn thảo, xây dựng dự thảo và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bộ Tài chính đã có công văn gửi 9 bộ và 5 UBND các địa phương liên quan, tập trung nhiều DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có giao dịch liên kết, dễ xảy ra chuyển giá. Đến nay, còn Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND TP Đà Nẵng chưa cử người tham gia ban soạn thảo. Dự kiến, trong ngày 26-8, Bộ Tài chính sẽ yêu cầu các cơ quan cử người tham gia soạn thảo nghị định này; sớm hoàn thiện, trình Chính phủ trước tháng 11-2016.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng phân tích vấn đề chống chuyển giá với DN trong nước đã khó kiểm soát thì DN FDI còn khó gấp bội. Dù vậy, chúng ta vẫn phải có biện pháp xử lý mạnh để chống thất thu.

Tán đồng, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ việc kêu lỗ để xin giảm thuế, giảm khấu trừ hàng chục ngàn tỉ đồng chính là chuyển giá. Thậm chí, không cần đến lúc sản xuất mới chuyển giá mà từ ngay khâu đầu tư thiết bị đưa vào, chẳng hạn đầu tư giá có 100 tỉ đồng thì khai 200 tỉ đồng rồi hạch toán khấu hao hết 200 tỉ để chuyển giá.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ giao nhiệm vụ thì Bộ Tài chính xin nhận nhưng việc xây dựng nghị định không đơn giản, đến ngày 30-11 có thể xây dựng nghị định mang tính nguyên tắc chứ quá trình điều hành rất phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết Việt Nam tham gia diễn đàn chống chuyển giá, chống xói mòn thuế của nhóm các nước G20, đây cũng là căn cứ pháp lý. Hiện Tổng cục Thuế đã xây dựng bộ quy chuẩn cho 12.000 DN FDI. Đối với nhóm bán linh kiện như Intel, Samsung thì Tổng cục Thuế phải thỏa thuận giá trước trong hợp đồng. Trong cái này có cái khó là áp theo nguyên liệu đầu vào từ các nước nhóm G7. Riêng trường hợp Formosa nhập từ các nước G7 rất ít mà nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, Bộ Tư pháp cần tham gia phối hợp soạn thảo để chặt chẽ hơn.

Kết luận buổi kiểm tra, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng và tham mưu Chính phủ về hỗ trợ DN vừa và nhỏ, thúc đẩy kinh tế tư nhân, ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng thể chế, quản lý tài sản công, cải cách cơ chế tài chính ở đơn vị hành chính công lập.

THẾ DŨNG

Nguồn: Người lao động

[mecloud]HF9VeYLjYU[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-tai-chinh-bi-nhac-vi-cham-viec-a145437.html