+Aa-
    Zalo

    Đại gia 9X Vĩnh Phúc mang tiền đi làm đường, lập trạm BOT Cai Lậy

    ĐS&PL Các pháp nhân trong liên danh đầu tư dự án đường tránh Cai Lậy đều là những ông lớn ít nhiều có tiếng trong ngành cầu đường.

    Các pháp nhân trong liên danh đầu tư dự án đường tránh Cai Lậy đều là những ông lớn ít nhiều có tiếng trong ngành cầu đường.

    Trạm BOT Cai Lậy là một phần trong “Dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh QL1 và tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức hợp đồng BOT” (gọi tắt là dự án đường tránh Cai Lậy).

    Dự án nhóm B này được khởi công ngày 20/2/2014, do Liên danh Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC) và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và xây dựng giao thông 1 (Trico) làm chủ đầu tư. Dự kiến hoàn thành vào quý IV/2015, với tổng mức đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư, kinh doanh và chuyển giao) là 1.398 tỷ đồng.

    Tuy nhiên hiện nay tra cứu trên cổng thông tin Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công – tư thuộc Bộ Giao thông vận tải, chủ đầu tư đã được xác định lại là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico).

    Tổng mức đầu tư của dự án vẫn được giữ nguyên là 1.398 tỷ đồng, trong đó 15% là vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư (210 tỷ đồng). Công ty Bắc Ái góp 65%, tương đương 136,5 tỷ đồng và Trico góp 35% (73,5 tỷ đồng). Phần còn lại là vốn huy động từ các tổ chức tín dụng.

    Hàng trăm tài xế xếp hàng phản đối trạm BOT Cai Lậy.

    Đáng chú ý, thời gian khai thác được giảm xuống còn 6 năm 4 tháng 29 ngày, ít hơn một năm so với công bố trước đó. Thời gian vận hành ngắn có thể là một nguyên nhân giải thích tại sao phí BOT Cai Lậy lại cao hơn nhiều trạm BOT khác.

    Lộ diện các "ông lớn"

    Một trong hai nhà đầu tư ban đầu của dự án đường tránh Cai Lậy là Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (BVEC). BVEC được thành lập năm 2008, là doanh nghiệp dự án để thực hiện dự án BOT “Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa – Vũng Tàu”.

    Vốn điều lệ đăng ký ban đầu của BVEC là 1.750 tỷ đồng, trong đó các cổ đông sáng lập là Tổng công ty Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Việt Nam góp 857,5 tỷ đồng (49%), Tổng công ty Sông Đà (sau này chuyển đổi thành Tập đoàn Sông Đà) góp 525 tỷ đồng (30%); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp 175 tỷ đồng (10%), Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BEDC (do BIDV thành lập) sở hữu 11% vốn điều lệ (175 tỷ đồng).

    Tuy nhiên trên thực tế các đơn vị trên đã không góp đủ số vốn đăng ký, dẫn tới việc BVEC đầu năm nay phải giảm vốn điều lệ từ xuống còn 1/6, tương đương 307,576 tỷ đồng.

    Trước khi giảm vốn, cơ cấu cổ đông của BVEC đã có sự xáo trộn đáng kể. Ngoài Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam vẫn góp 49% vốn, xuất hiện những cái tên mới là Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng góp 25% và Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Tổng hợp Thái Ninh góp 15%.

    Dự án Xây dựng mở rộng Quốc lộ 51, đoạn Biên Hòa – Vũng Tàu có khá nhiều tai tiếng. Bộ Xây dựng vào đầu năm 2016 đã tiến hành thanh tra công tác quản lý của BVEC và chỉ ra nhiều sai phạm của doanh nghiệp này.

    Quay lại với dự án đường tránh Cai Lậy, khác với BVEC, nhà đầu tư còn lại là Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico). Không có nhiều thông tin về Trico.

    Pháp nhân này được thành lập vào đầu năm 2005, tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước – Công ty vật tư, thiết bị giao thông 1 (Trameco) có lịch sử từ những năm đầu thập niên 80.

    Theo dữ liệu PV Người Đưa Tin có được, tổng tài sản của Trico tới cuối năm 2010 là 486 tỷ đồng. Cũng trong năm này, vốn điều lệ của Trico được nâng từ 27 tỷ đồng lên 69 tỷ đồng. Việc tăng vốn mang lại cho doanh nghiệp này khoản thặng dư vốn cổ phần lên tới 40,5 tỷ đồng.

    Kết quả kinh doanh của Trico giai đoạn này khá khả quan, với doanh thu các năm 2009, 2010 lần lượt là 590 tỷ đồng và 653 tỷ đồng, lãi sau thuế theo đó tương ứng 18,2 tỷ đồng và 17,7 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2009 là 4.345 đồng và năm 2010 là 2.693 đồng.

    Trong khi đó, với tỷ lệ góp vốn lên tới 65%, ông chủ thực sự của “miếng bánh” BOT Cai Lậy không ai khác, chính là Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái.

    Theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch đầu tư, Công ty Bắc Ái được thành lập từ năm 2004, có trụ sở đăng ký tại số 215, đường Mê Linh, TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Ngày 10/7 vừa qua, Bắc Ái đã hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Cổ đông của Bắc Ái đều là các cá nhân gồm: ông Lê Văn Duẩn (5% vốn), ông Lê Thanh Bình (10% vốn); ông Nguyễn Phú Hiệp (góp 3%).

    Ông Nguyễn Phú Hiệp cũng là giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang – doanh nghiệp dự án triển khai và vận hành trạm BOT Cai Lậy. Cổ đông lớn nhất góp tới 82% vốn tại Bắc Ái là ông Lê Tiến Thắng. Ông Thắng có hộ khẩu thường trú tại cùng địa chỉ đặt trụ sở của doanh nghiệp này.

    Tuy vậy, "ghế nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của doanh nghiệp có vốn gần nghìn tỷ đồng này hiện nay lại được giao cho một doanh nhân 9X là ông Nguyễn Tiến An (sinh năm 1992, hộ khẩu tại Vân Xuân, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).

    Kể từ đầu năm 2015 đến nay, Bắc Ái đã nhiều lần thay đổi các chức danh lãnh đạo. Ông Lê Tiến Thắng từng là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ trước khi để ông Nguyễn Tiến An thay thế vào tháng 3/2017. Bắc Ái từng có một giám đốc là ông Tạ Xuân Liêm - em trai bà Tạ Thu Thủy, Ủy viên HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Bia Hà Nội – Hải Phòng (thành viên của Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội HABECO).

    Bắc Ái hiện cũng đang tham gia một số dự án dưới hình thức hợp tác công tư quy mô lớn khác, như dự án BT (đầu tư, chuyển giao) xây dựng tuyến đường kết nối đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức).

    Liên danh đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư Văn Phú – Invest và Công ty Cổ phần tư vấn đầu tư xây dựng Bác Ái.

    Dự án được thực hiện trên địa bàn quận Thủ Đức với diện tích dự kiến khoảng 280.644 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 944,2 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài khoảng 2,7 km. Dự án được động thổ vào đầu tháng 12/2015, dự kiến thi công và hoàn thành trong hai năm.

    Ngoài ra phải kể đến dự án “Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km 1125 - Km 1153, tỉnh Bình Định” theo hình thức hợp đồng BOT.

    Bắc Ái cùng Tổng công ty Thành An, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Long Trung Sơn và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex – PVC là liên danh thực hiện dự án. Trong đó Bắc Á góp 69 tỷ đồng, tương đương 29% vốn trong liên danh.

    Đây là dự án nhóm A có tổng mức đầu tư 1.785 tỷ đồng, vốn tư nhân là 1.644, 5 tỷ đồng, vốn nhà nước là 140,75 tỷ đồng. Nhà đầu tư được xây dựng trạm thu phí để hoàn vốn. Mức phí dao động từ 35.000 đồng đến 210.000 đồng. Thời gian thu dự kiến 22 năm 2 tháng với lộ trình tăng phí 18%/ 3 năm.

    Đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-gia-9x-vinh-phuc-mang-tien-di-lam-duong-lap-tram-bot-cai-lay-a200690.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan