FED không tăng lãi suất: Tác động thế nào đến Việt Nam?


Thứ 6, 18/09/2015 | 07:34


(ĐSPL) - Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ của Mỹ đến Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ linh hoạt theo biến động của đồng USD, với biên độ +/-2\% là h

(ĐSPL) - Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ của Mỹ đến Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ linh hoạt theo biến động của đồng USD, với biên độ +/-2\% là hợp lý. 

FED: Tiếp tục giữ lãi suất thấp kỷ lục

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc FED kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày bằng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức gần 0\% đã duy trì gần 7 năm qua. Thông cáo được FOMC đưa ra ngay sau đó cho biết lý do chính khiến FED tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất là chỉ số lạm phát tại Mỹ vẫn chưa đạt mục tiêu 2\%, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn bất định cùng với những xáo trộn trên thị trường tài chính thế giới gần đây.

"Kinh tế toàn cầu hiện nay và những biến động tài chính có thể gây áp lực lên lạm phát trong ngắn hạn", thông cáo được Chủ tịch FED - Janet Yellen công bố tại cuộc họp báo lúc 1h30 ngày 18/9 (giờ Hà Nội) nhận định.

Cũng theo bà Yellen, kinh tế Mỹ đang đi đúng hướng và chắc chắn. Song, FED sẽ tiếp tục duy trì chính sách lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng nhằm giảm tối đa tỷ lệ thất nghiệp (đang ở mức xấp xỉ 5\%), đồng thời chỉ số lạm phát trung hạn của nền kinh tế đạt mục tiêu 2\%.

Tuy vậy, trả lời câu hỏi của phóng viên CNBC, người đứng đầu ngân hàng hàng trung ương Mỹ cũng tiết lộ phần lớn các thành viên của FED đều tin rằng những tiến triển nêu trên có thể được phản ánh trong vài tháng tới, qua đó tiếp tục hàm ý về khả năng tăng lãi suất ngay trong năm 2015. Ngoài ra, bà cũng khẳng định FED chưa bao giờ xem xét nghiêm túc việc áp dụng lãi suất âm. Câu hỏi này đặt ra sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy có một thành viên của FED ủng hộ áp dụng lãi suất dưới 0\% (người gửi tiền phải trả thêm phí).

Cũng tại buổi họp báo, bà Yellen nhiều lần nhắc tới yếu tố toàn cầu trong các quyết định hiện nay của FED. Theo đó, diễn biến tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ được cơ quan này theo dõi liên tục, xem xét ảnh hưởng tới các mục tiêu của Mỹ, qua đó đưa ra quyết định trong thời gian tới. "Chúng tôi chỉ muốn có thêm thời gian để theo dõi kỹ sức khoẻ của nền kinh tế", bà Yellen nói.

Lý do chính khiến FED tiếp tục trì hoãn tăng lãi suất là chỉ số lạm phát tại Mỹ vẫn chưa đạt mục tiêu 2\%.

Tác động gì đến Việt Nam?

Đánh giá về tác động của chính sách tiền tệ của Mỹ đến Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng tỷ giá sẽ linh hoạt theo biến động của đồng USD, với biên độ +/-2\% là hợp lý. Đây được xem là một phản ứng kịp thời nhưng có thể vẫn phải cộng thêm mất giá khoảng 2-3\% nữa mới có thể thiết lập được quan hệ cân bằng.

Theo giới phân tích, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng và nới biên độ tỷ giá ngày 19/8 đã là “rất mạnh” và NHNN đã lường đón trước những biến động bao gồm cả việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và khả năng FED điều chỉnh lãi suất.

Vì thế, “động thái điều chỉnh tỷ giá hôm 19/8 vừa qua là một biện pháp đi trước một bước”. Mới đây, lãnh đạo NHNN lại khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm 2016.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia trước sự mất giá của đồng NDT và việc giữ nguyên lãi suất của FED thì Việt Nam vẫn cần một giải pháp căn cơ hơn đó là: Nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; tìm thị trường mới; và kêu gọi toàn dân tiêu dùng hàng nội, nhằm đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang có sự sắp xếp lại là cần thiết.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/fed-khong-tang-lai-suat-tac-dong-the-nao-den-viet-nam-a111143.html