Gạo Việt sẽ thống lĩnh thị trường trong nhiều tháng tới?


Thứ 3, 05/08/2014 | 23:01


(ĐSPL) - Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh dữ dội, những người lấy nghiệp trồng lúa làm kế mưu sinh lại có thêm một tia hy vọng khi nghe tin khối lượng xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh.

(ĐSPL) - Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh dữ dội, những người lấy nghiệp trồng lúa làm kế mưu sinh lại có thêm một tia hy vọng khi nghe tin khối lượng xuất khẩu gạo sang Philippines tăng mạnh.

Việt Nam đã ký được hợp đồng xuất khẩu 800.000 tấn gạo sang thị trường này trong năm 2014. Các chuyên gia dự báo, những ảnh hưởng về điều kiện tự nhiên gây bất lợi cho mùa màng tại ấn Độ và bất ổn chính trị ở Thái Lan đã tạo ra cơ hội cho lúa gạo Việt Nam vươn lên.

Tăng trưởng đột biến gấp hơn hai lần

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thể hiện, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Bảy năm 2014 ước đạt 606.000 tấn với giá trị 278 triệu USD. Theo đó, khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2014 ước đạt 3,86 triệu tấn và 1,75 tỷ USD. Cũng theo thống kê, giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2014 đạt 452 USD/tấn, tăng 2,4\% so với cùng kỳ năm 2013.

Thị trường lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2014 của gạo Việt Nam là Trung Quốc với 39,11\% thị phần. Đáng chú ý nhất là gạo Việt xuất sang thị trường Philippines có sự tăng trưởng đột biến trong 6 tháng đầu năm với mức tăng gấp hơn hai lần về khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Trong giai đoạn này, Philippines nhập khẩu 687,150 tấn gạo từ Việt Nam với tổng giá trị 309,982 USD, tăng 134,1\% về khối lượng và tăng 135,9\% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Với mức tăng trưởng này, Philippines vươn lên vị trí đứng thứ hai về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 21,03\% thị phần, tiếp đến là Gana, Singapore. Mới đây, phía Malaysia đã chính thức quyết định mua của Việt Nam 200.000 tấn gạo loại 5\% tấm thông qua tổng công ty Lương thực miền Nam với giá FOB giao tại cảng Sài Gòn là 410 USD/tấn. Đây là con số không lớn nhưng cũng cho thấy sự quan tâm của nước này đối với gạo Việt Nam.

Dự báo thị trường những tháng cuối năm, thông tin tổng hợp của hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ nhiều nguồn cho thấy, tình hình thị trường gạo thế giới, nhất là Châu Á đang chịu tác động bởi biến động chính trị tại Thái Lan, do chính phủ quân sự tạm dừng cung cấp gạo tồn kho để kiểm kê.

Bên cạnh đó, dự báo thời tiết không thuận lợi cho vụ mùa sắp tới, nhất là lượng mưa tại ấn Độ được dự báo dưới mức bình thường cũng như khả năng ảnh hưởng chung của hiện tượng El Nino sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa gạo của nước này.

Chính những bất ổn này của hai nước vốn là đối thủ mạnh của Việt Nam trên thị trường quốc tế sẽ tạo ra cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm thị trường mới.

Các chuyên gia cũng tin tưởng rằng, Việt Nam đang ở vị trí cạnh tranh hơn trong hai tháng tới. Nhu cầu nhập khẩu của Indonesia và Philippines tăng lên cũng đang mang lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trước đây, sản xuất gạo trong nước gặp khó khăn khi giá nguyên liệu trong nước luôn tương đối cao. Trong khi, những đối thủ mạnh như Thái Lan thì lại có ưu thế là gạo có sẵn và giá rẻ. Tuy nhiên, thời điểm này, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đưa xuất khẩu gạo vào thị trường Philippines tăng cao.

Gạo Việt sẽ thống lĩnh thị trường trong nhiều tháng tới?

Xuất khẩu gạo sẽ có những lợi thế nhất định trong vài tháng tới. Ảnh minh họa.

Phải duy trì chất lượng của hạt gạo

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng cục Trồng trọt cho biết: "Thị trường Philippines cần nhập khẩu nhiều nông sản của ta là đã quá rõ. Đây là thị trường truyền thống của Việt Nam.

Đất nước này có 100 triệu dân nhưng luôn luôn gặp thiên tai, bão lũ, úng lụt. Mỗi năm, họ phải hứng chịu vài chục cơn bão thì khả năng họ luôn thiếu đói là điều dễ xảy ra. Ngay đầu mùa mưa bão, đất nước này đã phải hứng chịu những cơn bão tàn phá, gây ra những thiệt hại không chỉ về người mà còn ảnh hưởng đến mùa màng. Chính vì thế, trong 6 tháng qua, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh".

Ngoài ra, theo ông Ngọc, từ đầu năm, Cục này đã có những cuộc trao đổi về chính sách và đưa ra những dự báo là sẽ có những tín hiệu tốt. Thị trường sẽ khôi phục tốt hơn vào giữa năm và cuối năm. Đây thực sự là những điều mừng cho sản xuất lúa gạo.

Hơn nữa phải khẳng định là, lúa gạo là lợi thế bậc nhất của Việt Nam trong sản xuất nông sản. Các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan và sắp tới là Campuchia... đều có những lợi thế về phát triển lúa gạo.

Song phát triển lúa gạo của Việt Nam cũng có những lợi thế riêng, về điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết khí hậu, đầu tư tập trung của các cấp các ngành đối với sản xuất lúa gạo... Đặc biệt là khu vực miền Tây luôn luôn được đổi mới và đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và thị trường.

Đội ngũ doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, ngoài những thị trường truyền thống thì họ còn mở ra những thị trường mới. Hiện nay có nhiều giống lúa đã được tạo ra và có nhiều doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để có những giống lúa chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh đối với các nước trong khu vực và các nước xuất khẩu gạo mạnh trên thế giới.

Cục trưởng cục Trồng trọt khẳng định: Rõ ràng, tình hình này cũng như các năm trước cho ta một bài học, lúa gạo là lợi thế rất tốt của Việt Nam. Song để nâng cao lợi thế của Việt Nam, chúng ta cần nâng cao chất lượng hạt gạo và khẳng định xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam thật uy tín. Đây là tiêu chí cần phải kiên trì xuyên suốt.

Bên cạnh đó, phải tiếp tục củng cố thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới để chúng ta có những điều kiện xuất khẩu được nhiều gạo. Một điều quan trọng nữa là, trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vẫn đặt cây lúa là lợi thế cạnh tranh. Để người dân hăng hái tiếp nhận lợi thế cạnh tranh thì rõ ràng cần có sự đầu tư khuyến khích một cách đồng bộ để giảm chi phí đầu vào, từ đó tăng cao hiệu quả của nghề trồng lúa. Có thế, người nông dân mới tiếp tục gắn bó, tích cực với nghề trồng lúa.

Đối với người nông dân, muốn nâng cao giá trị của hạt gạo, ngoài chuyện giảm chi phí đầu vào thì đương nhiên phải duy trì chất lượng của hạt gạo và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này phải được kiểm soát ngay từ đầu vào.

Hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2014

Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vừa qua, do thị trường xuất khẩu gạo bị cạnh tranh dữ dội, VFA đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm nay xuống còn 6,2 triệu tấn (kế hoạch đầu năm 6,5 triệu tấn); trong đó dự kiến quý II sẽ đạt 1,8 triệu tấn, quý III là 1,8 triệu tấn và quý VI khoảng 1,4 triệu tấn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,2 triệu tấn gạo trong năm nay, các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam cần phải ký hợp đồng xuất khẩu thêm 1 triệu tấn nữa.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/gao-viet-se-thong-linh-thi-truong-trong-nhieu-thang-toi-a44402.html