Những chuỗi siêu thị phải bán mình trong cuộc chiến bán lẻ khốc liệt


Thứ 7, 25/05/2019 | 12:25


Từng là những ông lớn trong ngành bán lẻ ở Việt Nam nhưng Metro và cả BigC, Fivimart đều phải đi đến bước đường bán mình trong cuộc chiến bán lẻ khốc liệt.

Từng là những ông lớn trong ngành bán lẻ ở Việt Nam nhưng Metro và cả BigC, Fivimart đều phải đi đến bước đường bán mình trong cuộc chiến bán lẻ khốc liệt.

BigC: Đang ở top 3, về tay tỷ phú Thái liền xuống dốc

Cuối tháng 4/2016, Central Group hoàn tất giao dịch mua lại hệ thống siêu thị BigC từ tập đoàn Casino của Pháp với giá 920 triệu Euro (tương đương 1,05 tỷ USD). Thời điểm ấy, BigC là chuỗi bán lẻ hiện đại lớn thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau chuỗi Co.opMart và có vị trí đắc địa.

Một lợi thế khác của BigC là bán lẻ trực tiếp đến tay người tiêu dùng với chuỗi kinh doanh phủ nhiều tỉnh thành, đón hơn 50 triệu lượt khách mua sắm mỗi năm, trong đó, 2,8 triệu khách hàng thành viên cùng đội ngũ hơn 9.000 nhân viên trên cả nước là “tài sản” rất lớn cho bất cứ nhà bán lẻ nào. Năm 2015, doanh thu của chuỗi BigC tại Việt Nam là 586 triệu Euro.

Metro về tay tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi.

Do đó có đến 20 công ty trong và ngoài nước với những tên tuổi lớn như Aeon (Nhật), Lotte (Hàn Quốc), BJC (Thái Lan) và doanh nghiệp Việt Nam là Saigon Coop, Masan,... cũng tham gia đấu thầu mua lại chuỗi siêu thị này. Thế nhưng, chỉ có Central Group là thâu tóm thành công chuỗi BigC với 33 siêu thị cùng 10 cửa hàng thực phẩm tiện lợi và trang thương mại điện tử Cdiscount.vn.

Được biết, Central Group đã tham gia đấu thầu nhằm mua lại BigC kể từ đầu tháng Ba và điều này hoàn toàn nằm trong kế hoạch chiến lược của tập đoàn nhằm mở rộng mạng lưới phát triển trong khu vực ASEAN. Central Group là một trong những tập đoàn mẹ lớn nhất tại Thái Lan, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, chuỗi cửa hàng bán lẻ, khách sạn và nhà hàng.

Hiện tại Central Group đã chính thức mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ điện máy ở thị trường Việt Nam sau khi mua lại 49% cổ phần của điện máy Nguyễn Kim vào đầu năm 2015, phát triển hệ thống trung tâm thương mại thời trang gồm hai trung tâm Robins.

Lại nói về BigC, năm 2012, thương hiệu này từng nằm trong top 3 của thị trường với doanh thu trên 10.000 tỷ đồng một năm. Tuy nhiên từ khi về tay tỷ phú Thái thì doanh thu lại đồng loạt đi xuống.

BigC Thăng Long - chuỗi siêu thị lớn nhất của hệ thống BigC - đạt mức doanh thu 3.500 tỷ vào năm 2012 sau đó sụt giảm xuống còn quanh mức 2.700 tỷ đồng trong 2 năm 2016, 2017. Tương tự, doanh thu của BigC An Lạc cũng rơi từ mức 2.600 tỷ năm 2012 xuống còn 1.300 tỷ trong năm 2017, tức giảm tới 50%. Do đó, lợi nhuận của BigC Thăng Long giảm từ 211 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 131 tỷ đồng năm 2016.

Còn BigC An Lạc, lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 184 tỷ đồng nhưng đến 2017 còn 92 tỷ. Ba chuỗi BigC Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai cũng không còn tăng trưởng nổi bật.

Metro: Đổi tên nhưng vận không đổi

Ngày 7/1/2016, tập đoàn Metro Cash & Carry vừa công bố hoàn tất thương vụ chuyển giao hệ thống siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam cho TCC Holdings, công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi làm chủ.

TCC Holding là công ty do tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi nắm quyền kiểm soát. Công ty này hiện nắm 73,7% cổ phần tại tập đoàn Berli Jucker PCL (BJC).

Tập đoàn Metro của người Đức có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Vào Việt Nam khá sớm, tuy nhiên, trong 12 năm có mặt trên thị trường Metro luôn báo lỗ.

Doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn qua các năm, từ 608 tỷ đồng trong năm 2002 lên 14,7 nghìn tỷ đồng trong năm 2013. Một báo cáo ngành thuế công bố năm 2013 cho thấy Metro Cash & Carry trong hơn 12 năm hoạt động tại Việt Nam, duy nhất năm 2010, công ty báo lãi 116 tỷ đồng. Các năm còn lại, Metro lỗ từ 89 đến 160 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài, đại diện của Metro đã cho rằng do phải tập trung mở rộng đầu tư. Cụ thể là, Metro phải bỏ ra khoản chi phí khá lớn như đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý... mới có thể xây dựng được một trung tâm bán sỉ, con số đó tương đương với khoảng 300 - 400 tỷ đồng.

Sau một năm về tay ông chủ mới, thương hiệu này vẫn giữ nguyên số lượng điểm kinh doanh. Đến đầu năm 2017, hệ thống này đổi tên thành MM Maga Market và thương hiệu Metro không còn trên thị trường. Vốn điều lệ của công ty tăng 1.911 tỷ đồng lên 3.620 tỷ đồng, với 100% vốn nước ngoài.

Đổi tên nhưng vận không đổi. Cuối năm 2016, doanh thu của chuỗi này chỉ đạt 11,7 nghìn tỷ đồng, giảm 20% so với thời điểm trước khi Metro Cash & Carry chuyển giao lại vào năm 2013. Mức doanh thu này chỉ tương đương với doanh thu năm 2010 khi số trung tâm Metro chỉ bằng một nửa năm 2016.

Doanh thu giảm mạnh, công ty cũng tiếp tục hành trình thua lỗ của Metro. Trong năm 2016, MM Mega Market báo lỗ 110 tỷ đồng, tương đương mức lỗ hàng năm của Metro trong giai đoạn trước đó.

Metro là một trong những tập đoàn bán lẻ quốc tế lớn có trụ sở tại Đức. Trong năm tài chính 2012-2013, tập đoàn tạo doanh thu khoảng 66 tỷ Euro (khoảng 88,5 tỷ USD) với 2.200 cửa hàng ở 31 quốc gia và khoảng 250.000 nhân viên.

Tập đoàn hoạt động dựa trên các thương hiệu độc lập trong các phân khúc thị trường tương ứng gồm Metro/Makro Cash&Carry chuyên về bán buôn, Media Markt và Satum - chuyên về thiết bị điện tử bán lẻ, Real - hệ thống đại siêu thị và Galeria Kaufhof - cửa hàng bách hóa. Trong khi đó Berli Jucker là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán nước này thời điểm đầu tháng 8/2014 là khoảng 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD).

Hoạt động kinh doanh của BJC được phân thành 5 chuỗi cung ứng chính gồm bao bì, tiêu dùng, chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật, bán lẻ và chuỗi cung ứng khác. Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.

Sơn Ca

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 82

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chuoi-sieu-thi-phai-ban-minh-trong-cuoc-chien-ban-le-khoc-liet-a277034.html