Những vụ "chặt chém" du khách "bá đạo"


Thứ 5, 09/07/2015 | 14:48


(ĐSPL) - Nhưng vụ "chặt chém" khách hàng: Đi ăn nhà hàng bị tính tiền gia vị chế biến, uống chanh đá phải nộp thêm tiền điều hòa,... được coi là "bá đạo" nhất Việt Nam...

(ĐSPL) - Nhưng vụ "chặt chém" khách hàng: Đi ăn nhà hàng bị tính tiền gia vị chế biến, uống chanh đá phải nộp thêm tiền điều hòa,... được coi là "bá đạo" nhất Việt Nam....

"Thiên hạ đệ nhất chặt chém": Tính cả tiền gia vị chế biến


Tin tức trên Vietnamnet, thành viên Bồ Công Anh trên facebook cá nhân chia sẻ, gia đình anh vừa đi ăn ở quán Hoàng Y. trên đường Nguyễn Quang Diệu (Quận 3, TP.HCM). Đến khi tính tiền, cả nhà khá bất ngờ bởi trong hóa đơn tạm tính ghi nghêu và sò giá 219.000 đồng/đĩa, trái cây thì tính riêng từng thứ.

"Đặc biệt, nhà hàng tính thêm cả gia vị bếp nấu 190.000 đồng. Bà chủ quán bảo là gia vị nêm nấu lẩu và nướng món cá lăng. Gọi ông đờn ghita của quán lên để bác mình hát ca cổ thì bị tính 1 triệu đồng nữa”, thành viên này chia sẻ.

Ngoài ra, thành viên này còn thắc mắc, gia đình chỉ có 9 người đi ăn, trong đó có cậu và 2 chị nữa uống nước suối, còn lại uống bia. Nhưng đến khi thanh toán, hóa đơn ghi dùng hết tận 60 cái khăn, giá 180.000 đồng; uống 96 lon kia Heineken hết 2,46 triệu đồng, 5 chai bia Tiger. “Không ai uống hết được từng đó bia, song, không biết vỏ lon ở đâu ra mà lắm thế”.

Ngay sau khi thông tin được đăng tải, cư dân mạng đã chia sẻ khắp các diễn đàn và bày tỏ sự bất bình về chiêu tận thu của nhà hàng này. Phần lớn đều cho rằng, nếu có 9 người thì không thể dùng hết 60 cái khăn và hơn 101 lon bia được. Nhà hàng có thể nhầm lẫn, hoặc cố tình tính khống để “chặt chém” khách.

[mecloud]HplZx2xbFe[/mecloud]

Trên trang Vitalk, thành viên Dieulx bình luận: “Mình thấy hơi vô lý, bởi như vậy bình quân một người uống 17 lon bia. Đội quân này hơi siêu nhân. 60 cái khăn chia cho 9 người, nghĩa là một người dùng khoảng 7 cái. Khả năng lau khắp người mới đến số đó”.

Còn thành viên Anh2coi thì thắc mắc: “Gia vị bếp nấu 190.000 đồng, hẳn là nhà hàng này nấu bằng gia vị hiếm có khó tìm”.

Tuy nhiên, thành viên khác lại cho rằng chuyên nhà hàng lấy thêm tiền gia vị bếp nấu có thể xảy ra. “Nếu khách yêu cầu ăn cá lăng mà nhà hàng không có, hoặc khách đem cá lăng đến nhờ nhà hàng chế biến, nấu cho thì tiền gia vị tính vào là hoàn toàn phù hợp, không có gì bất hợp lý cả. Nhưng nếu nhà hàng có món cá lăng mà vẫn tính tiền gia vị bếp nấu cho khách thì là chuyện lạ, khách bị chặt chém rồi”, thành viên Havy bình luận.

Trao đổi với Vietnamnet, chị Nguyễn Thanh Loan, chủ một nhà hàng trên phố Đình Ngang, Hoàn Kiếm khẳng định chuyện tính tiền gia vị khi nấu ăn cho khách là điều quá vô lý, chị chưa từng thấy nhà hàng nào làm như vậy.

Theo chị Loan, giá một món ăn mà nhà hàng niêm yết trong thực đơn đã được tính toán dựa trên giá tiền nguyên liệu, tiền gia vị, tiền công,... đầy đủ. Nếu tính thêm tiền gia vị thì nhà hàng cũng có thể tính thêm rất nhiều loại tiền khác.

Tuy nhiên, một trường hợp khác là khách đem đồ đến nhờ nhà hàng chế biến hộ cho thì nhà hàng có thể tính tiền công. Song, nhà hàng cũng phải thỏa thuận trước tiền công với khách, khách đồng ý thì làm không thì thôi chứ nhà hàng không thể tự ý đưa ra mức tiền, chị Loan cho hay.

“Ngay cả chuyện dùng hết 60 cái khăn và uống hết 101 lon bia cũng vậy. Làm sao có 9 người dùng hết được từng đó đồ?”, chị Loan ngạc nhiên.

Song, theo chị Loan, đây vẫn là thông tin được đưa trên mạng, khó kiểm chứng. Rất có thể chỉ là trò vui của một số người hay một trò cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà hàng với nhau.

Uống chanh đá tính cả phụ thu máy lạnh 20.000 đồng


Cách đây không lâu, một hóa đơn thanh toán của quán cafe được cho là ở Sài Gòn vào thời gian là ngày 23/6 vừa qua khiến nhiều người xôn xao. Theo những thông tin trên hóa đơn, có thể thấy một khách hàng vào quán lúc 20h20, dùng một ly đá chanh với giá 23.000 đồng nhưng cuối cùng phải trả tổng cộng 43.000 đồng vì phụ thu thêm 20.000 đồng tiền... máy lạnh.

Thời gian vị khách ngồi ở quán chỉ hơn 30 phút (thanh toán vào lúc 20h56) nhưng phải trả thêm tiền phụ thu máy lạnh khiến nhiều người không đồng tình. Một người dùng mạng bình luận: "Đã là cafe máy lạnh thì giá thức uống cũng đã bao gồm phí tiền điện, tiền máy lạnh ở trong đó chứ. Hơn nữa, chỉ ngồi trong khoảng thời gian ngắn mà lại phụ thu đến 20.000 đồng là quá đắt!"

Thực tế, một số quán cafe hiện nay vẫn có hình thức phụ thu như phụ thu từ 30.000-50.000 đồng/người cho những đêm nhạc, kịch tại quán, hoặc phụ thu từ 15.000 - 25.000 đồng cho những vị khách nào vào quán nhưng không gọi món, có quán còn phụ thu thêm một số khoản tiền nhất định nếu khách mang đồ ăn, thức uống từ bên ngoài vào.

Tuy nhiên, các quán cafe này sẽ ghi rõ phí phụ thu trong thực đơn của quán, hoặc nhân viên thông báo khi khách vừa ngồi vào bàn. Hình thức phụ thu tiền máy lạnh hầu như chưa có quán cafe nào từng áp dụng trước đây.

2 bát cơm bất thình lình "nhảy" vào hóa đơn

Viết chú thích ảnh ở đây.

Ngày 3/7, Đội Quản lý thị trường số 2 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa) cho biết, trong mùa du lịch này, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo thị xã Sầm Sơn phạt rất nhiều trường hợp chủ nhà hàng tự ý nâng giá, thu thêm tiền của du khách, báo Người lao động đưa tin.

Cụ thể, vào ngày 20/4, đơn vị này tham mưu cho lãnh đạo thị xã ra quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh Cao Thị An (kiot số 09, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn) 10 triệu đồng về hành vi không thực hiện bán hàng hóa dịch vụ đúng với mức giá đã được quy định.

Tiếp đó, vào ngày 30/4, tiếp nhận thông tin của du khách về việc họ không ăn cơm nhưng trong hóa đơn thanh toán, nhà hàng Duy Anh (đường Hồ Xuân Hương, phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn) vẫn "chặt chém" thêm 2 bát cơm với giá 60.000 đồng.

Về sự việc này, sau khi cử lực lượng chức năng xuống làm việc, Đội Quản lý thị trường thấy việc du khách phản ánh là đúng nên đã tham mưu cho lãnh đạo thị xã Sầm Sơn ra quyết định xử phạt chủ nhà hàng này 20 triệu đồng về hành vi trên.

Theo ông Hoàng Sỹ Quang, đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2, từ đầu mùa đến nay, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo thị xã ra quyết định xử phạt 49 trường hợp vi phạm.

“Mặc dù tình trạng thu thêm tiền vượt giá niêm yết vẫn còn xảy ra, nhưng dù thu thêm 1 bát canh hay 1 bát cơm mà du khách phản ánh là chính xác thì chúng tôi vẫn đưa ra hình thức xử lý nghiêm. Năm nay tình trạng có này có giảm nhiều so với năm ngoái, tuy nhiên tình trạng thu tiền quá giá niêm yết vẫn còn, đặc biệt là những ngày cuối tuần, khi lượng du khách về đông”, ông Quang nói.

Con gà 1,2 kg giá 600 nghìn đồng


Thông tin trên báo An ninh Thủ Đô, khoảng 22h ngày 2/7, anh Thái (tài khoản facebook: Thai Nguyen)- người phải trả 600 nghìn đồng cho 1 con gà luộc trọng lượng 1,2kg tại nhà hàng Hải Nhân ở thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa), một lần nữa đã “đăng đàn” trên mạng xã hội, nói lần cuối về vụ việc này.

Lý do là từ lần đầu anh Thái vô tình kể sự việc trên mạng xã hội, câu chuyện đã “tam sao thất bản”, con gà bỗng lớn như thổi, từ 1,2kg thành 2,4kg, rồi thậm chí 2,6kg…cùng nhiều tình tiết không đúng sự thực.

Chính xác là: Đoàn nhà anh Thái đi nghỉ mát tại Sầm Sơn có 4 người lớn và 5 trẻ em. Tối ngày 28/6, cả đoàn đi vào thị xã Sầm Sơn, ghé nhà hàng Hải Nhân (26 Lê Lợi, phường Trường Sơn). Do có hải sản mang theo, đoàn nhờ nhà hàng hấp lại, và gọi thêm 1 con gà luộc, 1 đĩa bê xào, 1 đĩa thịt ba chỉ rang cháy cạnh, cơm canh…

Khi đĩa thịt gà được mang ra, anh Thái mới chột dạ vì không hỏi giá trước, bèn dùng điện thoại chụp ảnh.

"Thực ra lúc vào thấy chủ nhà hàng nhanh nhẹn, niềm nở, trông 'giống người tốt' nên tin tưởng; Nhà hàng lại nằm sâu trong thị xã, trông đàng hoàng, nên không nghĩ họ làm ăn chộp giật như ngoài bãi biển..."- anh Thái liệt kê các lý do không hỏi giá trước khi gọi món- "Nói chung việc không hỏi giá trước, lỗi do mình, vì đã quá tin người".

Đến khi tính tiền, hóa đơn ghi tổng cộng hết 1.380.000 đồng, riêng con gà luộc hết 600 nghìn đồng. Mọi người thấy con gà bé tí, chỉ khoảng 1,2kg, bèn thắc mắc sao đắt thế? Chủ quán bảo: “Nhập đắt, nên bán đắt. Con gà này anh chỉ lãi có 80 nghìn đồng thôi”. Anh Thái lắc đầu: “Khiếp, bác chém nó vừa thôi”. Chủ quán thủng thẳng: “Chém gì mà chém, ở đây chỗ nào cũng vậy. Nếu chém thì đã đi viện rồi”.

Sau khi đi nghỉ mát Sầm Sơn về, anh Thái có đăng lại câu chuyện trên diễn đàn Otofun, đồng thời theo lời khuyên của nhiều thành viên diễn đàn, anh đã liên lạc với cơ quan chức năng của thị xã Sầm Sơn.

Tuy nhiên lực lượng quản lý thị trường địa phương cho rằng khó xử lý nhà hàng vì sự vụ đã xảy ra rồi, anh Thái trả tiền ăn có nghĩa là thuận mua vừa bán; và cũng chưa có định giá 1 con gà là bao nhiêu tiền… đồng thời đưa ra lời khuyên chung chung, như cần gọi ngay lúc xảy ra sự việc, tránh vào các quán vỉa hè…

Về phần con gà thì “tam sao thất bản”, từ 1,2kg ban đầu bỗng lớn gấp đôi thành 2,4kg, thậm chí thêm vài lạng thành 2,6kg… với mục đích chống chế cho hành vi “chặt chém” của nhà hàng. Thậm chí có thông tin, anh Thái đã được chủ nhà hàng Hải Nhân bớt lại cho 80 nghìn đồng…

Trong thông tin cuối, vừa để khẳng định, vừa để chấm dứt câu chuyện “con gà luộc 600 nghìn đồng ở Sầm Sơn”, anh Thái viết: “Tôi xác nhận trả đủ theo hóa đơn tính tiền, không thiếu một xu. Cũng chẳng thèm mở mồm kỳ kèo xin bớt. Hết tăng cân rồi lại giảm giá, hãi thật”.

Anh nhìn nhận, bất cứ địa phương nào cũng có người này, người kia và khẳng định: “Tôi yêu Thanh Hóa, nhưng ghét nhà hàng Hải Nhân”.

Liên quan đến con gà luộc bán với giá 600.000 đồng tại bãi biển này, lãnh đạo thị xã Sầm Sơn cho biết đã vào cuộc làm rõ sự việc. Tuy nhiên, đoàn du khách này đã phản ánh tới đường dây nóng sau khi đã rời Sầm Sơn nên khó có căn cứ để xử lý, nhưng nhà hàng Hải Nhân, nơi xảy ra sự việc cũng sẽ bị thanh kiểm tra toàn diện.

Ngọc Anh (Tổng hợp)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-vu-chat-chem-du-khach-ba-dao-a101418.html