SCIC dự kiến thoái vốn tại SGC, thu về gần 400 tỷ đồng


Thứ 3, 25/06/2019 | 04:50


Toàn bộ cổ phiếu mà SCIC đấu giá lần này tương ứng 49,89% lượng cổ phiếu lưu hành của SGC.

Toàn bộ cổ phiếu mà SCIC đấu giá lần này tương ứng 49,89% lượng cổ phiếu lưu hành của SGC.

Theo Vietnamfinance, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thông báo sẽ bán đấu giá trọn lô gần 3,57 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (HoSE:SGC) vào chiều 15/7 tới.

Thời gian đăng ký mua cổ phần SGC sẽ diễn ra từ 24/6 – 12/7. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào 14h30 ngày 15/7 tại Sở GDCK TP. HCM (HoSE).

Giá khởi điểm 111.700 đồng/cổ phiếu. Tính theo mức giá này, SCIC sẽ thu về tối thiểu 398,3 tỷ đồng từ việc bán cổ phần SGC.

Lô cổ phiếu mà SCIC đấu giá tương ứng 49,89% lượng cổ phiếu lưu hành của SGC. Các cổ đông nội bộ của Sa Giang chiếm hơn 30% cổ phần.

Cũng theo công bố, toàn bộ cổ phiếu này sẽ được chào bán cho nhà đầu tư trong nước, trong khi nhà đầu tư nước ngoài không được tham gia mua.

SCIC dự kiến thu về gần 400 tỷ đồng từ thoái vốn tại SGC. Ảnh: VnEconomy

Thông tin từ Trí thức trẻ, Sa Giang là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm từ gạo như: Phồng tôm, hủ tiếu, phở, bún gạo lứt, bánh tráng… Trong đó, phồng tôm là sản phẩm chủ lực và đóng góp trên 90% doanh thu mỗi năm của công ty.

Những năm qua, kết quả kinh doanh của Sa Giang đạt được khá tích cực với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng đều, bất chấp những giai đoạn kinh tế gặp khó khăn. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân (CAGR) giai đoạn 2010 – 2018 của Sa Giang lên tới 8%. Trong đó, doanh thu năm 2018 đạt 288 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 23 tỷ đồng.

Sa Giang hiện đã xuất khẩu sản phẩm tới hơn 40 quốc gia và tỷ trọng xuất khẩu chiếm 55% cơ cấu doanh thu. Tại ĐHCĐ thường niên mới diễn ra, lãnh đạo Sa Giang cho biết sẽ chú trọng hơn thị trường trong nước bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận tốt hơn.

Cơ cấu cổ đông Sa Giang khá cô đặc khi SCIC hiện chiếm xấp xỉ 50% cổ phần. Các cổ đông nội bộ của công ty chiếm hơn 30% cổ phần. Trong năm 2018, các cổ đông nội bộ của Sa Giang đã liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu của công ty.

Trước đó, theo Vneconomy, SCIC cũng đã công khai danh sách 108 doanh nghiệp dự kiến sẽ được bán vốn trong năm 2019.

Theo đó, danh sách trên bao gồm khá nhiều doanh nghiệp lớn mà Nhà nước đang nắm giữ vốn như Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh với 51%; Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh với 0,02%; Công ty Cổ phần FPT với 6%; Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng với 32%; Tập đoàn Bảo Việt với 3%; Tổng công ty Licogi với 41%; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh với 11%.

Ngoài ra còn có, Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) với 36%; Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng với 9%; Công ty Cổ phần Sách Việt Nam với 10%; Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 với 18%...

Đặc biệt, riêng trường hợp của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng có tên trong danh sách dự kiến thoái vốn năm nay nhưng SCIC phải chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vũ Đậu (T/h)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/scic-du-kien-thoai-von-tai-sgc-thu-ve-gan-400-ty-dong-a281163.html