Tuồn thuốc tiêu huỷ ra ngoài tiêu thụ sẽ bị xử lý như thế nào?


Chủ nhật, 03/01/2021 | 02:30


TS.LS Đào Xuân Sơn, Giám đốc công ty Luật Justiva Law cho rằng việc tuồn thuốc tiêu hủy ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật.

TS.LS Đào Xuân Sơn, Giám đốc công ty Luật Justiva Law cho rằng việc tuồn thuốc tiêu hủy ra thị trường là hành vi vi phạm pháp luật.

Có thể bị xử lý hình sự

Như ĐS&PL đã thông tin, nhà máy Xử lý chất thải thông thường và nguy hại Vĩnh Tân (thuộc công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh) bán lô hàng thuốc tây với số lượng gần 1 tấn, cùng 5 tấn nguyên liệu để sản xuất thuốc, chất bảo quản thuốc với giá gần 1 tỷ đồng cho người khác.

Lô hàng này đa phần là thuốc trị các bệnh ung thư, khớp, dạ dày gần hết hạn và cận hết hạn, được công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam giao cho công ty Thiên Thanh tiêu huỷ nhưng bị bán ra ngoài là "hành vi vi phạm pháp luật".

Cụ thể, TS.LS Sơn cho biết, về phía pháp nhân là công ty Thiên Thanh tiến hành các hoạt động khác mà chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép là sai so với quy định của pháp luật.

TS.LS Đào Xuân Sơn.

Công ty Thiên Thanh đang kinh doanh ngành nghề không có trong đăng ký doanh nghiệp thì công ty Thiên Thanh có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 25 Nghị định 155/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 với mức xử phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 đồng.

Ngoài ra, việc công ty Thiên Thanh bán lô hàng là thuốc tây đã hết hạn và gần hết hạn ra thị trường, căn cứ theo điểm a khoản 12 Điều 17 của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về việc xử lý đối với các hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, và điểm b khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với tổ chức và căn cứ theo khoản 13, 14 Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, công ty Thiên Thanh có thể bị xử phạt 400 triệu đồng về hành vi này.

Đồng thời, tổ chức, xác nhân có hành vi vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm; tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Mặt khác, tổ chức, cá nhân vi phạm còn phải khắc phục hậu quả: Buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Hơn nữa, căn cứ theo khoản 2, Điều 5 luật An toàn thực phẩm 2010, việc sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng là một trong những hành vi bị cấm.

Theo khoản 1 Điều 6 của Luật này, hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc (khoản 1 Điều 2 luật Dược 2016), điểm b khoản 5 Điều 6 luật Dược 2016 nghiêm cấm hành vi kinh doanh dược là thuốc và nguyên liệu làm thuốc đã hết hạn sử dụng.

Có tới 85 loại thuốc điều trị các bệnh: Ung thư, xương khớp, dạ dày...

Tuy nhiên, công ty Thiên Thanh vẫn thực hiện hành vi này, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 190 BLHS 2015 (áp dụng cho cả cá nhân và pháp nhân thương mại) có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự, bị phạt tiền từ 6 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo TS.LS Sơn, còn đó trách nhiệm liên đới của công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam trong việc giám sát, kiểm tra việc tiêu hủy hàng của mình.

"Cơ sở có thuốc bị tiêu hủy phải chịu toàn bộ trách nhiệm liên quan đến việc hủy thuốc và phải báo cáo kèm theo biên bản hủy thuốc tới sở Y tế địa phương theo quy định tại mẫu số 06 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 11/2018/TT-BYT.

Như vậy, công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm trong vụ việc này", TS.LS Sơn phân tích.

Xử lý thế nào?

Thực tế, công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt nam đã giao cho công ty Cổ phần Môi trường Thiên Thanh số lượng là khoảng 1 tấn thuốc tây và 5 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc, chất bảo quản đã hết hạn sử dụng để tiến hành tiêu hủy.

Việc này được tiến hành tại nhà máy xử lý chất thải thông thường và nguy hại Vĩnh Tân.

Thay vì tiến hành tiêu hủy số lượng thuốc và nguyên liệu này, ông Nguyễn Văn Đại là người giám sát và quản lý của nhà máy Vĩnh Tân tiến hành bán toàn bộ số hàng này cho ông Nguyễn Văn Tân với số tiền 921 triệu đồng.

Với việc là người giám sát và quản lý nhà máy, ông Đại không thể không biết việc số hàng trên đã hết hạn cần tiến hành tiêu hủy nhưng ông Đại vẫn bán cho ông Nguyễn Văn Tân (ngụ quận 7, TP.HCM).

Chính nhờ đảm nhận vị trí quan trọng trong nhà máy, việc ông Đại phải nắm rõ nguồn gốc về số thuốc và nguyên liệu sản xuất, chất bảo quản đã hết hạn sử dụng là điều rất rõ ràng.

"Như vậy, hành vi của ông Đại có dấu hiệu vi phạm Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì ông Đại đã vi phạm về việc bán thuốc đã hết hạn sử dụng.

Trường hợp nếu ông Đại thực hiện hành vi này một mình, không có sự chỉ đạo của ban lãnh đạo công ty Thiên Thanh thì ông Đại có thể bị xử lý về tội Tham ô tài sản, theo quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015", TS.LS Sơn nhấn mạnh.

"Riêng đối với ông Lê Công Toại, cũng cần xem xét vai trò đồng phạm trong vụ việc này vì đã tiếp tay cho ông Đại thực hiện hành vi phạm tội bằng cách giới thiệu người mua. Phải làm rõ ông Toại đã hưởng lợi bất chính bao nhiêu trong việc giới thiệu này", TS.LS cho hay.

Phân tích thêm, nam luật sư cho rằng: "Nếu số lượng khoảng 1 tấn thuốc tây và 5 tấn nguyên liệu sản xuất thuốc, chất bảo quản đã hết hạn sử dụng này được bán ra ngoài thị trường, khi sử dụng các loại hàng hóa hết hạn trên có thể dẫn đến nhiều hệ lụy đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.

Cùng với đó số nguyên liệu sản xuất nếu được tiến hành sản xuất sẽ đồng thời tạo ra số lượng thuốc không đạt chất lượng và đây là hành vi rất khó để cơ quan chức năng có thể phát hiện và kiểm tra xử lý.

Với việc số hàng hóa này đã hết hạn sử dụng, có thể coi đây là hàng giả, hàng kém chất lượng và nếu tiêu thụ ra thì trường sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng. Đây là hành vi cố tình vi phạm pháp luật để thu lợi nhuận bất chính và vô đạo đức cần phải nghiêm trị".

Hiện, vụ việc đang được cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Đồng Nai thụ lý, giải quyết.

"Tất cả những người liên quan đến vụ việc này đều có hành vi cố ý phạm tội thỏa mãn điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 10 BLHS 2015: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.


Thanh Tùng
 
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (52) 

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tuon-thuoc-tieu-huy-ra-ngoai-tieu-thu-se-bi-xu-ly-nhu-the-nao-a351337.html