Vì sao Tân Hiệp Phát phải thương lượng "con ruồi giá 500 triệu"?


Thứ 7, 07/02/2015 | 01:56


Cùng sự kiện

(ĐSPL) – Nếu không phải sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát thì có nhất thiết phải thương lượng tới 3 lần về giá tiền bồi thường không?

(ĐSPL) – “Nếu không phải sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát thì có nhất thiết phải thương lượng 3 lần về giá tiền bồi thường không?", ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đặt câu hỏi. 

Vụ việc “con ruồi giá 500 triệu” giữa một người dân ở Tiền Giang và công ty Tân Hiệp Phát gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Võ Văn Minh cùng tang vật (nguồn Internet)

Không ít ý kiến mổ xẻ về hành vi sai trái của anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) về tội danh "Cưỡng đoạt tài sản" khi "tống tiền" doanh nghiệp Tân Hiệp Phát.

Cũng nhiều người tiêu dùng hoang mang đặt câu hỏi tại sao con ruồi lại có trong chai nước ngọt Number One?

Phải chăng quy trình sản xuất của Công ty Tân Hiệp Phát có vấn đề dẫn đến việc mất vệ sinh, côn trùng lọt vào chai nước ngọt... và vì muốn che giấu thông tin, Công ty Tân Hiệp Phát đã chấp nhận trả 500 triệu đồng đổi lấy sự im lặng nhưng cuối cùng lại “bẫy” chính kẻ tham lam?

Xem video:

Phó chủ tịch Hội TC & BVNTD lên tiếng vụ 'con ruồi giá 500 triệu'

Xung quanh sự việc này, chiều ngày 5/2, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Như thông tin thì anh Minh hiện đang bị cơ quan điều tra tạm giữ để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản công ty TNHH Tân Hiệp Phát. Còn về phía công ty Tân Hiệp Phát, ở góc độ người tiêu dùng chúng tôi có đặt ra một số vấn đề.

Trước sự lo lắng của người tiêu dùng, để bảo đảm quyền được thông tin về hàng hóa, công ty Tân Hiệp Phát cần sớm đưa ra câu trả lời, sản phẩm có con ruồi ấy có phải của công ty hay không?

Có việc mặc cả thỏa thuận giá giữa khách hàng và đại diện phía công ty để mua sự im lặng hay không? Nếu không phải sản phẩm của công ty thì tại sao phải thương lượng với khách hàng về giá tiền bồi thường?

Trường hợp là hàng giả, liệu khách hàng có đủ khả năng gây sức ép với công ty?

Nếu thực sự có việc trao đổi để mua sự im lặng khi sản phẩm có vật thể không an toàn VSTP thì đây là vấn đề rất đáng lo ngại cho người tiêu dùng. Khi sản xuất những mặt hàng đồ uống, liên quan tới chất lượng sản phẩm mà lại bưng bít thông tin thì liệu có thể chấp nhận được không? Người tiêu dùng sẽ mất niềm tin vào sản phẩm của hãng.

Nhớ lại vụ con gián cũng tương tự, liên quan đến sản phẩm của THP vào năm 2012, liệu đây có phải là kịch bản lặp lại? Trong khi có nhiều cách để bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất".

Trước việc dư luận cho rằng, người tiêu dùng có quyền được đòi doanh nghiệp bồi thường khi bị sử dụng những sản phẩm kém chất lượng mà trong trường hợp của vụ việc trên anh Minh lại bị bắt, ông Hùng cho hay, luật pháp đã quy định người tiêu dùng có 8 quyền, trong đó có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa không đúng tiêu chuẩn, chất lượng. Mức bồi thường đến đâu tùy thuộc vào sự thiệt hại và trên cơ sở quy định pháp luật.

Trong trường hợp này, khách hàng đã vượt quá quyền hạn mà pháp luật quy định. Việc ra điều kiện để đánh đổi sự im lặng theo kiểu tống tiền là vấn đề hoàn toàn khác. Vi phạm đến đâu, cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ làm rõ. Bài học đắt giá này đã từng xảy ra, nhưng đáng tiếc nay vẫn lặp lại. 

Chai nước có con ruồi bên trong.

Ông Hùng còn cho biết, trước thực trạng nhiều người còn chưa nắm vững quyền cũng như nghĩa vụ của người tiêu dùng, hội đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên đến nay, đã hơn 3 năm kể từ khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn chưa quan tâm.

Trên cương vị đại diện cho tổ chức bảo vệ người tiêu dùng, ông Hùng kết luận: "Trong câu chuyện này, người tiêu dùng đã đi quá xa trong việc sử dụng quyền của mình để rồi vướng vào vòng lao lý. Còn đối với doanh nghiệp với cách xử lý vụ việc như vậy sẽ khó tránh khỏi lòng tin của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng".

Chiều ngày 5/2, Thượng tá Đinh Văn Thảnh, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (phòng PC45) công an tỉnh Tiền Giang cho biết cơ quan này đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh, ngụ huyện Cái Bè về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".

Trước đó vào ngày 27/1, các trinh sát hình đã tạm giữ hình sự Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) để điều tra làm rõ hành vi Cưỡng đoạt tài sản.

Được biết, Minh là chủ quan cơm ở xã An Cư, ngày 3/12/2014, Minh phát hiện con ruồi trong chai nước Number one của Công ty Tân Hiệp Phát khi bán cho khách. Nổi lòng tham, Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện cho doanh nghiệp yêu cầu cử đại diện xuống miền Tây thương lượng.

Trong lần gặp đầu tiên, Minh yêu cầu phía công ty phái đưa cho Minh 1 tỷ đồng nếu không sẽ đưa cho báo chí đăng và in 5.000 tờ rơi phát tán.

Sau ba lần thương lượng có lập biên bản hai bên đã đồng ý mức giá 500 triệu đồng.

Tới ngày 27/1, Minh hẹn gặp đại điện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè, trong lúc nhận 500 triệu đồng thì bị trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/vi-sao-tan-hiep-phat-phai-thuong-luong-con-ruoi-gia-500-trieu-a82781.html