+Aa-
    Zalo

    Tỉnh Ninh Thuận đánh đố nhà đầu tư như thế nào tại dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná?

    ĐS&PL Trung tâm điện khí LNG Cà Ná mới chỉ ở mức thông báo mời quan tâm, song tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng

    Trung tâm điện khí LNG Cà Ná mới chỉ ở mức thông báo mời quan tâm, song tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu nhà đầu tư phải có văn bản cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng hợp pháp. Đây là điều rất bất bình thường.

    Tổ hợp điện khí LNG Cà Ná có công suất 6.000MW. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án là xây dựng 1 nhà máy điện khí LNG có công suất 1.500MW, với tổng mức đầu tư khoảng 49.000 tỷ đồng.

    Ngày 12/2/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 48/TB-VPCP, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về đề nghị bổ sung trung tâm điện khí LNG Cà Ná vào quy hoạch điện VII điều chỉnh.

    Tại thông báo này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc kiến nghị của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Ninh Thuận về việc giao địa phương chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án nhà máy điện khí LNG thuộc Trung tâm điện khí LNG Cà Ná, đảm bảo các yêu cầu công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và đảm bảo hiệu quả tốt nhất cho đất nước. Việc này được thực hiện sau khi dự án được chính thức phê duyệt bổ sung quy hoạch và bộ Công Thương có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện.

    Tiếp đó, ngày 23/4/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 479/TTg-CN về việc bổ sung các Trung tâm điện lực LNG Cà Ná và Long Sơn vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Theo văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản số 2380/BCT-ĐL ngày 1/4/2020 về việc bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đối với Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (tỉnh Ninh Thuận) và Trung tâm Điện lực LNG Long Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

    Mô hình Nhà máy điện khí LNG Cà Ná. Ảnh: http://m.icon.com.vn/

    Cụ thể, bổ sung Trung tâm Điện lực LNG Cà Ná (giai đoạn 1) công suất khoảng 1.500 MW vào Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), tiến độ vận hành năm 2025 - 2026. Còn các giai đoạn tiếp theo sẽ được xem xét cụ thể trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).

     Dưới sự hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự chỉ đạo của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 12/12/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận có thông báo số 4125/TB-SKHĐT, thông báo mời quan tâm dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, công suất 1.500MW.

    Dù mới chỉ là thông báo mời quan tâm dự án, song tỉnh Ninh Thuận và Sở KHĐT đã đưa ra nhiều yêu cầu nhằm gây khó cho nhà đầu tư.

    Cụ thể, Trung tâm điện khí LNG Cà Ná mới chỉ trong chủ trương, chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, công tác thiết kế kỹ thuật (FEED) chưa hoàn thành… thế nhưng, tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu nhà đầu tư phải cam kết hoàn thành dự án vào quý III/2024; Cam kết đầu tư xây dựng hạng mục kè Đông, nạo vét luồng lạch đảm bảo cho tàu 300.000 tấn ra vào cảng hoạt động trong năm 2022.

    Ngoài ra, thông báo mời quan tâm dự án của Sở KHĐT Ninh Thuận được công bố vào đúng khoảng thời gian các nước phương tây đang trong kỳ nghỉ Giáng sinh (từ ngày 12/12/2020 đến 14/1/2021). Hơn thế nữa, tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, người từ nước ngoài đến Việt Nam sẽ phải cách ly 14 ngày theo quy định. Như vậy, với khoảng thời gian còn lại vỏn vẹn 18 ngày, khó có nhà đầu tư nước ngoài nào kịp hoàn thiện hồ sơ để nộp cho Sở KHĐT Ninh Thuận.

    Liên quan đến vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Việt Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KHĐT.

    Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, về cơ bản thông báo của Sở KHĐT Ninh Thuận là không sai, nhưng rườm rà, gây hiểu lầm khiến nhà đầu tư nản lòng.  “Chỉ cần thông báo chúng tôi có dự án như thế này, nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ chứng minh năng lực, thông báo thời gian nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ là được” – ông Hùng cho hay.

    Bên cạnh đó TS. Nguyễn Việt Hùng cũng chỉ ra những điểm bất hợp lý trong thông báo mời nhà đầu tư quan tâm dự án Trung tâm điện khí LNG Cà Ná.

    Theo ông Hùng, việc tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư cam kết đưa dự án vào hoạt động trong quý III/2024 là điều không tưởng. “Dự án chưa có cái gì thì chẳng nhà đầu tư chân chính nào dám cam kết thời gian hoàn thành. Thông thường, người ta sẽ quy định thời gian thực hiện dự án là bao lâu, chứ không phải chốt thời gian gấp rút như vậy” – ông Hùng nói.

    Không những vậy, trong Yêu cầu sơ bộ về năng lực kinh nghiệm nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1 của tỉnh Ninh Thuận cũng có điểm bất bình thường.

    Ông Hùng nhận định, việc tỉnh Ninh Thuận áp tiến độ dự án phải đưa vào hoạt động trong quý III/2024 cho thấy tính cấp thiết của dự án. Tuy nhiên, tại Mục 9, thông báo kết quả đánh giá sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của các nhà đầu tư lại có vấn đề. Tại Khoản 2, trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, trước khi đăng tải thông tin theo quy định tại Khoản 1 Mục này. Sở KHĐT báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận xem xét, quyết định theo một trong hai phương án sau đây:

    Phương án 1: Thông báo và hướng dẫn nhà đầu tư nộp hồ sơ trình quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật khác có liên quan theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 13, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP.

    Phương án 2: Gia hạn thời gian đăng ký thực hiện dự án. Thời hạn do Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định và sẽ được thông báo trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Nhà đầu tư đã đáp ứng yêu cầu không phải nộp lại hồ sơ đăng ký thực hiện dự án.

    TS. Nguyễn Việt Hùng cho rằng, gần như phương án 2 sẽ không được tỉnh Ninh Thuận áp dụng do tính chất cấp bách của dự án. Bởi nếu như áp dụng phương án này, nếu có thêm nhà đầu tư đủ yêu cầu thì dự án sẽ phải tổ chức đấu thầu theo như Mục 3 của thông báo. Và nếu phải tổ chức đấu thầu thì sẽ mất rất nhiều thời gian, không còn được như dự tính của tỉnh Ninh Thuận. Bởi vậy, tỉnh này sẽ áp dụng phương án 1, và kết quả sẽ chỉ định nhà đầu tư dự án.

    Ngoài ra, theo ông Hùng, trong thông báo 4125 của Sở KHĐT Ninh Thuận có những yêu cầu rất vô lý. Dự án chưa có, thì làm gì có tổ chức tín dụng nào dám cam kết cho vay vốn mà tỉnh Ninh Thuận yêu cầu nhà đầu tư trưng ra cam kết này?

    GIANG NAM

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-ninh-thuan-danh-do-nha-dau-tu-nhu-the-nao-tai-du-an-trung-tam-dien-khi-lng-ca-na-a351756.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    vtc.vn
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan