TP.HCM đề xuất lập "thành phố phía Đông": Thành phố trong thành phố chưa có tiền lệ liệu có khả thi?


Chủ nhật, 19/04/2020 | 01:30


Cùng sự kiện

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản xin ý kiến bộ Xây dựng về thủ tục hồ sơ khi TP.HCM đưa ra đề án gộp quận: 9, 2 và Thủ Đức

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản xin ý kiến bộ Xây dựng về thủ tục hồ sơ khi TP.HCM đưa ra đề án gộp quận: 9, 2 và Thủ Đức để lập thành phố phía Đông, trực thuộc TP.HCM. Thành phố phía Đông có diện tích 221,57km2 , quy mô hơn 1,169 triệu dân. PV Đời sống & Pháp luật đã ghi nhận nhiều ý kiến của chuyên gia về quy hoạch và kiến trúc liên quan đến vấn đề được đông đảo người dân quan tâm.

Sáp nhập 3 quận thành “Thành phố phía Đông”

Vừa qua, Văn phòng UBND TP.HCM cho biết ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã ký văn bản số 1157/UBND-TH gửi bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM.

Cụ thể, TP.HCM đang thực hiện việc xây dựng đề án thành lập Thành phố phía Đông, trực thuộc TP.HCM trong đó 3 quận là quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức sẽ được sát nhập lại với nhau có diện tích tự nhiên là 211,57km2 , quy mô hơn 1,169 triệu dân. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của Thành phố phía Đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.

Tuy nhiên, việc sáp nhập 3 quận 2, 9 và Thủ Đức để thành lập thành phố trực thuộc thành phố là chưa có tiền lệ (nếu sáp nhập 3 quận để thành lập một quận mới thì phù hợp chủ trương theo tinh thần Nghị quyết số 37, Nghị quyết số 653). TP.HCM đề nghị bộ Xây dựng sớm phúc đáp về việc thực hiện hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị với trường hợp TP.HCM sáp nhập ba quận để thành lập thành phố trực thuộc thành phố.

Truyến Metro TP.HCM đang hình thành và thúc đẩy kinh tế

Ngoài ra, UBND TP.HCM cũng kiến nghị bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại và chương trình phát triển đô thị đối với trường hợp TP.HCM sáp nhập 3 quận để thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM. Đồng thời chấp thuận việc Thành phố phía Đông dự kiến được thành lập sẽ không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị và tiêu chuẩn về đơn vị hành chính trực thuộc đối với đơn vị hành chính dự kiến hình thành sau khi sắp xếp, tương tự như một số trường hợp đặc biệt khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã...

Vẫn còn thiếu nhiều điều kiện

Liên quan đến việc TP.HCM đề xuất lập Thành phố phía Đông, liệu rằng khu vực phía Đông đã đủ điều kiện để làm hay chưa? Trao đổi câu hỏi này với KTS.TS Võ Kim Cương – nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho hay: “Khu vực phía Đông có điều kiện cần để làm nhưng muốn đủ phải tạo thêm những điều kiện nữa. Hiện nay khu này vẫn còn nhiều đất trống, hệ thống hạ tầng cơ bản, trục giao thông lớn đã có, cần phải phát triển bổ sung thêm các trục giao thông. Bởi vì một thành phố phát triển phải có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đặc biệt là kết nối những vùng xung quanh thì mới phát triển một thành phố hiện đại được”.

Cũng theo KTS Võ Kim Cương, tình trạng kẹt xe, ngập nước trên địa bàn TP.HCM đã khiến cho toàn Thành phố chậm lại, nếu phát triển xây dựng tiếp, phải cải tạo với chi phí rất tốn kém nên tốt nhất cần hạn chế xây dựng. Do đó, việc phát triển nên tập trung về phía Đông cần tạo thêm chính sách, động lực để phát triển thêm khu vực này chứ chưa thể thành lập một thành phố như vậy.

“Để có thể nghĩ tới việc thành lập Thành phố phía Đông thành công, trước hết điều đầu tiên cần nghĩ đến là ý tưởng và quy hoạch, trong quy hoạch đặc biệt quan tâm đến vấn đề giao thông, tổ chức lại không gian cho phù hợp. Cần xem lại quy hoạch cũ vì quy hoạch cũ không rõ ý tưởng của 1 thành phố hiện đại, mà nó chỉ là "cấp" 3 quận thôi”, ông Cương chia sẻ.

Cũng theo vị KTS này, hệ thống giao thông khu Đông phải xem lại và có sự điều chỉnh mới. Ví dụ, các hệ thống đường Vành đai như bây giờ, nếu các khu vực đó là khu vực trung tâm (Thành phố phía Đông) ý nghĩa vành đai sẽ giảm, nó trở thành các trục đi xuyên qua khu vực phía Đông. Nên cần các Vành đai khác hoặc trục nối kết ra ngoài khu đô thị này. Sau khi quy hoạch rồi phải có vận động đầu tư rất mạnh dạn và kiên quyết mới có thể tạo ra một cái khung của một đô thị sáng tạo được. Nếu như hiện nay không có một ý tưởng về quy hoạch rõ ràng, không có quyết tâm và một bước đi mạnh mẽ, tôi e là sẽ rất khó khăn.

KTS.TS Võ Kim Cương

Khi được hỏi, từ nhiều năm qua trên địa bàn TP.HCM luôn xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng, trong đó khu vực quận 2, quận 9 luôn là tâm điểm vì có những trục đường như Mai Chí Thọ, Xa Lộ Hà Nội vậy điều này có ảnh hưởng đến hạ tầng của toàn bộ khu vực. KTS Võ Kim Cương khẳng định: “Chắc chắn là có. Bây giờ, người dân kêu ca rất nhiều về kẹt xe ở khu vực phía Đông. Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên khởi công cách đây 8 năm nhưng phải nhiều lần dời thời hạn vận hành, Xa Lộ Hà Nội mở rộng 10 năm rồi vẫn chưa xong. Trong khi đó, chung cư mọc lên “như nấm”, một chung cư hình thành sẽ kéo theo rất nhiều cư dân, nếu các dự án giao thông tiếp tục chậm tiến độ thì kẹt càng thêm kẹt. Đây là những điều cần giải quyết ngay để giảm trở lực cho khu này trước khi có thêm các trục đường huyết mạch tiếp theo.

Chỉ là khu đô thị hiện đại

“Nó chỉ nên là một khu vực đô thị hiện đại, một trung tâm mới vẫn nằm trong hệ thống chính quyền và theo sự vận hành của TP.HCM thôi. Khu Đông phải có cơ chế hoặc quy hoạch riêng hoặc là có sự chỉ đạo mạnh mẽ hơn. Cái đó là do lãnh đạo thành phố quyết. Thành phố có thể phân cấp mạnh hơn hoặc có một Ban quản lý chuyên về phát triển riêng, tức là có những bộ phận chuyên trách hơn so với chính quyền hành chính ở địa phương”, KTS Võ Kim Cương nói.

Quản lý chặt các dự án, có chính sách thu hút đầu tư

Nhìn vào những nỗ lực của TP.HCM trong nhiều năm qua, chúng ta có thể thấy rằng cơ sở hạ tầng tại quận 2, quận Thủ Đức đang ngày càng được hoàn thiện và nâng cao. Đặc biệt là các tuyến giao thông huyết mạch đều nằm trên những địa bàn này, đây là một trong những lợi thế đòn bẩy kinh tế xã hội cho cả quận và góp phần xây dựng thành phố. Ngoài ra, tại 3 quận được đề xuất gộp lại thành Thành phố phía Đông hiện nay đang là tâm điểm của các dự án bất động sản chung cư, nhà phố mọc lên “như nấm” càng thúc đẩy hơn sự phát triển ở đây.

Tuy nhiên, việc phát triển của hàng loạt dự án cũng đang khiến khu vực gặp nhiều khó khăn hơn, theo chuyên gia quy hoạch KTS.TS Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners thì: “Khu phía Đông có tiềm năng rất lớn nhưng thử thách còn rất nhiều, bài toán thứ nhất là công trình hạ tầng, thứ hai là có người dân sống an cư lạc nghiệp đông đúc, lúc đó mới tới giai đoạn có thành lập thành thành phố hay không. Bây giờ chưa thể gọi khu phía Đông là thành phố được bởi vì công trình chưa có, hạ tầng còn khiêm tốn. Thành lập Thành phố phía Đông cái cần nghĩ tới là phải xây dựng được chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển cho cả khu này trước, giải quyết trước bài toán về quy hoạch, kẹt xe, phát triển không cân xứng của khu Đông”.

Ông Nam Sơn cũng cho hay, hiện nay khu Đông đang thiếu quy hoạch, thiếu dân số, thiếu đầu tư hạ tầng, thiếu đầu tư công trình. Cho nên, cần xác định nó là một dự án chứ chưa phải một thực thể. “Tôi muốn nhấn mạnh, quy hoạch này phải giải quyết một bài toán là thành lập một khu đô thị phía Đông chứ không phải đưa đồ án bản vẽ mà thành phố đã có tiền xây rồi. Phải nghĩ một giải pháp quy hoạch làm sao để tạo giá trị thu hút đầu tư. Còn nếu không, rất dễ thành một bản vẽ trên giấy không khả thi. Có quy hoạch xong phải có kế hoạch thực hiện quy hoạch, lập kế hoạch tài chính để xây dựng, lập kế hoạch thu hút dân cư, lập kế hoạch lập chính quyền đô thị, tạo nên khu đô thị an cư lạc nghiệp”.

Cùng quan điểm KTS Võ Kim Cương cho hay, hiện nay ở những khu vực trên, việc một vài dự án tự phát chưa ngăn chặn được, đặc biệt là việc phân lô tách thửa, phát triển không theo quy hoạch, đầu cơ đất, những việc đó sau này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đô thị phía Đông. Đầu cơ đất rồi thì đền bù giải tỏa sẽ khó khăn hơn.

“Làm một đô thị mới phải có chính sách tài chính, chính sách tài chính liên quan đến đất đai thì việc khai thác đất đai sẽ được tính tới. Nếu như đất đai bị đầu cơ, rất khó có thể phát triển được đường giao thông. Nhưng không có đường thì... “bó tay”. Những việc như vậy thành phố phải chủ động đi trước để lo hạ tầng, huy động được nguồn lực từ đất phục vụ cho hạ tầng. Nếu cứ để đầu cơ đất, làm dự án lẻ tẻ thế này thì sẽ rất khó để phát triển hạ tầng đồng bộ hiện đại” nguyên KTS Trưởng của TP.HCM chia sẻ.

Kỳ vọng phát triển bất động sản tại khu vực

Chuyên gia BĐS Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Vạn Phúc

Chia sẻ về việc gộp 3 quận để thành lập thành phố trong thành phố có tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh chung, bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Tập đoàn bất động sản Vạn Phúc (Tiền thân Tập đoàn bất động sản Đại Phúc - PV) cho hay: “Đây là chủ trương đi cùng với định hướng chiến lược phát triển dài hạn của thành phố. Khu Đông đang có nhiều lợi thế phát triển do vị trí giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, hạ tầng giao thông đang phát triển mạnh và ngày càng hoàn thiện với trục đường cao tốc và tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động. Nơi đây hội tủ đủ các yếu tố để hình thành nên 1 trung tâm mới về kinh tế, giáo dục, công nghệ, thương mại và dịch vụ, vui chơi giải trí... Việc gộp 3 quận khu Đông sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc phân bổ nguồn lực hợp lý, quy hoạch đồng bộ, thuận lợi trong công tác quản lý, điều hành và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của khu vực này trong tương lai với mô hình khu đô thị sáng tạo đi tiên phong trong các lĩnh vực phát triển của thành phố”.

Phùng Sơn

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (15)

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tphcm-de-xuat-lap-thanh-pho-phia-dong-thanh-pho-trong-thanh-pho-chua-co-tien-le-lieu-co-kha-thi-a320057.html