Kinh hoàng “sát thủ bộc phát” và tìm lời giải người thường bỗng hóa điên


Thứ 7, 15/08/2015 | 08:19


Câu hỏi đặt ra có bao nhiêu người bình thường có thể hoá điên gây nguy hiểm cho không chỉ các y bác sỹ mà cho cả người vô tội? PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm câu trả lời.

(ĐSPL) - Câu hỏi đặt ra có bao nhiêu người bình thường có thể hoá điên gây nguy hiểm cho không chỉ các y bác sỹ mà cho cả người vô tội? PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm câu trả lời.

Từ trước đến nay, chuyên khoa tâm thần vốn vẫn được coi là chuyên khoa đặc biệt trong ngành y. Khi làm việc, các bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên phải chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân rối loạn tâm thần và phải đối mặt với những nguy cơ tai nạn nghề nghiệp do bị bệnh nhân tấn công.

Thực tế đã ghi nhận nhiều sự vụ đau lòng khi bệnh nhân tước đi mạng sống của bác sỹ trong cơn cuồng loạn... Điều đáng nói, cho đến lúc này chưa có điều luật nào nhằm bảo vệ đội ngũ y, bác sỹ chuyên tại khoa đặc biệt này... Câu hỏi đặt ra có bao nhiêu người bình thường có thể hoá điên gây nguy hiểm cho không chỉ các y bác sỹ mà cho cả người vô tội? PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm câu trả lời.

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết

Trong mấy ngày qua, dư luận cũng như các y, bác sỹ đang làm việc tại các bệnh viện tâm thần (BVTT) chưa hết bàng hoàng trước thông tin điều dưỡng Võ Văn Đấu (SN 1989, công tác tại bệnh viện Tâm thần Tiền Giang) bị bệnh nhân tâm thần (BNTT) tưới xăng thiêu sống. Anh Đấu đã trút hơi thở cuối cùng tại phòng chăm sóc đặc biệt khoa Phỏng, bệnh viện Chợ Rẫy.

Những thông tin trước đó cho thấy BVTT Tiền Giang nhận được tin báo nhờ giúp đỡ của ngành chức năng huyện Châu Thành và người nhà bệnh nhân Nguyễn Văn Trí, 40 tuổi (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Lý Tây, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), đang bị kích động thần kinh đòi đốt nhà nên BV cử xe cấp cứu cùng điều dưỡng đến hiện trường khống chế bệnh nhân. Trong lúc  dùng biện pháp nghiệp vụ khống chế bệnh nhân đưa về BV điều trị, điều dưỡng Đấu đã bị bệnh nhân chống đối cuồng loạn và hất xăng đốt cháy.

Bác sỹ BVTT Trung ương 1 đang phát thuốc cho bệnh nhân (Ảnh: Văn Hậu).

Cách đây không lâu, trong lúc làm việc tại khu điều dưỡng tâm thần Thuỵ An, Ba Vì, Hà Nội, nữ điều dưỡng Phạm Thị Xuân (SN 1983) bị bệnh nhân Đỗ Văn Việt (SN 1973, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào người gây tử vong.

Những trường hợp đau lòng trên đã khiến đội ngũ y, bác sỹ đang công tác tại các khoa khám và điều trị bệnh tâm thần trên cả nước hoang mang suốt một thời gian dài.

Đúng là chỉ khi trực tiếp đi vào cảm nhận, tiếp xúc với những bệnh nhân tâm thần tại các BVTT mới cảm thấu hết mối nguy hiểm luôn rình rập đội ngũ y, bác sỹ ở đây. BS CKII Nguyễn A.D. hiện đang công tác tại viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai) kể: “Bệnh nhân ở đây phức tạp lắm! Va chạm, xô xát là chuyện thường ngày, còn bác sỹ thì có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Lúc mình nghỉ thì người ta hát, đập phá, đe dọa, thậm chí tấn công. Làm cái nghề này luôn căng thẳng, mệt mỏi về thần kinh bởi thường ngày tiếp xúc với họ, biết họ hỏi những câu vô nghĩa mà vẫn phải trả lời. Có những lúc các bác sỹ bận vì phải chăm sóc bệnh nhân khác, không kịp trả lời họ thì họ lập tức chửi, nhổ, thậm chí có sẵn thứ gì trong tay là họ ném”.

Bác sỹ D. chỉ cho tôi một bệnh nhân nam đang ngồi trên chiếc giường kê ở góc phòng bệnh. Bệnh nhân là Nguyễn Thường K., nguyên Trưởng phòng tư vấn giám sát thi công cầu đường tại một công ty lớn. Trước đây, K. có vay mượn một số tiền lớn đầu tư vào kinh doanh nhưng bị vỡ nợ, nhà đất bị ngân hàng thu hồi hết, vợ con bỏ mặc... Từ cú sốc ấy cùng với việc liên tục bị các chủ nợ đòi nợ, áp lực quá lớn nên K. phải nhập viện điều trị vì strees nặng. Những lúc bình thường thì K. nói chuyện rất tỉnh táo và vẽ rất đẹp. Nhưng cũng có hôm bất thình lình K. gào thét, túm cổ bác sỹ phát thuốc rồi đánh tới tấp. Hay có khi trong bữa cơm, K. bất ngờ cầm thìa đâm loạn xạ những người xung quanh...

Bác sỹ D. chia sẻ thêm: Không ít bác sỹ làm việc nhiều năm tại BVTT đã bị mắc bệnh... nghề nghiệp. Nhiều bác sỹ nhiễm trạng thái kể lể, than phiền, cục cằn thô lỗ của bệnh nhân. Có người giọng nói “sang sảng” như quát, người thì đôi khi... thẫn thờ như mất hồn. Không ít người trong số chúng tôi mắc bệnh mất ngủ kinh niên vì thường xuyên bị đánh thức giữa đêm. Trong giấc ngủ của chúng tôi lúc nào cũng văng vẳng tiếng khóc nỉ non, tiếng cười khanh khách... của các bệnh nhân.

Chia sẻ với PV, BS. Trương Văn Trình, Trưởng khoa Pháp y – Nghiện chất BVTT TP.Đà Nẵng cho biết: Người bệnh ở khoa Pháp y – Nghiện chất đều thuộc diện điều trị bắt buộc nghĩa là không chỉ là bị tâm thần thông thường mà họ đều là đối tượng gây ra những vụ trọng án, nhẹ thì đánh người gây thương tích, nặng thì giết người, có bệnh nhân còn giết tới 2, 3 người... Khi lên cơn, người bệnh sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm sẵn sàng “đánh đu” mạng sống của chính mình và của những y, bác sỹ ngày đêm chăm sóc họ. Người bị bệnh tâm thần ở đây đều ở dạng mãn tính, tính tình thường cục cằn nóng nảy, dễ xúc động nên chỉ cần một cơn xung chấn nhẹ sẽ khiến người bệnh bộc phát, trở nên cực kỳ manh động. Bởi thế, chuyện bác sỹ ăn đấm, một vài cái tát tai, điều dưỡng đang đút cơm thì bị người bệnh phun cơm, thức ăn vào mặt là chuyện thường ngày...

BS. Trương Văn Trình tâm sự: “Người bị bệnh tâm thần thường đi kèm với căn bệnh kinh niên – Bệnh chửi. Cứ lên cơn là họ lại... chửi, lại xổ ra những từ ngữ tục tĩu, khó nghe. Có anh bác sỹ trẻ mới về bị chửi nóng mặt, giận quá chẳng nói chẳng rằng bỏ về luôn, tôi phải về tận nhà động viên mãi mới chịu đi làm lại. Nghe chửi riết rồi cũng quen. Hơn nữa, khi bình tâm trở lại, bệnh nhân cũng tới xin lỗi, hứa không tái phạm, anh em lại càng thấy thương người bệnh hơn, cho dù trong sâu thẳm trái tim mình, họ biết lời hứa kia cũng chỉ như gió thoảng, bởi chẳng ai biết khi lên cơn, người bệnh sẽ làm những gì...”.

Thiếu “áo giáp” bảo vệ y, bác sỹ

Ở một khía cạnh khác là ngoài việc thường xuyên đối diện với nguy hiểm, các BS công tác tại những BVTT vẫn phải gánh chịu sự kỳ thị của không ít người. Nhiều y, bác sỹ trong ngành đặc thù này chia sẻ: Chữa bệnh cho bệnh nhân tâm thần, chúng tôi bị mặc cảm về tinh thần rất nhiều. Đi đâu, ai hỏi cũng không dám nói. Ngay cả nhiều người trong ngành y tế vẫn còn nhìn chúng tôi với ánh mắt cười cợt, bông đùa. Chính vì lẽ đó mà không có nhiều người dám chọn chuyên ngành đầy “gai góc, hiểm nguy này”. Chỉ những ai can đảm, yêu nghề, có trái tim đồng cảm với người bệnh thì mới bám trụ được.

Một lãnh đạo của BVTT Hà Nội cũng chia sẻ: Người có biểu hiện tâm thần luôn che giấu hành vi và rất khó nhận biết, đến một thời điểm nào đó có thể do hoang tưởng hay một ảo giác nào đấy xui khiến mà gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cùng với đó là những gia đình có con cái bị tâm thần cũng thường che giấu sự thật, không muốn cho ai biết. Chỉ khi nào con cái họ có những rối loạn nặng nề, họ mới đưa đến các cơ sở khám, điều trị. Đó cũng chính là nguyên nhân gây ra những vụ việc đau lòng như đã nói ở trên.

Để tránh tình trạng bệnh nhân tâm thần tấn công y, bác sỹ, theo BS. Nguyễn Văn Bảo (BVTT Trung ương 2), bệnh nhân tâm thần thường mang trong mình những định kiến xã hội sâu sắc, bởi vậy trong tâm thế của mình, họ luôn coi thường mạng sống, tìm mọi cách để chối bỏ quyền được sống của mình. Trong tình huống xấu nhất, họ có thể tước đoạt luôn mạng sống của người thân, thậm chí những người dân vô tội.

“Hiện nay, chưa có bất cứ một phương thuốc nào có thể điều trị triệt để bệnh tâm thần. Phương pháp duy nhất đang áp dụng đó là kết hợp giữa thuốc an thần và các liệu pháp tâm lý. Thái độ của gia đình và những người xung quanh quyết định rất lớn đến khả năng hồi phục của người bệnh. Bởi vậy, hơn lúc nào hết, đội ngũ y, bác sỹ chúng tôi tha thiết mong muốn xã hội cần phải có cái nhìn thiện cảm hơn đối với người bệnh, đừng để thái độ kỳ thị của xã hội làm người bệnh ức chế, gây nguy hiểm cho những người xung quanh...”, BS. Bảo nói.

P.Thiệu-V.Hậu-N.Hưng

Video đang được quan tâm: 

[mecloud]BP66uWrQtZ[/mecloud]

Link nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kinh-hoang-sat-thu-boc-phat-va-tim-loi-giai-nguoi-thuong-bong-hoa-dien-a106386.html