+Aa-
    Zalo

    Kon Tum: Cụ ông 90 tuổi đi bán hàng rong 'nuôi' tấm lòng nhân ái

    • DSPL
    ĐS&PL Đã 90 tuổi nhưng ngày ngày cụ Lưu Bình vẫn đi chiếc xe đạp cọc cạch để bán từng túi đậu phộng để lấy tiền 'nuôi' thùng bánh mỳ từ thiện ở cổng bệnh viện.

    Đã 90 tuổi nhưng ngày ngày cụ Lưu Bình vẫn đi chiếc xe đạp cọc cạch để bán từng túi đậu phộng để lấy tiền 'nuôi' thùng bánh mỳ từ thiện ở cổng bệnh viện.

    Cụ già 90 tuổi bán đậu phộng làm từ thiện

    Hơn 10 năm nay, ngày nào cụ Lưu Bình (ngụ tại phường Quyết Thắng, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cũng đạp xe rong ruổi khắp mọi nẻo đường trong thành phố để bán từng túi đậu phộng. Điều đáng nói là tiền lời thu được từ việc buôn bán này, được cụ để dành cho việc làm từ thiện.

    Cứ chập tối, cụ Bình lại chở 10kg đậu phộng rang đi dọc các quán nhậu ven đường để bán. Ảnh: VTC news

    Cụ cho hay, vào những năm 1970, cụ đưa cả gia đình lên Kon Tum lập nghiệp. Tại đây, do gia đình nghèo khó nên ai thuê gì cũng nhận làm. “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cụ cũng nuôi được 7 người con khôn lớn và có được mảnh đất nhỏ để trồng trọt, chăn nuôi.

    Dần dần do tuổi già, sức yếu, cách đây 20 năm cụ đi bán đậu phộng luộc để mưu sinh. Mỗi ngày, cứ 7 giờ sáng cụ lại dắt chiếc xe đạp hoen rỉ qua thời gian ra khỏi nhà với 10kg đậu phộng, được buộc gọn gàng trên gác-ba-ga. Cụ đẩy xe đi dọc mấy hàng quán, chỗ nào có người là ghé tới, bán hết lại đẩy xe về. Mỗi bịch đậu phộng giá 10 nghìn đồng.

    Trong lúc đi mưu sinh bắt gặp nhiều mảnh đời bất hạnh nên cụ suy nghĩ phải làm gì đó để giúp đỡ những người kém may mắn. Cứ thế mỗi ngày bán đậu phụng, cụ Bình lại để riêng tiền lời. Khi thấy ai thực sự khó khăn, bất hạnh cụ tìm đến tận nơi để giúp đỡ.

    Cách đây khoảng 7 năm, cụ Bình thấy nhiều bệnh nhận tại bệnh viện có hoàn cảnh khó khăn. Có những người không có đủ tiền để mua thức ăn, nước uống. Cụ nghĩ đến việc làm tủ bánh mì từ thiện để hỗ trợ phần nào cho những người thiếu thốn.

    Nghĩ là làm, một tủ kính đựng bánh mì được cụ mua rồi đặt gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Mỗi ngày có khoảng 100 ổ bánh mì được cụ mua rồi cho vào tủ để bệnh nhân nghèo và người chăm nom sử dụng.

    Tủ bánh mì duy trì được 6 năm thu hút sự tham gia ủng hộ của nhiều tấm lòng tốt nên cụ “lui” về. Cụ chuyển sang mua gạo cho bếp cơm từ thiện ở gần bệnh viện. Khoảng 2 - 3 ngày, cụ lại mua 10kg gạo chở đến bếp cơm từ thiện.

    Số tiền lời từ việc bán đậu phụng cụ Bình dùng để giúp đỡ những mảnh đời thực sự khó khăn, bất hạnh. Ảnh: Giáo dục vad thời đại

    Cụ Bình tâm sự: “Hồi còn trẻ thích làm từ thiện, nhưng nhà nghèo, bận nuôi con, không có điều kiện để làm. Giờ có tuổi, rảnh rỗi hơn và vẫn có sức khỏe để đi làm nên cố gắng làm việc tốt giúp đỡ những cảnh đời cơ cực".

    Tấm gương cho nhiều người noi theo

    Biết cụ Bình bán đậu phộng làm từ thiện, nhiều người thường xuyên căn giờ xe đi qua để mua. Có người còn biếu thêm tiền để góp cùng. Anh Lê Dũng (37 tuổi, phường Quyết Thắng, TP Kon Tum) nói: “Cụ ông bán đậu phộng làm từ thiện thì dân ở đây ai cũng biết. Tối nào cụ cũng đẩy xe đi ngang nhà tôi. Gần nhà nên thấy ông cụ bắt đầu đi là nhà tôi lại ủng hộ, riết rồi quen. Người già yếu mà vẫn làm được như cụ Bình, bọn tôi quý trọng lắm”.

    Kể về hành trình làm từ thiện của mình, cụ Bình không quên nhắc đến người bạn đồng hành (chiếc xe đạp). Đó là “bạn già” giúp cụ làm ra tiền để duy trì công việc giúp đỡ người nghèo khó trong 20 năm qua.

    “Mấy chục năm nay, nó thay đôi chân của tôi đi bán hàng rong khắp phố phường. Ngó vậy chứ vẫn còn tốt đáo để. Cũng có những hôm trục trặc, tụt sên, hỏng líp. Nhưng cứ mang ra tiệm sửa sang lại là đi được ngay. Không có nó chắc tôi không đi bán nổi”, cụ Bình vui vẻ nói.

    Dù đã tuổi cao sức yếu, cụ Bình vẫn miệt mài lao động để giúp người có hoàn cảnh khó khăn.

    Trung bình mỗi ngày, cụ Bình bán được khoảng 500.000 đồng. Trừ chi phí còn lại hơn 100.000 đồng. Tất cả số tiền này, cụ Bình sử dụng để làm từ thiện hết. Các con cháu cụ cũng ủng hộ cụ làm việc thiện.

    “Khi hay tin bố có ý định làm từ thiện cả nhà đều nhất trí ủng hộ. Với mình chỉ cần bố vui vẻ, khỏe mạnh là được. Bố đi bán đậu phụng như vậy coi như tập thể dục cho khỏe người vừa tạo niềm vui trong cuộc sống. Điều đáng mừng là dù đi lại nhiều nhưng bố ít khi bị đau.

    Tôi cũng thường khuyên con cái tích cực làm việc thiện. Giúp được một người, làm thêm một việc tốt, ấy là tích thêm một đức vậy. Sẽ chẳng lỗ đâu mà sợ, trao đi tấm lòng thì nhận lại nụ cười”, con trai cụ Bình, ông Lưu Văn Đức, 60 tuổi, bộc bạch.

    Bà Phạm Thị Tố Loan, Phó Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng, TP Kon Tum, cho biết: “Hiện cụ Bình sống với con trai, kinh tế không dư dả nhưng rất hay giúp người. Việc cụ bán đậu phộng được nhiều người dân biết đến, nên gặp cụ là họ mua ủng hộ ngay. Hằng năm vào dịp lễ, Tết, cụ ủng hộ nhiều suất quà để tặng cho hộ nghèo của phường. Những việc làm của cụ rất đáng được tuyên dương”.

    Minh Khôi(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/kon-tum-cu-ong-90-tuoi-di-ban-hang-rong-nuoi-tam-long-nhan-ai-a313889.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan