+Aa-
    Zalo

    Kỳ 1: Định giá thương hiệu với số tiền hàng chục tỷ đồng… “hơi”

    • DSPL
    ĐS&PL (ĐSPL) - Giữa năm 2007, các cổ đông sáng lập công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLMB), đứng đầu là ông Hồ Huy đã họp và ra biên bản thỏa thuận định giá quyền sử dụng...
    LTS: Việc giấu giếm góp vốn bằng giá trị thương hiệu và lập lờ bằng “tiền mặt hơi” khiến nhiều người cho rằng, MLG, MLMB làm việc này để đánh lừa cổ đông, ngân hàng và các đối tác chiến lược…? Báo Đời sống & Pháp luật xin đăng tải loạt bài "Cần làm rõ chiêu “góp vốn bằng giá trị thương hiệu” tại tập đoàn Mai Linh để giúp quý độc giả có cái nhìn rõ nét về vấn đề này. 

    Kỳ 1: Định giá thương hiệu với số tiền hàng chục tỷ đồng… “hơi”

    Giữa năm 2007, các cổ đông sáng lập công ty cổ phần Mai Linh Miền Bắc (MLMB), đứng đầu là ông Hồ Huy đã họp và ra biên bản thỏa thuận định giá quyền sử dụng nhãn hiệu của Tập đoàn Mai Linh (MLG) để góp vốn vào MLMB.

    Không biết căn cứ vào đâu, họ định giá thương hiệu của MLG với giá 56,8 tỷ đồng và số tiền “hơi” này lại được kê khai “gian dối” dưới dạng góp vốn bằng tiền mặt vào MLMB trong hồ sơ đăng ký kinh doanh đã nộp tại sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội.

    50% vốn chủ sở hữu chỉ là một tờ... hoá đơn

    Theo tìm hiểu của PV, việc góp vốn bằng giá trị thương hiệu trên thế giới và ngay cả ở Việt Nam không phải là hiếm. Tuy nhiên, việc “công ty mẹ” góp vốn bằng thương hiệu rồi tìm cách lũng đoạn, chiếm dụng vốn của “công ty con” thì có lẽ chỉ xảy ra ở tập đoàn Mai Linh. Chính vì thế, đến nay, trong khi bị “công ty mẹ” chiếm dụng vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng thì công ty MLMB do ông Hồ Huy đứng lầu lại phải “chạy vạy” nhiều nơi để vay vốn của ngân hàng và nhiều cá nhân, tổ chức.

    Tuy nhiên, theo các cổ đông, việc vay vốn này không phải để phát triển MLMB mà nó sẽ được chuyển sang “cứu giá” cho MLG – đơn vị đang ôm khối nợ khổng lồ là hơn 2.300 tỷ đồng và có dấu hiệu không còn khả năng thanh toán. Kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2015 của MLG, đơn vị kiểm toán Deloitte đã xác định khả năng trả nợ của MLG hiện là âm 911 tỷ đồng và các giải pháp khắc phục của ban Điều hành MLG đã bị kiểm toán nghi ngờ không khả thi và có lẽ MLG đã rơi vào tình trạng “phá sản”!?

    Bảng chi tiết các hình thức góp vốn của Mai Linh Đông Bắc Bộ đến 31/12/2007.

    Những lùm xùm liên quan đến MLG và cá nhân ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT – người đại diện theo pháp luật của cả MLG, MLMB đến nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Bởi sau khi bị báo chí liên tục “bóc mẽ” các chiêu “làm xiếc” tài chính để chuyển vốn từ MLG về hàng trăm doanh nghiệp “sân sau” của ông Hồ Huy hay hành vi chiếm dụng gần như toàn bộ số tiền thu hộ tiền thẻ MCC của các đơn vị thành viên, nợ bảo hiểm xã hội lên đến hàng trăm tỷ đồng của hàng ngàn lái xe... thì MLG vẫn không đưa ra bất kỳ sự giải đáp nào.

    Mới đây, nhiều cổ đông, đối tác của MLMB và các cơ quan chức năng còn ngỡ ngàng khi biết mình bị... lừa! Chiêu lừa này bắt nguồn từ việc góp vốn bằng giá trị thương hiệu của MLG mà đứng đầu là ông Hồ Huy.

    Theo tìm hiểu từ các nguồn thông tin, ngày 1/1/2007, MLG và MLMB ký hợp đồng cho thuê nhãn hiệu (thương hiệu- PV) số 0025/2007/ML-KĐNH và các Phụ lục. Theo đó, MLMB được quyền sử dụng nhãn hiệu của MLG trong thời hạn 15 năm từ ngày ký hợp đồng đến 1/1/2022. MLMB có nghĩa vụ thanh toán tiền thuê 1 triệu đồng/xe/tháng, tạm tính trên cơ sở 300 xe trong thời hạn 15 năm là 56,8 tỷ đồng.

    Sau đó không lâu, vào giữa tháng 9/2007, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT của MLG và các cổ đông khác của MLMB đã tiến hành định giá quyền sử dụng thương hiệu của MLG trong thời hạn 15 năm thành giá trị góp vốn thương hiệu của MLG vào MLMB. Họ định giá thương hiệu là 56,8 tỷ đồng, tương ứng với 10% vốn điều lệ của MLMB.

    Được biết, với việc góp vốn này, hai bên đã ký lại hợp đồng và Phụ lục để bãi bỏ giá thuê 1 triệu đồng/xe/tháng trước đó. Và từ cơ sở thỏa thuận này, MLG đã xuất hóa đơn thu tiền sử dụng nhãn hiệu của MLMB trong 15 năm là 56,8 tỷ đồng mà không phụ thuộc vào số lượng xe. Tuy nhiên, về bản chất, tiền sử dụng thương hiệu đến 1/1/2022 đã được đối trừ toàn bộ phần nghĩa vụ góp vốn của MLG tại MLMB.

    Công văn ngân hàng TMCP Ngoại Thương cảnh báo rủi ro về khả năng vay nợ của tập đoàn Mai Linh. 

    Trao đổi với PV, một cổ đông của công ty MLMB (đề nghị giấu tên) bức xúc: “Việc thoả thuận góp vốn bằng thương hiệu đã không được công bố, thông tin này đã bị người đại diện pháp luật của công ty giấu nhẹm và không đưa vào hồ sơ đăng ký kinh doanh, hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Khi PV tìm cách trích lục hồ sơ đăng ký kinh doanh tại phòng Đăng ký doanh của sở KH&ĐT Hà Nội thì được biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của MLMB thể hiện MLG đăng ký góp vốn bằng tiền mặt. Trong khi đó, “người trong nhà” ai cũng biết MLG góp vốn bằng thương hiệu”.

    Vị này cũng thẳng thắn: “Năm 2007, MLMB chào bán cổ phiếu ra công chúng (IPO). Các nhà đầu tư như chúng tôi đã tin vào những lời đường mật tại bản cáo bạch trong hồ sơ IPO đã được cơ quan quản lý Nhà nước kiểm duyệt để mua cổ phiếu của MLMB tại thời điểm 2007 lên tới: 27.000 đến 34.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng) bởi chúng tôi luôn tin rằng MLMB sẽ không phải trả tiền phí gì cho MLG vì MLG lúc đó được quảng cáo là “công ty mẹ” của MLMB”.

    Có lẽ, không trích lục vào hồ sơ đăng ký kinh doanh và không tìm hiểu sâu thì không ai tưởng tượng được rằng đa số vốn đăng ký của MLMB tại thời điểm IPO chỉ là một cái hoá đơn MLG xuất cho MLMB định giá thương hiệu và 2.840.000 cổ phiếu được ghi nhận là góp vốn bằng “uy tín” của ông Hồ Huy!?

    “Đây là sự việc vô tiền khoáng hậu xảy ra từ trước đến nay. Và có lẽ, chỉ có ông Hồ Huy vừa là Chủ tịch HĐQT của MLG, vừa là Chủ tịch HĐQT của MLMB mới làm được công việc này. Chúng tôi, những cổ đông nhỏ cảm thấy mình đã bị lừa một vố đau!?”, cổ đông này nhấn mạnh.

    “Làm xiếc” với cổ đông và các cơ quan chức năng?

    Việc MLG góp vốn bằng thương hiệu nhưng khi đăng ký kinh doanh lại thể hiện trong hồ sơ đăng ký kinh doanh là góp vốn bằng tiền mặt khiến cho nhiều cổ đông vô cùng bức xúc. Không ít cổ đông, đối tác cho rằng, người đại diện pháp luật của MLMB đã và đang cố tình đánh lừa cổ đông, ngân hàng và các đối tác chiến lược. Tại sao, họ lại không công bố việc MLG góp vốn vào MLMB bằng thương hiệu. Phải chăng có ẩn khuất gì phía sau? Có lẽ, câu hỏi này chỉ có ông Hồ Huy mới có thể có câu trả lời cụ thể và chuẩn xác nhất.

    Ở một diễn biến khác, hiện nay, sau khi để ông Hồ Huy có một loạt động thái vay vốn, chiếm dụng vốn... của MLG, MLMB để rút về “sân sau” (trong đó, có công ty TNHH một thành viên Đầu tư Hồ Huy đã sở hữu hơn 54% cổ phiếu của MLG), cố “ảo tưởng” hy vọng việc duy trì “sản nghiệp” và ánh hào quang đã tắt khi MLG hay thương hiệu Mai Linh đều gặp khó khăn thì ban lãnh đạo MLMB không có bất cứ phương án nào để đòi nợ từ MLG.

    Theo số liệu từ báo cáo kiểm toán, tính đến cuối 12/2015, MLG đã âm 911 tỷ đồng và tiếp tục lỗ lớn vì toàn bộ dòng tiền vay nợ của MLG hiện nay chỉ là nợ ngắn hạn nên áp lực trả nợ sẽ khiến mọi thuyết trình hoặc viễn cảnh kế hoạch kinh doanh của ban lãnh đạo MLG đã bị kiểm toán Deloitte kết luận “nghi ngờ” bởi không thể tin nổi nó là sự thật?!

    Để có thêm thông tin về sự việc trên, chúng tôi đã liên hệ trực tiếp với các cấp lãnh đạo tại Tập đoàn này nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi.

    Liên tục trong thời gian qua, những cảnh báo từ các chuyên gia, phản ánh từ báo chí, các ngân hàng cho vay tiền, nhà đầu tư cá nhân gửi tiền, lái xe mua xe thương quyền... đã có cái nhìn khác về thương hiệu  này.

    Sự việc diễn ra như thế nào, chúng tôi tiếp tục đăng tải ở những số báo tiếp theo tới bạn đọc. 

    (Còn tiếp)

    Nhóm Phóng Viên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ky-1-dinh-gia-thuong-hieu-voi-so-tien-hang-chuc-ty-dong-hoi-a167060.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.